Nhiều bà mẹ lo lắng với bệnh nổi mụn nước dẫn đến viêm cầu thận

11/03/2017 - 09:52

PNO - Chị Hương (ở Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) kể: con gái 17 tháng tuổi của chị bị mọc một mụn nước nhỏ trên ngón tay trỏ. Thoạt nhìn giống như bị phồng rộp nên chị cứ tưởng bé nghịch bị phỏng nhẹ.

Dễ nhầm với phỏng, rôm sảy

3 ngày sau mắc bệnh, mụn nước bắt đầu lan rộng ra gần hết ngón tay và làm mủ. Chị Hương cho biết bé có thói quen đưa tay lên mũi, dịch trong mụn ở ngón tay bị vỡ ra, dính vào mũi. Chị Hương lại tưởng bé bị viêm mũi, sổ mũi. Không ngờ mấy ngày sau, toàn vùng da xung quanh mũi, miệng bị đỏ rộp, hàng loạt mụn nước mọc lên.

Lúc này, chị Hương mới hốt hoảng đưa bé đi khám, bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ (BS) nhưng vẫn không khỏi. “Khám tới bệnh viện thứ hai thì tôi mới biết là con bị bệnh chốc lây mà theo lời BS thì đây là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. May mắn, BS cho thuốc bôi kết hợp uống nên con dần khỏi bệnh”, chị Hương cho biết.

Đáng lo hơn, nhiều trường hợp nhầm lẫn bệnh chốc lây với phỏng, rôm sảy, thủy đậu... Từ đó, có những cách điều trị sai, gây nguy hiểm cho trẻ. Như trường hợp bé V.T.N. (hai tuổi, ở H.Hóc Môn, TP.HCM) nhập Bệnh viện Da Liễu TP.HCM trong tình trạng sốt cao, phù nề toàn mặt, bàn chân sưng, có mụn mủ…

Nhieu ba me lo lang voi benh noi mun nuoc dan den viem cau than
 

Theo chẩn đoán của BS, bé N. bị bệnh chốc lây có bội nhiễm, biến chứng thành viêm cầu thận cấp. Người nhà bé N. kể lại: “Thấy da cháu xuất hiện nhiều mụn đỏ, nghĩ là rôm sảy, mẹ bé mua lá chè xanh, khổ qua về nấu lấy nước tắm cho bé. Sau thấy da bé không hết đỏ, một số nốt đỏ chuyển sang làm mủ, mẹ bé ra nhà thuốc mua thuốc tím về sát trùng rồi bôi thuốc mỡ cho bé. Ngày hôm sau thấy bé sốt, mặt phù, tình trạng nặng hơn, gia đình đưa bé đi khám thì mới biết con bị bệnh chốc lây”.

BS Trần Thế Viện - Phòng khám Da liễu, BV Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo: “Có một số trường hợp bệnh chốc lây có thể gây ra biến chứng viêm cầu thận, thường xảy ra sau nhiễm trùng da một-hai tuần. Biểu hiện của viêm cầu thận cấp thường là sốt cao, tiểu ra máu, phù, tăng huyết áp. Cha mẹ nên đưa bé đến khám BS chuyên khoa về da để được tư vấn và điều trị kịp thời. Không nên tự mua thuốc về dùng, tắm lá cây nhằm hạn chế những biến chứng cho trẻ bị chốc lây”. 

Nhận diện, phòng bệnh

Bệnh chốc lây (dân gian gọi là ghẻ phỏng) là một bệnh da nhiễm trùng do tụ cầu khuẩn hay liên cầu khuẩn gây ra. Biểu hiện bệnh đầu tiên là những nốt đỏ trên da mặt, tay, chân, sau đó những nốt đỏ có thể phát triển thành mụn hay bóng nước rồi vỡ ra, để lại vết trợt ngày càng lan rộng, có viền vảy xung quanh và đóng mày vàng màu như mật ong rất đặc trưng, một số trường hợp có mày màu nâu hay đen. Bệnh thường không gây sốt, tuy nhiên một số trường hợp nặng có thể có triệu chứng toàn thân như: sốt, mệt mỏi, nổi hạch vùng, đau nhức…

“Đóng mày vàng màu như mật ong là triệu chứng khá đặc trưng của bệnh chốc lây. Ngoài ra, có thể thấy nổi những phồng nước trên da giống bị phỏng kèm viền vảy tróc xung quanh. Vị trí thường thấy ở mặt, tay, chân. Trẻ ít khi bị sốt. Đây là những triệu chứng để giúp phân biệt bệnh chốc lây với các bệnh rôm sảy, trái rạ, ghẻ ngứa…”, BS Viện phân tích.

Nhiều người lo ngại bệnh chốc lây sẽ để lại sẹo xấu cho bé. Nhưng biến chứng của bệnh mới là vấn đề đáng quan tâm. Chốc lây là bệnh do vi khuẩn gây ra, thường gặp ở trẻ từ hai - sáu tuổi, dễ lây lan khi tiếp xúc nếu da có những vết trầy xước, sức đề kháng yếu, điều kiện môi trường nóng ẩm hay sinh hoạt trong môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học…

Bệnh lành thường không để lại sẹo và di chứng gì, tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể gây ra biến chứng như viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu hay bệnh thấp khớp ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển sau này của bé.

Theo các BS chuyên khoa da liễu, điều trị bệnh chốc lây có thể dùng kháng sinh tại chỗ hay toàn thân tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu chỉ có vài thương tổn có thể chỉ thoa và tắm thuốc sát khuẩn (thuốc tím). Nếu nặng hơn phải dùng kháng sinh đường uống.

Đáng nói là, nhiều phụ huynh thấy các vết lở trên da trẻ lành hẳn chỉ sau vài ngày bôi, uống thuốc nên ngưng thuốc vì không muốn lạm dụng kháng sinh, sợ không tốt cho bé. Hậu quả là, bệnh không khỏi hẳn và tái lại. Các BS khuyến cáo: “Thời gian dùng kháng sinh ít nhất phải bảy ngày. Phải cho bé uống đúng và đủ lượng thuốc được kê toa ngay cả khi tổn thương da đã sạch trước đó”.

Chốc lây là bệnh lây qua tiếp xúc; vì vậy, phòng bệnh bằng cách:

- Rửa tay bằng xà bông, tắm rửa hàng ngày.

- Không dùng chung các vật dụng sinh hoạt cá nhân (lược, khăn mặt, quần áo…).

- Cắt ngắn móng tay để hạn chế cào gãi làm lây lan thêm.

- Không móc hay ngoáy mũi do mầm bệnh có từ vị trí này sẽ lan ra vùng da khác rất nhanh.

- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

- Nếu bé bị bệnh chốc lây nên cho bé nghỉ học vài ngày để điều trị, nhằm hạn chế lây lan bệnh cho trẻ khác.


Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI