Nhiều bà mẹ bỉm sữa sập bẫy "việc nhẹ lương cao"

27/05/2022 - 11:26

PNO - Đánh vào nhu cầu tìm việc online của mẹ bỉm sữa, đối tượng lừa đảo liên tục tuyển cộng tác viên "chốt đơn" cho sàn thương mại điện tử với chiết khấu cao.

Chị Vũ Thu H. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) ở nhà chăm con suốt 2 năm qua. Áp lực dịch bệnh, kinh tế khiến chị phải "buôn thúng, bán mẹt" trên Facebook và làm nhiều công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập phụ với chồng.

Tháng 3 vừa qua, chị H. được một người bạn rủ làm cộng tác viên bán hàng cho một sàn thương mại điện tử. Để được bán hàng, chị H. phải nộp 38 triệu đồng chi phí mở đại lý. 

Chị H. nghĩ làm ăn thì cần đầu tư, do đó vợ chồng chị vay mượn để làm vốn bán hàng trên sàn. Kết quả, suốt hai tháng qua, bà mẹ trẻ này phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm người hỗ trợ để đòi lại tiền trong vô vọng.

Chị Bùi Thị S. sinh năm 1992, Thái Bình cũng rơi vào cảnh dở khóc, dở cười khi nộp tiền cho một người để làm cộng tác viên bán dược phẩm. Giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, S. đang thất nghiệp thì nhận được tin nhắn tìm cộng tác viên bán dược phẩm nên đã vay tiền để góp làm cộng tác viên.

Tháng đầu, S. đều đặn được nhận hoa hồng 15%. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay S. không nhận được tiền hoa hồng, và ngay cả tiền vốn gần 60 triệu đồng cũng không nhận được. Công ty lấy đủ lý do khó khăn, không bán được thuốc… để không hoàn lại vốn cho S.

 

Nhiều đối tượng đánh vào lòng tham và nhu cầu kiếm tiền của mẹ bỉm sữa trông con tại nhà.
Các đối tượng lừa đảo đánh vào lòng tham và nhu cầu kiếm tiền của mẹ bỉm sữa trông con tại nhà

Chị Nguyễn Thị K. - 43 tuổi, Hà Đông, Hà Nội thường xuyên nhận được các tin nhắn mời làm cộng tác viên online với thu nhập 200 - 300 ngàn đồng/giờ. Người làm chỉ cần có điện thoại truy cập wifi hoặc máy tính để chốt đơn và có thể làm việc tại nhà, không cần đến công ty.

Đang thất nghiệp ở nhà, nghe thấy có việc làm nhàn, lương cao, chị K. cũng muốn nhưng khi trò chuyện với người tư vấn và được yêu cầu phải ứng trước một khoản tiền, chị K. biết đó là lừa đảo.

Trên các hội nhóm, nhiều tài khoản cũng đăng bài tuyển nhân viên, cộng tác viên online với những chiêu trò việc nhẹ, lương cao và nhắm đến những bà mẹ bỉm sữa ở nhà trông con đang muốn kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập.

Cuối tháng 2/2022, chị V.T.N.H (ngụ xã Chư Á, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) đọc được tin tức trên mạng xã hội, thấy tin đăng tuyển cộng tác viên cho một sàn thương mại điện tử. Chị nhắn tin cho nhà tuyển dụng để tìm hiểu về công việc. Nhiệm vụ của chị là đặt các đơn hàng ảo trên một số sàn thương mại điện tử để thu hút người mua hàng.

Dù không có nhu cầu mua hàng, nhưng chị H. phải đặt hàng và thanh toán tiền. Số tiền này được cam kết hoàn trả kèm theo hoa hồng 8 - 20%. Các đối tượng sẽ gửi cho chị H. một đường link sản phẩm có kèm giá tiền. Chị H. vờ đặt hàng và chuyển số tiền ghi sẵn trong đó vào một số tài khoản khác.

Ví dụ món hàng có giá trị hơn 500.000 đồng thì chị sẽ chuyển tiền vào số tài khoản đó. Sau khi chuyển tiền xong từ 3 - 5 phút, các đối tượng hoàn tiền lại cho chị H. bao gồm tiền gốc và tiền hoa hồng. Tùy vào từng món hàng, có món được 8%, món 10%, món 20% hoa hồng.

Tin nhắn tuyển cộng tác viên chốt đơn.
Tin nhắn tuyển cộng tác viên chốt đơn

Những đơn hàng đầu, chị H. nhận được tiền gốc và tiền hoa hồng theo thỏa thuận. Sau đó, khi chị H. nộp số tiền lớn để đặt thêm hàng số lượng nhiều, các đối tượng liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chị mua thêm hàng. Biết mình bị lừa, chị H. đã làm đơn trình báo  công an. Chị bị chiếm đoạt số tiền 765 triệu đồng.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trung tâm nhận được nhiều email cảnh báo và cuộc gọi phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram… để tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

NCSC cho rằng các đối tượng lừa đảo thường có các chiêu trò như lợi dụng uy tín của các sàn thương mại điện tử để lấy lòng tin của cộng tác viên. Ban đầu đối tượng gửi đường link sản phẩm (có giá trị từ vài trăm nghìn, vài triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng) trên sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… và yêu cầu cộng tác viên thực hiện các bước như: xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty.

Ở những nhiệm vụ đầu tiên, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng. Đến khi cộng tác viên làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao (vài chục triệu đồng) và không còn khả năng chuyển tiền nữa, các đối tượng sẽ không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng ngay mà lấy lý do bảo trì hệ thống hoặc lý do khác để yêu cầu cộng tác viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Đồng thời hứa hẹn khi xong nhiệm vụ sẽ được nhận tiền gốc và hoa hồng, hoặc chặn đầu mối liên hệ với cộng tác viên. Lúc này nạn nhân mới phát hiện mình đã bị lừa.

Việt Anh 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI