PNO - Lứa sinh viên sư phạm đầu tiên được đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tốt nghiệp. Trong bối cảnh cả nước thiếu giáo viên nói chung, thiếu giáo viên môn tích hợp, môn đặc thù nói riêng; những sinh viên này cũng gặp nhiều khó khăn, áp lực.
Vừa tham dự 2 buổi “Tập huấn - Bồi dưỡng kỹ năng trả lời phỏng vấn, viết hồ sơ xin việc” do trường tổ chức, N.T.T. - sinh viên năm cuối ngành sư phạm khoa học tự nhiên Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 - chia sẻ: “Thú thực là tôi vẫn lo lắng, thiếu tự tin. Tôi sợ mình không đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng, sợ mình không làm tốt vai trò của một giáo viên khi đứng trên bục giảng”. T. lý giải, nội dung chương trình đào tạo của nhà trường thể hiện rất rõ sự tích hợp. Trong quá trình học, T. thấy lượng kiến thức mình nhận được từ chương trình đào tạo đủ để sau này mình có thể giảng dạy môn khoa học tự nhiên. Tuy nhiên khi thực hành - làm quen với công việc giảng dạy trong các kỳ kiến tập, thực tập, T. dần nhận thấy không ít khó khăn, áp lực.
Sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội tại ngày hội việc làm do nhà trường phối hợp với các đơn vị tuyển dụng tổ chức năm 2022 - Ảnh: L.L.
Môn khoa học tự nhiên của chương trình mới được xây dựng và phát triển trên nền tảng của các môn khoa học vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất; song khi thực tập tại trường phổ thông, T. và nhiều bạn trong lớp còn lúng túng trong vận dụng những kiến thức đã học được từ nhà trường vào lớp học. Vai trò của giáo viên hướng dẫn trong việc giúp đỡ giáo sinh vận dụng kiến thức cũng khá mờ nhạt, bởi họ đã nhiều năm là giáo viên dạy đơn môn. Bên cạnh đó, T. còn lo lắng khi thời gian được cọ xát với công việc vẫn còn hạn chế: “Chúng tôi chưa được tiếp xúc nhiều với học sinh, chưa được thực hành nhiều, nhất là những kỹ năng xử lý tình huống trên lớp học” - T. nói.
Cũng là lứa đầu tiên được đào tạo cho chương trình mới của Trường đại học Sư phạm Hà Nội và sắp tốt nghiệp, H.G. - sinh viên năm cuối Khoa Nghệ thuật - cho biết: “Ở trường, chúng tôi được làm quen với sách giáo khoa, được xây dựng bài giảng cho học sinh THCS, THPT. Nhưng khi thực tập, vì âm nhạc là môn mới ở trường THPT, không có giáo viên hướng dẫn, nên chúng tôi chỉ được thực tập - giảng dạy cho học sinh THCS”. Do đó H.G. khá lo lắng, nếu năm học tới đây được đi dạy ở trường THPT, thì kinh nghiệm giảng dạy ở bậc học này của cô là hoàn toàn không có. Chưa kể các tình huống sư phạm xảy ra trong lớp học, lứa tuổi THPT không giống lứa tuổi THCS, cô không biết sẽ phải giải quyết, xử lý thế nào.
Không chỉ sinh viên các môn tích hợp, môn đặc thù thấy khó khăn, áp lực; sinh viên các môn truyền thống, nhưng giảng dạy theo chương trình mới cũng không ít băn khoăn. Sau khi thực tập dạy môn ngữ văn Mười, H.A. - Trường đại học Sư phạm Hà Nội - nhận thấy nguồn tài liệu tham khảo, phục vụ việc giảng dạy vẫn rất hạn chế. Sách giáo khoa và ngữ liệu trong đó không chỉ mới đối với cô, mà còn mới với cả những giáo viên hướng dẫn thực tập. “Chúng tôi được đào tạo về kỹ thuật dạy học hiện đại, được đào tạo để có thể sử dụng thiết bị dạy học như phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; song với sĩ số lớp học lớn như hiện nay, việc vận dụng hiệu quả các kiến thức đó cũng là khó khăn không nhỏ. Bên cạnh đó, việc chuyển lý thuyết được học sang thực hành trên lớp cũng là vấn đề khó khăn của chúng tôi” - H.A. chia sẻ.
Sinh viên phải được đào tạo để trở thành nhà giáo dục
Ở góc nhìn của nhà tuyển dụng, theo lãnh đạo một trường ngoài công lập tại Hà Nội, năng lực chuyên môn là yêu cầu cần thiết, song cần phải xem năng lực chuyên môn đó có phù hợp, có mang tính thực tế, có thể áp dụng ngay khi tham gia giảng dạy hay không. Các trường sư phạm cũng đang nỗ lực để trang bị cho sinh viên, song thực tế đào tạo của các trường sư phạm so với yêu cầu của các nhà tuyển dụng hiện nay vẫn có khoảng cách không nhỏ.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng, những áp lực của sinh viên sư phạm đào tạo theo chương trình mới, cũng như khoảng cách giữa các trường sư phạm và nhà tuyển dụng đến từ nguyên nhân là việc đào tạo sinh viên sư phạm của ta vẫn theo mô hình cũ - đào tạo thợ dạy. Dù từ năm 2019, vai trò của nhà giáo đã được khẳng định một cách rõ ràng trong Luật Giáo dục; lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định nhà giáo không phải “thợ dạy”, mà phải là nhà giáo dục. Song, từ đó đến nay chúng ta vẫn đang đào tạo “thợ dạy”.
Ông cho rằng, việc đào tạo sinh viên sư phạm theo chương trình mới, nhưng vẫn theo mô hình cũ sẽ khó đạt hiệu quả. Bởi đào tạo “thợ dạy”, thì hễ có bất cứ thay đổi nào về sách giáo khoa, hay về chương trình là họ không thể dạy được, phải đi tập huấn lại. Nhưng với các nhà giáo dục thì sách giáo khoa nào, chương trình nào họ cũng có thể dạy được. Đặc biệt, ở bối cảnh xã hội hiện đại trong và ngoài nước đều đang thay đổi, phát triển rất nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục; thì “thợ dạy” không thể bắt kịp được những thay đổi đó, nhưng nhà giáo dục thì có thể thích ứng được mọi sự thay đổi để nền giáo dục hoàn thiện hơn, cởi mở hơn cũng như đi vào guồng đổi mới nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Cụ thể, để đổi mới trong đào tạo giáo viên - như các quốc gia tiên tiến đã và đang thực hiện, cần chia việc đào tạo làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản, kỹ năng nghề nghiệp cụ thể; đào tạo theo hướng này đặc biệt thích hợp trong giai đoạn hiện nay, khi ngành nghề biến đổi nhanh chóng. Giai đoạn đào tạo nghiệp vụ sư phạm có thể thực hiện ở 2 năm cuối đại học (mô hình của ta vẫn là đào tạo môn học và đào tạo nghiệp vụ sư phạm đồng thời trong suốt chương trình); hoặc đào tạo môn học ở chương trình cử nhân, đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở chương trình cao học. Quy trình này trang bị cho sinh viên tiềm năng khoa học để vận dụng trong quá trình hành nghề mà không cần phải “cầm tay chỉ việc”.
Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, mô hình trường thực hành trong trường sư phạm cũng là giải pháp để sinh viên các trường sư phạm có cơ hội được thực hành hiệu quả hơn; điều này, nhiều trường sư phạm ở các quốc gia tiên tiến áp dụng. Các trường thực hành sẽ tuyển học sinh đại trà, lý tưởng nhất là theo hướng kết hợp nghiên cứu, để những nhà giáo dục có thể làm nghiên cứu bậc thạc sĩ, tiến sĩ về phương pháp giáo dục, quản lý giáo dục. Tiếp theo là các trường thực hành với mục đích thuần là nơi để sinh viên các trường sư phạm thực hành thường xuyên, thay vì phải gửi đi thực hành ở các trường phổ thông, với khoảng thời gian hạn chế như hiện nay.
Tháng trước, trong chuyến thăm và làm việc với Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh vai trò, vị trí hết sức quan trọng của các trường sư phạm trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông. Các trường sư phạm phải đào tạo để làm sao sinh viên ra trường là tiếp cận ngay được với chương trình mới. Các trường cũng phải trang bị cho sinh viên năng lực sư phạm để truyền tải được chương trình mới, không được để sinh viên sư phạm ra trường nhưng vẫn theo cách tiếp cận cũ, vẫn phải tập huấn lại.
Giáo dục phổ thông đang đổi mới từng ngày và quyết định đến sự đổi mới này, một phần rất quan trọng nằm ở các trường sư phạm. Tuy nhiên, sự tham gia của các trường sư phạm vào việc này vẫn còn rất “vừa phải”. Thực tế, tốc độ đổi mới giáo dục phổ thông đang diễn ra nhanh hơn sự chuẩn bị và sẵn sàng của các trường sư phạm.