Nhiệt liệt… nói xấu!

06/03/2013 - 17:23

PNO - PN - Hôm trước tổ chức đám cưới ở quê, hôm sau lên xe đò về lại thành phố, Phượng bưng mặt khóc rưng rức. Khang, chồng Phượng gặng hỏi, Phượng vẫn không nói, càng khóc to hơn. Khang đoán già đoán non: “Em về làm dâu miền quê,...

Hóa ra, sau tiệc cưới, họ hàng nhà Khang ngồi tám chuyện. Dì Hai “độc miệng”: “Hổng chừng thằng Khang sẽ khổ, tướng con Phượng nhỏ thó, gầy đét vậy, dễ gì sinh nở!”. Bà ngoại phụ họa: “Ừ, bây nói tao mới để ý, thanh niên bây giờ chọn vợ hổng chịu coi cái vụ thuận bề sinh nở. Ngày xưa là ông bà mình để ý kỹ lắm”. Em gái bĩu môi: “Anh Hai đẹp trai ngời ngời, cuối cùng cưới nhằm vợ xấu. Có đẻ con thì con cũng khó mà đẹp”. Câu chuyện càng được nối dài, mỗi người thêm một “tiếng xấu” dành “tặng” cô dâu. Như một bài hát bắt đầu nhẹ nhàng, càng đến cuối bài càng lên cao trào, diễn biến câu chuyện mang màu sắc xám xịt đến mức ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ, những người tham gia vụ “tích cực nói xấu” này cũng chẳng chủ đích “ác miệng” đến vậy, nhưng càng nói càng có hứng.

Nhiet liet… noi xau!

Minh họa: NOP

Họ đâu biết, Phượng vô tình ngồi trong phòng bên cạnh, chỉ cách một tấm rèm. Cô nghe mà nghẹn lòng.

Khang nghe vợ kể lại cũng nổi điên, gọi điện thoại về trút giận lên mẹ: “Mẹ tưởng con trai mẹ có giá lắm hay sao mà cả nhà xúm vô chê bai con dâu như vậy? Người ta đã chịu về làm dâu nhà mình là tốt lắm rồi. Với cái kiểu như vậy, ai mà sống được...”. Bên kia đầu dây, người mẹ cũng giận không kém: “A, coi con kìa, mới lấy vợ hôm trước, hôm sau đã để vợ cưỡi lên đầu lên cổ, xem vợ hơn mẹ”. Cuộc tranh luận giữa hai mẹ con căng thẳng, cuối cùng, mẹ Khang tuyên bố: “Không thèm nói chuyện với con nữa”.

Khang quay sang an ủi vợ: “Thôi thì mọi người chỉ nói cho vui miệng, chứ chẳng có ý gì đâu. Người nhà bên anh thật thà chất phác. Mà anh thấy mọi người cũng quý em đó chứ!”. Chẳng những không nguôi ngoai, Phượng còn tức hơn: “Nhà anh nói xấu em như vậy, anh còn bênh. Thôi, em xấu, em gầy như con cá khô, chẳng xứng với anh”.

Thời gian là liều thuốc tốt nhất để chữa lành giận hờn. Khang và Phượng quên dần câu chuyện ấy, hạnh phúc với đứa con đầu lòng. Ngày bế cậu con trai xinh xẻo về nhà nội, chính những người ngày trước “trù” Phượng, giờ vây quanh xuýt xoa: “Trông ghét quá, cho nựng cái coi”, “Mẹ mày sinh mày khéo quá, nét mặt này là thông minh lắm đây…”. Khang lâng lâng hạnh phúc, thầm nghĩ: “Hóa ra, tâm lý con người rất lạ, gặp con dâu mới thường có xu hướng… chê, phải tìm cho ra nét gì đó để chê, còn gặp trẻ con thì chỉ muốn khen, lạ đời”. Khang điểm lại, thấy từ con dâu đến cháu dâu, mỗi lần có đám cưới là mỗi lần thấy cả hội ngồi nói xấu. Có lần, Khang còn bực mình khi nghe người dì của mình bảo: “Cậu cháu nhà bây thiệt là có lòng từ thiện, có bao nhiêu người xấu hốt về làm vợ”. Nhớ lần đó, Khang nổi giận, cãi nhau ầm ĩ với dì.

Nhiet liet… noi xau!

Chuyện tưởng đã qua, nay được bới lại. Hai vợ chồng cãi nhau, Phượng viết đơn ly hôn, Khang vẫn tưởng vợ làm vậy chỉ để hù chồng. Không ngờ, Phượng đâm đơn. Ngoài việc “không hợp với một người chồng mê chơi, không chăm lo cho gia đình”, Phượng còn nhấn đi nhấn lại lý do “không hợp với cả nhà chồng”. Cô giải thích thêm: “Ngày mới làm dâu, tôi đã bị nói xấu tan nát. Tôi không phải quá tệ, sao bên nhà anh ác khẩu quá vậy? Tôi không thể sống với một gia đình nhà chồng như vậy”. “Em cứ nâng quan điểm, gia đình anh vốn hiền lành, đâu đến nỗi…”. Nhưng, mọi lời phân bua của Khang không còn ý nghĩa nữa, khi Phượng đã bị một vết hằn sâu trong tâm trí rằng “nhà chồng không ưa mình”.

Thực tế, việc nói xấu cô dâu là chuyện phổ biến của những người xấu miệng. Mà xấu miệng theo kiểu thích “buôn dưa lê”, “buôn” chuyện xấu thì hào hứng hơn chuyện tốt, nên càng “buôn” càng cao hứng, mỗi người góp thêm một tiếng, chuyện bé xé ra to, chỉ tội cho nàng dâu mới. Chuyện nói xấu này chẳng hề được khuyến khích, nhưng vẫn diễn ra một cách… nhiệt liệt!

Trong phim hài khá nổi tiếng có tựa đề A Guy Thing (ĐD Chris Koch, Mỹ), khi làm lễ cưới cho hai nhân vật chính, mục sư đã hỏi mọi người trong buổi lễ: “Có ai có bất kỳ lý do gì để cho rằng hai người này không xứng đáng trở thành vợ chồng? Nếu có, hãy nói ngay bây giờ, hoặc vĩnh viễn không nói”. Thực tế, khi đôi trẻ cưới nhau rồi, người ta mới bàn tán nhiều, mà cũng chỉ là bàn cho “sướng miệng” chứ chẳng phải vì mục đích nào khác. Giá mà ai cũng nghe theo lời vị mục sư trên, để “nếu họ đã cưới nhau, thì đừng nói ra nói vào nữa”.

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI