Nhiệt độ toàn cầu vượt mục tiêu 1,5 độ C trong 2 năm liên tiếp

10/01/2025 - 14:16

PNO - Tình trạng ấm lên liên tục, chưa từng có đã khiến nhiệt độ trung bình trong năm 2023 và 2024 nóng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ảnh chụp từ trên không cho thấy hàng nghìn con cá chết do hạn hán ở đầm Bustillos, tiểu bang Chihuahua, Mexico, vào tháng 6/2024 - Ảnh: AFP
Ảnh chụp từ trên không cho thấy hàng ngàn con cá chết do hạn hán ở đầm Bustillos, tiểu bang Chihuahua, Mexico, vào tháng 6/2024 - Ảnh: AFP

Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu (EU) xác nhận vào ngày 10/1 rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, vượt qua năm 2023 và kéo dài chuỗi ngày nắng nóng bất thường trên tất cả các châu lục.

Tình hình nhiệt độ năm 2025 có dấu hiệu khả quan hơn, nhưng cơ quan thời tiết của Anh vẫn dự đoán năm 2025 sẽ nằm trong số 3 năm ấm nhất lịch sử.

Nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ thời tiết khắc nghiệt. Năm 2024 các quốc gia từ Tây Ban Nha đến Kenya, Mỹ và Nepal phải hứng chịu các thảm họa thời tiết gây thiệt hại hơn 300 tỉ USD.

Los Angeles, Mỹ đang phải chiến đấu với các đám cháy rừng chết người, phá hủy hàng ngàn tòa nhà và buộc khoảng 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các đám cháy "thảm khốc" tấn công California là bằng chứng cho thấy "biến đổi khí hậu là có thật".

C3S cho biết tình trạng ấm lên liên tục, chưa từng có đã khiến nhiệt độ trung bình trong năm 2023 và 2024 nóng hơn 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Gần 200 quốc gia đã nhất trí tại Paris vào năm 2015 rằng việc đạt được mục tiêu ngăn Trái đất nóng lên trên 1,5oC sẽ mang lại cơ hội tốt nhất để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc từ biến đổi khí hậu.

Nhưng thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đó. "Chúng ta hiện đang chênh vênh trên bờ vực vượt qua mức 1,5oC" - phó giám đốc C3S Samantha Burgess nhận xét.

Hồ sơ của C3S được ghi nhận từ năm 1940, nhưng các nguồn dữ liệu khí hậu khác, chẳng hạn như lõi băng và vòng cây, cho phép các nhà khoa học kết luận rằng Trái đất ngày nay có khả năng đang trải qua thời điểm ấm nhất trong vòng hàng chục ngàn năm.

Ngưỡng 1,5oC được đo bằng thập kỷ chứ không phải từng năm, nhưng C3S cho biết việc đạt đến giới hạn này là ví dụ minh họa ngắn gọn cho những thay đổi chưa từng có mà loài người đang gây ra.

Họ cảnh báo thêm rằng, sau khi vượt quá một điểm nhất định, khí hậu có thể thay đổi theo những cách khó lường trước.

Ở mức độ hiện tại, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến hạn hán, bão, lũ lụt và nắng nóng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn.

Chuyên gia Johan Rockstrom từ Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức) cho biết việc nhiệt độ thế giới vượt mốc 1,5oC là một "dấu hiệu cảnh báo rõ ràng".

Ông nói với hãng tin AFP: "Lần đầu tiên nếm trải thế giới nóng hơn 1,5oC khiến con người và nền kinh tế toàn cầu phải chịu đựng những đau khổ và tổn hại chưa từng có".

Các nhà khoa học cho biết sự khởi đầu của hiện tượng El Nino ấm lên vào năm 2023 đã góp phần vào mức nhiệt kỷ lục sau đó.

Nhưng El Nino đã kết thúc vào đầu năm 2024 và các nhà khoa học vẫn chưa hiểu tại sao nhiệt độ toàn cầu vẫn duy trì ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục kể từ đó.

Vào tháng 12/2024, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, sự kiện La Nina diễn ra trong những tháng tiếp theo "quá yếu và ngắn ngủi" để có nhiều tác động làm mát cho Trái đất.

"Tương lai nằm trong tay chúng ta - hành động nhanh chóng và quyết đoán vẫn có thể thay đổi quỹ đạo khí hậu tương lai của chúng ta" - giám đốc C3S Carlo Buontempo cho biết.

Các quốc gia đã đồng ý chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch tại hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc vào năm 2023, nhưng cuộc họp mới nhất vào tháng 11/2024 hầu như không đạt được bất kỳ tiến triển nào về cách giảm sâu hơn lượng khí thải nhà kính.

Tấn Vĩ (theo AFP, France24)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI