Nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm khiến nhiều người đổ bệnh

17/12/2019 - 06:30

PNO - Những ngày này, nhiệt độ ngày và đêm của miền Bắc chênh nhau khá rõ rệt. Chính những thay đổi của thời tiết đã khiến không ít người đổ bệnh phải nhập viện cấp cứu.

Từ giữa tháng 11 đến nay, thời tiết bắt đầu chuyển sang lạnh hơn rất nhiều, nhiệt độ liên tục giảm sâu. Tuy nhiên, nền nhiệt độ này lại thay đổi theo ngày đêm.

Nhiet do chenh lech ngay va dem khien nhieu nguoi do benh
Thời tiết miền Bắc đang có sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương ngày 10/12, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội rơi vào khoảng 24-25 độ C vào ban ngày, trong khi đó, nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm và sáng sớm chỉ dao động khoảng 8 độ C.

Chênh lệch ngày đêm là 15-16 độ C. Chính sự thay đổi này gây tác động rất lớn tới sức khỏe người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. 

Trẻ nhỏ nhập viện vì cúm mùa

Thông tin từ tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng phòng truyền thông và chăm sóc khách hàng Bệnh viện Nhi Trung ương, những tuần gần đây, bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ nhập viện do ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường. Đa số ca nhập viện do viêm phổi, viêm mũi họng, cúm mùa… Số bệnh nhi nhập viện khám và điều trị lên đến 130-150 trẻ/tuần. 

Theo thống kê của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần khoa tiếp nhận từ 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau. Cháu Thành Đạt (5 tuổi, ở tỉnh Thái Nguyên) nhập viện do cúm A đến nay đã gần một tuần. Gia đình cho biết, sáng 26/11, cháu vẫn đi học bình thường.

Nhiet do chenh lech ngay va dem khien nhieu nguoi do benh
Các bác sĩ đang hội chẩn cho một bệnh nhân

Buổi trưa đi học về, cháu bỗng nhiên sốt cao 39-400C. Gia đình cho uống thuốc hạ sốt nhưng cháu đáp ứng kém, chỉ giảm sốt một lúc rồi sốt lại. Sau một ngày, gia đình đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám, các bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với vi-rút cúm A.

Cùng phòng điều trị với Đạt là bé Minh Thư (bốn tháng tuổi, ở TP.Hà Nội). Cũng giống như bệnh nhi Đạt, bé Thư được gia đình đưa đến bệnh viện sau hai ngày sốt cao 400C. Mẹ bé chia sẻ, khi cho cháu uống thuốc hạ sốt thì cắt được cơn sốt nhưng cháu lại chuyển sang ho, khò khè, khó thở. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán cháu viêm đường hô hấp dưới. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy cháu nhiễm cúm A.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A và cúm B.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Trong trường hợp trẻ mắc cúm mùa do ảnh hưởng của thời tiết thay đổi, cha mẹ cần lưu ý: hạ sốt cho trẻ bằng cách nới rộng quần áo, chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4-6g uống nhắc lại một lần nếu trẻ có sốt từ 38,5 độ C trở lên.

Vệ sinh đường hô hấp, vệ sinh mũi miệng bằng cách dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay. Hằng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn. Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.

Nhiều người đến khám bệnh lý tim mạch do thời tiết thay đổi

Trạng thái thay đổi nhiệt độ chênh lệch ngày đêm cũng khiến nhiều người già, đặc biệt là người có tiền sử về bệnh tim mạch tới khám và điều trị tại Viện Tim mạch quốc gia.

Lý giải thêm về trạng thái thay đổi nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm có khả năng khiến con người tử vong, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Những người có nguy cơ đột quỵ, tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim thường là những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch. Tức là những người có nền bệnh tim mạch là điều kiện thuận lợi cho đột quỵ xảy ra”.

Việc thay đổi nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm, liên quan đến việc co giãn mạch máu. Khi ban ngày, thời tiết nắng và có chút nóng ấm, các mạch máu giãn ra, bỗng đột ngột vào buổi tối nhiệt độ lạnh xuống rất sâu khiến các mạch máu co lại, đẩy huyết áp cao lên, dẫn đến đột quỵ, xuất huyết não.

Nhiet do chenh lech ngay va dem khien nhieu nguoi do benh
Một bệnh nhi bị suy hô hấp do nhiệt độ thay đổi liên tục

Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng cho rằng, với những trường hợp đột quỵ nói riêng và các bệnh lý liên quan đến tim mạch nói chung đều cần phải xử trí nhanh chóng, kịp thời. Có thể đưa ngay tới nơi có nhiệt độ ổn định, nhanh chóng làm ấm cơ thể cho nạn nhân và gọi cấp cứu.

Chuyên gia tim mạch cũng khuyến cáo để tránh thay đổi nhiệt độ dẫn đến đột quỵ: nếu ở trong phòng điều hòa lâu, nhiệt độ trong phòng và bên ngoài không nên chênh quá 4 độ C. Lưu ý không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp, mức tối ưu nên từ 25-28 độ C kèm theo quạt thông gió trong phòng. Tuyệt đối không tắm khuya hoặc tắm quá lâu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. 

Thời tiết miền Bắc đang có sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm, người cao tuổi có nhiều bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường, bệnh lý về khớp phải hết sức thận trọng. Thời tiết lạnh sẽ là yếu tố thuận lợi khiến các bệnh này nặng hơn hoặc biến chứng. Bên cạnh đó, người già rất dễ mắc bệnh viêm phổi ở thời tiết này. Vì vậy, người cao tuổi cần đặc biệt giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. 

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI