Nhiếp ảnh gia Triệu Chiến: Người kể câu chuyện kiến trúc bằng hình ảnh

07/08/2021 - 06:58

PNO - Triệu Chiến đến với nhiếp ảnh hết sức tình cờ. Anh học Đại học Kiến trúc và vốn không có ý định trở thành nhiếp ảnh gia.

Chụp từ làng ra phố

Năm cuối đại học, chàng trai Nam Định khá hoang mang về lựa chọn nghề nghiệp. Anh tạm gác việc chụp ảnh khá ổn định ở Hà Nội để xin thực tập ở một văn phòng kiến trúc. Tuy nhiên, chàng trai trẻ không thể chịu nổi quá một tháng, vì đã quen đi chụp ảnh khắp nơi. Anh buộc phải suy nghĩ nghiêm túc về việc chọn kiến trúc hay trở về với nhiếp ảnh. Và cuối cùng anh đã chọn việc chụp ảnh những công trình kiến trúc - công việc vẫn liên quan đến những gì anh đã được đào tạo. Nền tảng vững chắc về kiến trúc giúp Chiến dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp và giao tiếp với mọi công trình. 

Đi và chụp nhiều công trình kiến trúc truyền thống mang tính di sản ở Bắc bộ, Chiến nhận thấy công tác bảo tồn hiện nay còn nhiều bất cập vì ngoài phụ thuộc vào tay nghề của thợ, còn phải dựa vào tư liệu hình ảnh và đặc biệt là truyền miệng. Anh nói, các nền kiến trúc trên thế giới được gìn giữ và bảo tồn rất tốt, vì họ có hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ từ bản vẽ đến hình ảnh qua nhiều thời kỳ, việc này rất hữu ích cho các nhà bảo tồn.

Ở Việt Nam, việc tìm hình ảnh của các di sản chủ yếu trên Internet và không có nhiều tư liệu qua các thời kỳ, đôi khi nó bị ngắt quãng hoặc được chụp bởi các nhiếp ảnh gia nước ngoài. Do đó, việc số hóa rất quan trọng trong việc bảo tồn và nghiên cứu kiến trúc hiện nay. “Có những người quan tâm đến di sản kiến trúc nhưng số đó rất ít. Mỗi người có một cách làm riêng để bảo vệ di sản, có người lên tiếng kêu gọi để gìn giữ chúng. Tôi thì chọn cách chụp và ghi chép lại rồi chia sẻ với bạn bè người thân cùng thấy được vẻ đẹp của chúng”, anh nói.

Những bức ảnh của Chiến không chỉ được người trong ngành ủng hộ, mà nó còn là nguồn tài liệu quan trọng cho mọi người tìm hiểu và nghiên cứu kiến trúc cổ ở Bắc bộ. Ngoài những công trình kiến trúc truyền thống mang tính di sản, thì các công trình kiến trúc nổi tiếng một thời ở những thành phố lớn cũng khiến Chiến quan tâm, đặc biệt là những thiết kế vào những năm 70 của thế kỷ trước. Đa số đó là những công trình xuống cấp hoặc bỏ hoang do công năng không còn phù hợp với thời đại, nhưng có giá trị để tham khảo và nghiên cứu. 

Niềm đam mê bất tận

Khi mới bén duyên với nhiếp ảnh kiến trúc, Chiến chưa ý thức được việc chụp tư liệu để lưu trữ. Anh từng xin vào bên trong nhà máy dệt Nam Định tham quan, chụp lại một ít ảnh bằng điện thoại khi chứng kiến nó đang bị tháo dỡ. Sau này, khi đã chụp và tư liệu nhiều, thì đây là một trong những địa điểm anh tiếc nhất vì chưa chụp được một cách trọn vẹn.

Sách ảnh kiến trúc về chùa Bút Tháp - ấn phẩm đầu tiên trong series GHÉ 02
Sách ảnh kiến trúc về chùa Bút Tháp - ấn phẩm đầu tiên trong series GHÉ 02

Một lần, ổ cứng di động bị hư, hình ảnh giai đoạn năm 2015-2016 mất hết. Vì sự cố đó, anh quyết định nghiêm túc hơn và tư liệu hóa những bức ảnh đã chụp. Hành trình ấy được gói ghém trong mỗi ấn bản GHÉ - ý tưởng ghé đâu chụp đấy. Mỗi lần đến địa phương nào có công trình hay di tích gì đặc biệt, anh đều “ghé” qua để chụp.

Với GHÉ 01, Chiến chỉ chụp các công trình Liên Xô xây dựng hoặc giúp Việt Nam xây dựng. Dù chỉ chụp 36 công trình, nhưng anh mất gần một năm. Càng chụp và tâm sự với nhiều kiến trúc sư, chủ đề càng được mở rộng. GHÉ 03 là sự tiếp nối của GHÉ 01, giới thiệu các công trình kiến trúc hiện đại hình thành giai đoạn cuối thế kỷ XX ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác ở miền Bắc.

Triệu Chiến đã phát hành ba tập sách ảnh trong bộ GHÉ. Bộ NOTES đã phát hành sáu số, hiện chỉ còn NOTES 6 là còn bản in. Năm bản còn lại có bản pdf tặng những người yêu thích kiến trúc. Có thể tải miễn phí năm tập NOTES ở địa chỉ: http://notes.vn/items/bo-sach-05-cuon-notes-pdf/ (nhập mã NOTESFREEDOWNLOAD khi thanh toán)

Trong khi đó, GHÉ 02 là sự đánh dấu khi anh được thức tỉnh từ ý niệm của Nguyễn Gia Trí và muốn tìm về gốc. Gốc theo chàng trai trẻ là kiến trúc truyền thống Việt Nam, tinh hoa là chùa Việt. Do đó, anh quyết định chụp chín ngôi chùa cổ tại Bắc bộ. Theo Chiến, chụp chùa khá khó vì trong một ngôi chùa có nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc, Phật giáo… Với mỗi ngôi chùa, anh đều phải quay lại ít nhất năm đến sáu lần để hoàn thành bộ ảnh.

Bên cạnh GHÉ, Triệu Chiến còn đảm nhận vai trò hình ảnh cho một bộ sách giới thiệu về kiến trúc khác mang tên NOTES. Anh cho biết nếu như GHÉ là cuộc chạy đua để lưu giữ những giá trị kiến trúc sắp bị mất đi, thì NOTES lại mang tính học thuật nhiều hơn.

Bộ sách NOTES tập hợp những chủ đề liên quan đến kiến trúc, thiết kế và đời sống như Chủ nghĩa tối giản, Kiến trúc và Điêu khắc, Nếp nhà người Việt… được ghi chép từ chính thực tế lao động và hành nghề của nhiều kiến trúc sư, nghệ sĩ. 

Nhà Pháp
Một ngôi nhà Pháp cổ còn sót lại ở làng Cự Đà (Hà Nội)

Hiện nay, chưa nhiều đơn vị ở Việt Nam quan tâm đến việc xuất bản sách kiến trúc hay đơn giản là tư liệu hóa chúng thành các ấn phẩm nhỏ để đến tay người xem một cách dễ dàng. Chiến ví von công việc làm sách hiện tại như việc anh đi học, luôn vui vẻ vì mỗi ngày được học thêm nhiều thứ mới mẻ.

“Đi, chụp, quan sát và lắng nghe, dần dần kiến trúc như ở trong tôi. Bây giờ, việc kể lại những chuyến đi ấy qua ảnh chắc không khó. Yêu kiến trúc và nhiếp ảnh nên tôi coi cả hai là một. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn là nhiếp ảnh gia chụp ảnh kiến trúc”, anh bộc bạch.

Trước khi dịch bùng phát, từ Hà Nội, anh đã kịp mang hình ảnh Bắc bộ vào Sài Gòn qua triển lãm Dưới ánh mặt trời. Hiện tại, Chiến đang sửa soạn cho số NOTES tiếp theo. 

Tấn Đồng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI