Phóng viên: Trong nhiếp ảnh, nghề truyền thống Việt không phải chủ đề mới, vì sao anh lại chọn để thực hiện cuốn sách ảnh?
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong: Những nghề truyền thống của Việt Nam đã tồn tại hàng chục hay hàng trăm năm qua, gắn với đời sống của người dân Việt. Vì mang vẻ đẹp của những giá trị xưa cũ bên cạnh đời sống hiện đại, có sự tương phản khá thú vị nên chủ đề này thu hút nhiều tay máy.
|
Nghề làm chiếu tại Phú Yên - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trong hơn chục năm qua, tôi thầm lặng tìm đến những làng nghề trên khắp cả nước. Đồng hành cùng người làm nghề, nghe câu chuyện của họ. Càng đi, tôi càng thấy hứng thú vì phát hiện ra quá nhiều điều hay cần được lưu giữ, tôn vinh. Tôi cứ chụp và hoàn thiện dần, không đặt áp lực thời gian phải ra mắt cho đến khi thấy chất lượng đạt được như mình mong muốn.
* Anh đi, tìm hiểu, sáng tác rất nhiều nhưng chỉ đưa vào sách 45 làng nghề, tiêu chí anh chọn giới thiệu những làng nghề trong sách ảnh là gì?
- Tôi đã đến rất nhiều làng nghề. Sau khi thống kê lại, tôi chụp được 66 bộ ảnh và chọn đưa vào sách 45 bộ ảnh tương ứng với 45 nghề truyền thống. Lựa chọn chụp và đưa vào sách những làng nghề nào là điều tôi đã cân nhắc kỹ vì mỗi nơi đều mang nhiều câu chuyện độc đáo.
Ban đầu, tôi tìm đến những làng nghề có tiếng, tham quan không gian nhưng nhiều nơi giờ đây đã ứng dụng không ít máy móc công nghiệp để phục vụ sản xuất. Sự hiện đại lại không phù hợp với mục đích chụp nghề truyền thống của tôi. Tôi chọn những nơi còn giữ cách làm thủ công nhiều nhất để thấy được vẻ đẹp trong lao động của bà con. Chính yêu cầu này buộc tôi phải tìm kỹ hơn, đi xa hơn. Ngoài ra, sau khi chụp xong, những làng nghề nào có chi tiết độc đáo, thú vị hơn sẽ được tôi sàng lọc lại, đưa vào. Tôi rất ấn tượng với nghề làm giấy bản của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Chuyến đi đó, tôi thực sự may mắn khi được đến ngôi làng còn giữ nghề làm giấy thủ công. Chứng kiến mới thấy Việt Nam mình còn quá nhiều điều thú vị để khám phá.
Ngoài ra mắt sách Nghề truyền thống Việt (Vietnam’s Traditional Crafts), triển lãm cùng tên của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sẽ diễn ra vào ngày 1/8 tại khách sạn Majestic Saigon, 1 Đồng Khởi, quận 1, TPHCM. |
* Những thử thách trong quá trình sáng tác, thực hiện sách ảnh chắc không phải ít?
- Tôi chọn tựa sách là Nghề truyền thống Việt mà không phải “Làng nghề truyền thống Việt” là có lý do. Có những làng nghề không còn sôi động như trước, trong làng chỉ còn vài hộ dân, thậm chí chỉ là 1 hộ giữ nghề. Tôi đã đến và thấy làng nghề đìu hiu. Có lần đến thì bà con không làm vì ít đơn đặt hàng, họ nghỉ. Tôi không bao giờ muốn chụp những hình ảnh sắp đặt nên đành chờ dịp khác. Có những làng nghề phải kiên nhẫn đến nhiều lần do thời tiết chuyến đi trước không thuận lợi, hình không đẹp. Có hôm đến lại không gặp được nhân vật.
Để thực hiện hàng trăm chuyến đi, chụp trong hơn chục năm qua cũng là thử thách lớn với tôi. Sức lực là một phần, chi phí di chuyển, ăn ở là một phần khác. Nhưng thách thức không chỉ có vậy. Với sách ảnh tôn vinh nghề truyền thống Việt, tôi muốn phải thể hiện làm sao để thấy được giá trị của những nghề đã tồn tại trăm năm. Đồng thời tôn vinh sức lao động bền bỉ của người dân Việt qua năm tháng bằng những chất liệu giấy in tốt, cách thể hiện chỉn chu, thiết kế bìa ấn tượng…
|
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong và cuốn sách Nghề truyền thống Việt |
* Có lẽ vì quá công phu nên sách ảnh có giá bán lên đến 10 triệu đồng phải không thưa anh?
- Tôi in giới hạn 100 cuốn Nghề truyền thống Việt. Giấy in ảnh và giấy lót là giấy mỹ thuật của Ý. Bìa sách là chất liệu giấy của Hà Lan, phần bìa hộp sách giấy các tông của Phần Lan. Các chất liệu này đều thân thiện với môi trường. Trong mỗi sách, tôi đính kèm thêm 1 tờ giấy mua từ làng nghề làm giấy bản truyền thống ở Cao Bằng. Trên giấy có phần viết tay nội dung chứng nhận đây là cuốn sách giới hạn.
Cuốn sách đặt trong hộp được Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh chuyên về sơn mài gia công. Chỉ riêng khâu thực hiện hộp sách, tôi nhiều lần chạy đến Bình Dương nơi nghệ nhân Lê Bá Linh làm việc để trực tiếp trao đổi, chia sẻ.
Mức giá 9.999.999 đồng là con số mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng sau 12 cuốn sách đã thực hiện với nhiều thử thách từng vượt qua trong nghề, ở cuốn thứ 13, tôi muốn mọi thứ đặc biệt hơn từ chất lượng nội dung đến hình thức thể hiện. Thực sự, với chủ đề này, tôi hướng đến công chúng quốc tế. Tôi tin người sở hữu sẽ hài lòng với chất lượng.
* Anh muốn gửi đến người xem điều gì thông qua cuốn sách ảnh này?
- Nghề truyền thống Việt ghi dấu thêm cột mốc trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi và từ cuốn sách đặc biệt này, tôi muốn giới thiệu nhiều di sản, làng nghề đậm giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần. Những nét đẹp này góp phần kiến tạo, làm giàu bản sắc cho Việt Nam ở nhiều khía cạnh.
Những hình ảnh cũng có thể là lời gợi ý để mọi người tìm hiểu, truyền cảm hứng để đi đến, khám phá.
* Xin cảm ơn anh.
Diễm Mi