Ông từng được biết đến là một trong những người kể chuyện lịch sử Hà Nội bằng nhiếp ảnh với năm tập sách ảnh nổi tiếng: Những phi công mặc pyjama (1968), Khát vọng hòa bình: Việt Nam (1973), Hà Nội - Những ngày trước hòa bình (1973), Những gương mặt Việt Nam (1978), Hà Nội 1967-1975 (2020).
|
Bức ảnh nữ du kích và phi công Mỹ do phóng viên chiến trường Thomas Billhardt chụp năm 1967 |
Ông được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái hạng mục Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội với tập sách ảnh Hà Nội 1967 - 1975 và triển lãm cùng tên tại Hà Nội năm 2020. Từ Đức, ông đã có cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị với Báo Phụ Nữ TP.HCM.
Phóng viên: Sáu lần đến Việt Nam từ trước năm 1975 - với tư cách là một phóng viên chiến trường - đã để lại những dấu ấn gì trong sự nghiệp cầm máy của ông?
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt: Những bức ảnh của tôi không đơn thuần chỉ ghi lại hình ảnh chiến tranh, mà còn là thái độ phản đối những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Đã có rất nhiều sự kiện và khoảnh khắc kinh hoàng đến mức khó thể gọi tên.
Phóng viên chiến trường Thomas Billhardt (1937) xuất thân từ Đông Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức cũ). Ông có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới: Cuba, Chile, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Philippines, Mexico… Ông có ba cuộc triển lãm ảnh tại Hà Nội vào năm 1999, 2003 (chủ đề Chiến tranh Việt Nam) và 2020 (chủ đề Hà Nội 1967-1975) |
Một trong những khoảng thời gian tôi nhớ nhất là thời điểm tháng 10/1972 ở Hà Nội. Tôi tận mắt chứng kiến một vụ ném bom khi đang đứng ở cửa sổ khách sạn. Sau đó tôi đến địa điểm vừa bị không kích và tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, thân nhân của những thường dân thiệt mạng. Trong số những thi thể được tìm thấy giữa đống đổ nát, có một cậu bé năm tuổi.
Tôi đã khóc khi chụp tấm ảnh người bà đang đau đớn bên xác cậu bé. Năm 1999, tôi quay trở lại Hà Nội, gặp lại bố mẹ và anh chị em của cậu. Bức ảnh hai bà cháu do tôi chụp được treo trong căn hộ của họ. Họ có được bức ảnh này thông qua một người thân sống ở Đức. Người này đã nhìn thấy ảnh được đăng trên một tờ báo của Đức, và chuyển nó về Việt Nam.
Khi quay lại Việt Nam sau những lần tàn phá ấy, tôi vẫn tự hỏi ai đã ném bom vào các thành phố và làng mạc với những trường học, bệnh viện, nhà trẻ, nhà thờ, đền chùa trên khắp đất nước? Mối đe dọa đánh bom liên tục là một trải nghiệm rất tồi tệ. Là một phóng viên thời chiến, tôi thường xuyên được đưa đến những địa điểm có nạn nhân của các cuộc tấn công, chứng kiến mọi người cố gắng cứu những người bị thương bằng mọi cách. Chính những trải nghiệm ấy khiến tôi vô cùng ấn tượng về sức mạnh của người Việt Nam, và tôi luôn cảm thấy đoàn kết với các bạn.
|
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt thời trẻ |
* Nhìn lại những bức ảnh của mình thời còn là phóng viên chiến trường, ông nghĩ gì?
- Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình như một người ngoài cuộc. Tôi không bao giờ bị cái lạ làm cho mờ mắt, tôi luôn bị thu hút bởi con người. Những thứ kết nối mọi người trên thế giới như tình yêu, âm nhạc và văn hóa luôn chiếm ưu thế.
Với tôi, giải thưởng Bùi Xuân Phái là một vinh dự bất ngờ. Tôi rất vui vì công việc của mình đã được tôn vinh, tình yêu của tôi dành cho Việt Nam và Hà Nội đã được công nhận”. Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt |
* Được biết, ông là một trong những nhiếp ảnh gia quốc tế đầu tiên đã từ Hà Nội đến Đà Nẵng, rồi vào Sài Gòn sau ngày giải phóng tháng 4/1975?
- Tháng 6/1975, tôi đã lái xe suốt 13 ngày từ Hà Nội đến Sài Gòn trên một chiếc xe địa hình của Nga. Đó là một chuyến đi vất vả trên con đường dài từng bị chiến tranh tàn phá. Đến nay, tôi vẫn cảm thấy kinh hoàng khi nhớ lại những địa điểm bị ném bom mà tôi đã đi qua trong hành trình từ Bắc vào Nam. Tôi quay lại Việt Nam lần đầu vào năm 1979, và cảm nhận những đổi thay ở đất nước này. Nghĩ về những gì mình đã từng được chứng kiến, tôi thực sự vui mừng vì cuối cùng chiến tranh cũng đã kết thúc. Người Việt Nam đã được sống trong hòa bình.
|
Một bức ảnh Hà Nội giai đoạn 1967-1975 do nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chụp |
* Tiếp tục trở lại Việt Nam nhiều lần sau đó, ông đã thu được những gì vào ống kính của mình?
- Lần gần nhất tôi quay lại Việt Nam là năm 2019 và 2020. Trở lại những nơi từng đến trong chiến tranh, tôi thực sự ấn tượng với một Việt Nam trẻ trung và tự tin. Tôi đã thu lại tất cả hình ảnh đó. Những cây cầu mới, những tòa nhà hiện đại… để lại cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt.
Nhiều nhiếp ảnh gia thường chọn những khu phố cổ để tái hiện một Hà Nội hoài cổ, nhưng Việt Nam ngày nay đã hiện đại hơn. Khách du lịch thường quan tâm về lịch sử của đất nước, nhưng khía cạnh định hướng, tương lai thường bị bỏ qua. Tôi luôn quan tâm đến tương lai hơn là quá khứ.
|
Một trong những bức ảnh Thomas Billhardt chụp Sài Gòn năm 1975 |
* Có những kỷ vật nào ông mang từ Việt Nam về Đức?
- Tôi đã mang về rất nhiều đồ lưu niệm trong chuyến đi của mình, và một trong số đó được làm từ các tấm nhôm của những chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh. Ngoài ra còn có một trong những bức ảnh đẹp nhất của tôi - hình ảnh một phi công Mỹ được một nữ du kích Việt Nam dẫn qua cánh đồng lúa.
* Ông nói sẽ sớm trở lại Việt Nam, ông có kế hoạch gì cho lần trở lại này?
- Tôi có kế hoạch và hy vọng có thể mở một triển lãm khác tại TP.HCM để thể hiện cái nhìn đầy đủ của tôi về Việt Nam. Ngoài những bức ảnh từ cuốn sách Hà Nội, còn có rất nhiều bức ảnh khác từ miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh bên ngoài Hà Nội chưa được công bố, cùng những bức ảnh của miền Nam sau ngày Việt Nam thống nhất, và hình ảnh Việt Nam của ngày hôm nay.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ.
Tấn Đồng (thực hiện)