Thomas Billhardt xuất thân trong gia đình có truyền thống về nhiếp ảnh, mẹ ông là một nhiếp ảnh gia chuyên về chân dung, bản thân ông theo học trường cao đẳng Nghệ thuật Thị giác, tốt nghiệp khoa Nhiếp ảnh. Chính vì vậy, có lẽ, những góc nhìn trong ảnh của ông luôn có những điểm nhấn khác biệt lôi cuốn người xem.
|
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt |
Nổi tiếng thế giới với những loạt phóng sự ảnh chiến trường tại Việt Nam và Palestine, từ khi còn chiến tranh cho tới lúc hòa bình, ông là phóng viên ảnh đầu tiên được phép vào Việt Nam sau giải phóng. Trong 13 lần tới Việt Nam, lần nào ông cũng dành sự trìu mến của mình cho đất nước và con người Việt Nam.
Ông đã xuất bản tám cuốn sách về Việt Nam, tổ chức 100 cuộc triển lãm khắp nơi trên thế giới, tham gia sản xuất những bộ phim về Việt Nam và có hàng ngàn bức ảnh về Việt Nam, trong đó, những bức ảnh Hà Nội xưa đã đem lại cho công chúng những ký ức một thời đạn bom và hòa bình.
Thomas Billhardt luôn coi mình là nhiếp ảnh gia của đời sống, của nghệ thuật, hơn là một người làm chính trị. Chính vì vậy, ngoài mảng đề tài chiến tranh, cuộc sống đời thường của người dân luôn thu hút ống kính của ông.
Với Thomas Billhardt, ánh mắt ngơ ngác trong veo của những đứa trẻ, cho dù chúng đang ở hầm trú ẩn giữa hè phố Hà Nội hay đang ngồi trên xe đạp của cha mẹ, đang leo trèo, chơi trên phố… luôn là chủ đề thu hút ông. Những chiếc nón rơm trẻ em Việt Nam đội trên đầu để tránh bom đạn - vật bất ly thân trong những ngày tháng ấy - cũng được Thomas Billhardt quan sát và đưa chúng trở thành điểm nhấn trong những tấm hình của mình.
Ông nổi tiếng với những bức hình mà báo chí thế giới đã đăng tải. Và đặc biệt, trong loạt ảnh “Hà Nội 1967-1975”, không cần phải là bom rơi, đạn nổ, không cần phải là chiến tranh, không mùi khói hay tiếng súng khốc liệt của chiến tranh, chỉ cần vài nét nhấn nhá vào đời sống, sinh hoạt thường nhật, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt đã tái hiện được số phận những con người nhỏ bé trong chiến tranh.
Nhờ những bức hình đen trắng và ảnh màu hiếm hoi của Thomas Billhardt mà người dân thủ đô được nhớ lại những ký ức thời bom đạn và bao cấp. Có ai còn nhớ tiếng leng keng của tàu điện trên phố, các phương tiện giao thông với những chiếc xe đạp - chủ đề thú vị trong các bức hình của ông - một phóng viên ảnh chiến tranh? Đôi ba nét chấm phá với những chiếc cặp ba lá, trên mái tóc buông hờ hững của các cô gái cũng làm Thomas chú ý.
Bước chân của ông rong ruổi khá nhiều con phố của Hà Nội, từ Nhà thờ Lớn tới khu vực Tràng Tiền, Hàng Bài, tới Đồng Tâm, tới cả những ngoại ô nơi người dân sơ tán tránh bom đạn. Cảnh xếp hàng hứng nước trên vỉa hè, trẻ em thả diều, chuyện trong quán ăn ngoài trời hay sân vận động Hàng Đẫy trở thành những câu chuyện đáng yêu trong ảnh của Thomas Billhardt.
Thomas cho rằng, dù những bức hình ông chụp có liên quan tới chiến tranh nhưng những vẻ đẹp của cuộc sống thú vị ở Việt Nam vẫn luôn là điều ông muốn phản ánh. Chiến tranh luôn là phi nghĩa, hòa bình là điều cần có của mỗi đất nước, và không ai được quyền làm cho người khác, đất nước khác phải đau khổ, mất mát. Mỗi bức hình của Thomas Billhardt đều chứa đựng những góc nhìn rất nhân văn và ông không muốn những buồn đau bất công xảy ra. Ngắm ảnh của ông để thấy con người Hà Nội dù còn nhiều vất vả, không ai dừng lại, không có sự bi thương và cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn.
Ai là người trong ảnh? Những đứa trẻ bám áo nhau ngơ ngác, những đôi mắt trong veo lấp ló dưới hầm trú ẩn giữa vỉa hè Hà Nội, những giây phút bình yên trong công viên ngày ấy và bây giờ. Hà Nội 36 phố phường sống động đến từng chi tiết trong tác phẩm của Thomas Billhardt.
Thomas Billhardt đã từng có những cuộc triển lãm tại Việt Nam để tìm lại nhân vật trong ảnh. Những thời khắc nhân vật nhận ra mình trong ảnh thật xúc động. Đó cũng là niềm vui, hạnh phúc nhỏ bé của nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới này. Dường như luôn có một sự khiêm nhường sau mỗi bức hình của ông. Mong muốn “cảnh tỉnh mức độ tàn khốc của chiến tranh và giới thiệu tới người xem về tâm hồn trong sáng của con người Việt Nam” chính là thông điệp mà ông muốn hướng tới.
Giờ đây, đã 83 tuổi, nhận nhiều giải thưởng danh giá nhưng nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt vẫn hoạt động không ngừng nghỉ, tâm hồn ông vẫn hướng về Việt Nam nhỏ bé và mong muốn được trở lại thăm Việt Nam sau dịch COVID-19. Công chúng có thể tìm hiểu và lưu giữ cho mình những tấm hình quý giá trong các cuốn sách của ông được xuất bản tại Việt Nam vào thời gian này.
Tuệ Lam