Nhiếp ảnh gia Thái Phiên: 'Theo ảnh khoả thân vừa khổ vừa nhục'

16/04/2018 - 12:20

PNO - Trong 26 năm theo đuổi đam mê chụp ảnh khoả thân nghệ thuật, nhiếp ảnh gia Thái Phiên từng nghe nhiều lời không hay về mình, rằng ‘chụp khoả thân là không có đạo đức’, ‘chỉ để thoả nhục dục’…

Trong 26 năm, dù cố gắng giữ vững lửa đam mê của mình, nhưng đôi khi đam mê ấy trong anh cũng tắt lịm đi vì thành trì định kiến của xã hội, vì những dị nghị của người ngoài cuộc. Thái Phiên nói, anh không lì đòn, nhưng anh đam mê quá nên vẫn còn theo đuổi cho đến bây giờ, trong khi không ít người đã bỏ cuộc. Bởi, theo chi để vừa khổ vừa nhục. 

"Tôi đã từng nghe nhiều người nói rằng: “Đừng nói ông này đạo đức vì ông chụp ảnh khoả thân đó”, thì đó có phải là nhục không? Họ nói ông đó hôm nay chụp cái đây của cô ngày, ngày mai chụp cái kia của cô khác rồi nói đi với gái… Điều đó là nhục nhã chứ! Họ nói chụp ảnh dẫn đến những nơi riêng tư thì đường nào cũng xảy ra chuyện. Chuyện đó là chuyện gì? Chắc họ muốn chụp ảnh khoả thân ở chợ Bến Thành mới đúng",  anh nói. 

Nhiep anh gia Thai Phien: 'Theo anh khoa than vua kho vua nhuc'

Nhiếp ảnh gia Thái Phiên trong một buổi làm việc với người mẫu

Bức tường thành định kiến

* Trong những lời nói đó, có lời nào xuất phát từ gia đình, những người thân của anh?

- Bạn nghĩ sao khi bạn của vợ nghĩ về mình, đứa con gái nghĩ về bố, bạn của con gái, phụ huynh trong lớp con gái, cô giáo của con thậm chí bố mẹ vợ tôi nghĩ như thế nào về tôi?

Trước khi đối diện với công chúng, nhà quản lý, tôi đã từng trải qua những khoảng thời gian nặng nề với người thân, những người xung quanh người thân. Bạn cứ phải đặt mình vào vị trí của họ, của tôi để mà hiểu cảm giác nặng nề đó. Chỉ có một điều may mắn là tôi không phải mở lời giải thích mà những tác phẩm của mình đã nói thay rằng tôi vì nghệ thuật.

* Dù có đam mê nghệ thuật như thế nào, vấn đề tài chính vẫn là một trong những yếu tố quan trọng để nghệ sĩ theo nghề, điều này có đúng với anh?

- Tôi là cử nhân Quản trị kinh doanh, học kinh doanh ra thì chẳng ai mà chịu đầu tư vào nghệ thuật, đặc biệt là ảnh khoả thân tại Việt Nam. Hiện nay tôi chụp ảnh phong cảnh, chụp ảnh quảng cáo, đi dạy nhiếp ảnh để kiếm tiền. Tôi lấy một phần từ những công việc đó để chi cho đam mê chụp ảnh khoả thân này.

Tại Việt Nam, rất hiếm người bỏ tiền mua ảnh khoả thân về nhà treo mặc dù họ biết đó là ảnh nghệ thuật. Sách ảnh khoả thân mà họ cũng không dám mua chứ đừng nói đến chuyện ảnh treo. Họ không mua không phải vì tiền bạc mà tư tưởng còn ngần ngại, mang cuốn sách về nhà thì vợ, con sẽ nghĩ như thế nào?

Nhiep anh gia Thai Phien: 'Theo anh khoa than vua kho vua nhuc'
 

* Vậy đối với anh, công chúng Việt Nam đang nhìn ảnh khoả thân với tâm lý vẫn nhiều định kiến như trước đây?

- Nhờ công nghệ thông tin phát triển nên cái nhìn của người Việt Nam đã tiệm cận hơn với văn hoá phương Tây, cách nhìn ảnh khoả thân cũng tương đối thoáng hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, tâm lý ngại ngần, sợ người khác biết mình thích ảnh khoả thân vẫn còn tồn tại. Tâm lý đó vô hình nhưng hiện hữu. Họ vẫn sợ người khác đánh giá mình, cho sở thích đó là điều gì kinh khủng, ảnh hưởng nhân cách!

Nghĩa rằng công chúng có thích nhưng thích ngầm, điều này có khi còn nguy hơn vì họ luôn mang tâm lý tò mò, lén lút…

Hiện nay, tôi biết trên mạng xã hội có rất nhiều nhóm kín chơi ảnh khoả thân với nhau. Họ đưa hình ảnh lên và bình luận sôi nổi, thậm chí có những nhóm đông thành viên chứ không đơn lẻ. Điều đó cho thấy những dòng sông ngầm vẫn tiếp tục chảy dù nhà quản lý tìm mọi cách ngăn chặn.

Sao chúng ta không thật cởi mở để những người có quan tâm họ được thoả sự tò mò? Chính vì càng bị ngăn, họ càng muốn tìm hiểu, đôi khi là tìm hiểu sai nguồn.

Nhiep anh gia Thai Phien: 'Theo anh khoa than vua kho vua nhuc'
 

Nhà quản lý “cởi trói” cho ảnh khỏa thân… bằng miệng

* Nhắc lại dấu mốc triển lãm ảnh khoả thân đầu tiên của Hạo Nhiên, đối với một người từng mòn mỏi xin cấp phép nhưng thất bại, anh nghĩ gì?

- Tôi là người đầu tiên ra mắt sách ảnh khoả thân, cũng là người cầm trên tay giấy phép triển lãm ảnh khoả thân đầu tiên nhưng không thể thực hiện vào phút cuối. Nhiều người nói rằng 3 lần đi xin giấy phép nhưng thất bại của tôi giống như 3 viên gạch tôi lót đường cho Hạo Nhiên đi đến triển lãm ảnh khoả thân đầu tiên tại Việt Nam.

Tôi thấy vui, tự hào vì dù gì tôi với Hạo Nhiên cũng ở cùng chiến tuyến. Hạo Nhiên thông minh, lách qua những khe cửa hẹp của nhà văn hoá kiểm duyệt. Tuy nhiên, Hạo Nhiên chụp những mảng khối còn quá nhẹ nhàng, an toàn thì đương nhiên sẽ không gặp nhiều khó khăn từ nhà quản lý cấp phép như tôi. 

Nhiep anh gia Thai Phien: 'Theo anh khoa than vua kho vua nhuc'

Theo Thái Phiên, độ tuổi phù hợp để chụp ảnh khoả thân là 24 cộng, trừ 4 tuỳ theo cơ địa của mỗi người

* Sau triển lãm của Hạo Nhiên, anh có nghĩ mình sẽ xin giấy phép lần thứ 4 vì câu chuyện đón nhận bây giờ đã thoáng?

- Ai cũng tưởng rằng càng ngày càng thoáng hơn nhưng người trong cuộc như tôi nói rằng: “Chưa thoáng đâu!”. Các nhà văn hoá, quản lý văn hoá họ còn run sợ lắm!

Tôi quyết định không xin phép triển lãm ảnh khoả thân cá nhân nữa, nếu Cục Mỹ thuật hoặc hội Nhiếp ảnh mời thì tôi gửi ảnh tham gia chứ tôi không tự làm đơn xin sau 3 lần thất bại. Tư tưởng xin cho, tôi đã quên lâu lắm rồi. Giờ chường mặt ra để đi xin lần thứ 4, tôi không làm. Con người có lòng tự trọng, có tự ái và người làm nghệ sĩ cũng vậy. Lòng tự trọng của tôi không cho phép.

* Đây là sự bỏ cuộc hay phản kháng?

- Tôi đã từng qua Trung Quốc. Đây là cái nôi định kiến, phong kiến của thế giới vì khởi sinh của đạo Khổng, đạo Nho… nhưng người ta vẫn bán sách ảnh khoả thân ngoài đường, ngoài sạp giống như mua một tờ báo, chẳng có gì là cấm đoán còn Việt Nam thì lại trói.

Vấn đề này nằm ở tư duy của nhà quản lý văn hoá chứ không nằm ở công chúng. Công chúng rất cởi mở và thoáng, họ còn phân biệt được thế nào là nghệ thuật và phi nghệ thuật chỉ có những người quản lý văn hoá họ sợ. Thật ra, họ cũng phân biệt được nhưng sợ ở đây là sợ bị la rầy, bị mất chức, bị nhắc nhở.

Tôi quyết định không đi xin giấy phép, điều này là hệ luỵ của nhà quản lý văn hoá chứ không phải do người nghệ sĩ. Chúng tôi vẫn âm thầm sáng tác còn chuyện đi lùi là từ cơ quan quản lý, chính họ phải gỡ.

Nhiep anh gia Thai Phien: 'Theo anh khoa than vua kho vua nhuc'
 

* Vậy câu chuyện xuất bản sách ảnh khoả thân thứ 2 – Miền cổ tích của anh có dễ dàng hơn việc xin giấy phép triển lãm?

- Ra mắt sách ảnh Miền cổ tích lần này khó gấp 10 lần cuốn Xuân thì cách đây 10 năm. Trước đây, với cuốn đầu tiên, tôi được Giám đốc NXB Văn nghệ TP.HCM đích thân gọi điện thoại để hỗ trợ ra sách. Còn cuốn thứ 2, tôi chủ động gửi đến NXB Hồng Đức ở Hà Nội vì trước đó, Hạo Nhiên cũng xuất bản sách ảnh Tạo tác ở đây.

Nhưng tôi không ngờ NXB Hồng Đức xét duyệt một cách gay gắt. Họ nâng lên, đặt xuống, thay đổi thậm chí yêu cầu tôi phóng to bức ảnh hết cỡ để xem có còn đọng lại “cỏ rác” gì giữa 2 chân của người phụ nữ hay không? Đến với nghệ thuật mà dùng kính lúp để soi mói như thế thì quá khắt nghiệt. Tôi gửi 100 ảnh, họ bớt 10. Tôi giành lại 5 thì được 95 bức. Đó là quá trình đấu tranh gay gắt với nhà xuất bản. Ở Việt Nam, tìm được một nhà xuất bản cùng chung chí hướng là việc quá khó chứ không phải khó bình thường.

* Với nhiều cản trở thậm chí là khổ nhục, vì đâu anh vẫn gắn bó với ảnh khoả thân nghệ thuật?

- Thời gian xuân, hạ, thu, đông rồi quay một vòng trở lại nhưng con người thì qua xuân sẽ không còn quay lại xuân nữa. Phụ nữ yêu cái đẹp của cơ thể, yêu bản thân và muốn lưu giữ hình ảnh của một thời xuân sắc. Tôi cũng yêu cái đẹp đó và tôi giúp họ.

Nhiep anh gia Thai Phien: 'Theo anh khoa than vua kho vua nhuc'

Có nhiều trường hợp, những người phụ nữ hơn 30 hay đã lập gia đình, sinh con tìm đến tôi. Họ sinh mổ với dấu rạch dưới rốn nhưng cũng muốn lưu giữ khoảnh khắc còn lại của mình. Với những người chủ động tìm đến, sau khi thoả thuận và ký cảm kết, chúng tôi làm việc với nhau trên tinh thần vì nghệ thuật, hoàn toàn không liên quan đến tiền bạc. Họ được những bức ảnh còn tác giả thì lưu giữ tác phẩm của chính mình. Tuy nhiên, vì an toàn cho cả đôi bên, tôi có những nguyên tắc riêng.

Trước khi chụp, tôi và mẫu có nhiều buổi nói chuyện với nhau để họ hiểu được mục đích việc chụp ảnh. Sau đó, chúng tôi sẽ cùng ký một bản cam kết với các điều kiện: mẫu từ 18 tuổi trở lên, chưa có gia đình hoặc nếu có thì phải được sự đồng ý của chồng và một số điều kiện khác… Tôi không bao giờ chụp để pr cho một cá nhân cụ thể nào, khi tôi hiểu ra ý đồ của người mẫu muốn lợi dụng nghệ thuật để lăng – xê cho bản thân, tôi sẽ từ chối ngay.

* Đối với ảnh khoả thân, nếu anh phải vượt qua áp lực dư luận thì những người mẫu cũng gặp khó khăn không kém khi họ cũng lao động nhưng vô danh?

- Đúng. Tôi cảm ơn những người mẫu vô danh vì họ đã dám bước qua bức tường thành định kiến để đồng hành cùng tôi. Nhiều người ca ngợi tác phẩm của tôi nhưng họ không biết người mẫu là ai để nói lên ý kiến. Đó là một sự thiệt thòi, họ hy sinh cho nghệ thuật nhiều hơn cả bản thân tôi.  

Nhiep anh gia Thai Phien: 'Theo anh khoa than vua kho vua nhuc'

Có lần làm việc với một mẫu ảnh, khi chụp và tặng ảnh xong xuôi thì cô lại yêu cầu tôi chụp thêm lần 2 rồi lần 3. Trong lần chụp thứ 3, tôi bảo: “Em ơi, em quay mặt vào hướng tối để anh lấy bờ vai” thì cô ta ôm mặt khóc lớn. Cô ấy bảo: “Anh ơi, làm mẫu khoả thân nhục lắm hay sao mà mỗi lần đưa máy lên anh bảo em quay mặt đi chỗ khác”.

Tôi mới giãi bày rằng: “Không được em à, bây giờ em độc thân nhưng sau này em lấy chồng, lỡ chồng em biết em từng chụp ảnh khoả thân thì sao, hoặc bố mẹ chồng em biết họ nghĩ em là cô con dâu như thế nào?”. Cô ấy bảo mình không làm gì sai với đạo đức, chỉ níu giữ tuổi thanh xuân nên không sợ ai cả. Tôi và cô đó phải ký tiếp một bản cam kết khác và phía sau bức ảnh thấy mặt, cô ta ghi: “Đồng ý công bố bức ảnh này”.

Nhưng có những cô người mẫu chụp xong thì họ đặt lại vấn đề với tôi rằng không muốn công bố bức ảnh, thậm chí họ nói tôi xoá bức ảnh đi. Lý do được đưa ra là họ nghĩ chưa thấu đáo nên sau khí ký cam kết và chụp thì muốn thay đổi. Tôi cũng tôn trọng.

Diễm Mi
Ảnh: NVCC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI