Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Vũ: Người say mê vẻ đẹp của người lao động

29/09/2024 - 17:24

PNO - Hàm chứa vẻ đẹp của sự biểu cảm, những bức ảnh của Phạm Văn Vũ luôn khiến người xem dừng lại thật lâu để ngắm, dù đó chỉ là những khoảnh khắc đời thường thật.

Tôi biết đến Phạm Văn Vũ thông qua mạng xã hội, trong một lần lướt Facebook rồi dừng lại thật lâu trước những bức ảnh Rớ ông Mười do Vũ chụp.

Ông Mười ở Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) là nhân vật không hề xa lạ với dân nhiếp ảnh. Nhiều tác phẩm nghệ thuật ghi lại hình ảnh ông Mười thả rớ trên sông, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá đã lan tỏa trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những bức ảnh của Phạm Văn Vũ lại rất khác biệt. Bên cạnh khai thác vẻ đẹp của toàn cảnh đánh rớ giữa thiên nhiên đất trời rộng lớn, Phạm Văn Vũ đã ghi lại những khoảnh khắc đặc tả ánh mắt người lao động trước món quà của thiên nhiên. Ánh mắt trũng sâu, biểu cảm như biết nói của nhân vật trước những chú cá nhỏ khiến tôi chú tâm và lặng đi vài giây

Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Vũ
Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Vũ

Chuyến săn ảnh chuyên nghiệp đầu tiên “bội thu”

Phạm Văn Vũ cho biết, những bức ảnh ấy là kết quả của một chuyến du lịch kết hợp săn ảnh trong mùa hè năm nay. Điều bất ngờ hơn là anh chỉ mới chính thức theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp từ tháng 5/2024 và chưa từng trải qua bất kỳ lớp học nhiếp ảnh chuyên nghiệp nào. “Tôi dùng những kiến thức đã học trong ngành quay phim như khung hình, cỡ cảnh, không gian, bối cảnh và áp dụng cho nhiếp ảnh. Thời sinh viên, tôi học chuyên ngành báo chí phát thanh - truyền hình nên chỉ được học sơ qua về nhiếp ảnh chứ không được đào tạo chuyên sâu. Tôi tham gia các câu lạc bộ, tự học bằng cách lên mạng tìm hiểu và vác máy đi trải nghiệm” - anh nói.

Chuyến đi săn ảnh chuyên nghiệp đầu tiên tại Hội An và Đà Nẵng, Phạm Văn Vũ không ngờ bản thân có được nhiều cảm xúc và ghi lại được vô số khoảnh khắc tuyệt vời đến vậy. Chàng trai kể: “Tôi đi cùng các anh chị trong hội nhiếp ảnh 1 tuần lễ. Từ TPHCM, tôi đáp máy bay ra Đà Nẵng, sau đó di chuyển bằng xe và thuê tàu ra biển để đến nơi săn ảnh. Với mỗi bộ ảnh như Rớ ông Mười, Rừng dừa, Đan lưới…, tôi mất khoảng 2 đến 3 tiếng để tập trung ghi nhận hình ảnh và sáng tác. Tất cả đều là ánh sáng tự nhiên và tôi đã dụng công tính toán, đón đợi để có được những bức ảnh tuyệt vời nhất”.

Một số bức ảnh ấn tượng của nhiếp ảnh gia Phạm Văn Vũ
Một số bức ảnh ấn tượng của nhiếp ảnh gia Phạm Văn Vũ

Trước vẻ đẹp toàn cảnh của thiên nhiên, mỗi nhiếp ảnh gia có một khuynh hướng sáng tác riêng. Phạm Văn Vũ không muốn đi lại con đường của những người đi trước nên đã chọn xoáy sâu vào những khoảnh khắc lao động đời thường. Càng xoáy sâu và tập trung, anh càng nhận ra vẻ đẹp của người lao động qua ống kính có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Nó khiến anh nhớ đến sự tần tảo, vất vả của ba mẹ anh ngày xưa. Sự khắc khổ nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục trước thử thách của thiên nhiên khiến những khoảnh khắc nhiếp ảnh của anh tạo được rung cảm và ấn tượng.

“Để có được những bức ảnh đẹp, có khi tôi phải chụp đến hàng trăm tấm. Mọi thứ diễn ra theo tự nhiên, như những cú chớp mắt, tôi phải nắm bắt được khoảnh khắc nào phù hợp và đẹp nhất trong từng bối cảnh” - Phạm Văn Vũ chia sẻ. Nhìn những hình ảnh thu thập được, anh thương và trân quý nhiều hơn nữa sức lao động của con người.

Chàng trai kể, trong chuyến đi săn ảnh chuyên nghiệp lần đầu, do chưa có kinh nghiệm, anh đã bỏ qua nhiều cơ hội trò chuyện và ghi chép lại những điều thú vị, chia sẻ của các nhân vật. Trong mắt anh, mỗi nhân vật xuất hiện trong từng bức ảnh đều có câu chuyện đời sống vô cùng thú vị và mọi người luôn sẵn lòng sẻ chia.

Nhiếp ảnh gia trẻ cho biết, khi tiếp xúc với người dân lao động, anh nhận ra mọi người đều rất nhiệt tình, thân thiện và hòa đồng. Bà con sẵn lòng hợp tác, giúp đỡ anh hoàn thành tác phẩm tốt nhất mà không có bất kỳ yêu cầu hay đòi hỏi gì. “Có khi chụp ảnh vào thời điểm 2 - 3 giờ chiều thời tiết rất nóng nhưng bà con vẫn hết mình. Nhiều khi tôi muốn gửi một chút thù lao để cảm ơn nhưng bà con không chịu nhận” - Phạm Văn Vũ tiết lộ.

Lối rẽ

Phạm Văn Vũ sinh ra trong một gia đình có ba mẹ từng làm nghề buôn bán lênh đênh trên sông ở miệt sông nước miền Tây. Sau khi Vũ chào đời, ba mẹ quyết định đưa Vũ cùng anh trai vào Đồng Nai lập nghiệp. Tại vùng đất đỏ miền Đông, Phạm Văn Vũ lớn lên với nhiều kỷ niệm nhưng vẫn không quên những vùng ký ức xưa cũ. Có lẽ vì vậy mà chàng trai dành nhiều tình cảm cho miền Tây. Anh đã đặt chân đến rất nhiều miền quê để tham quan, du lịch hoặc thực hiện những viral clip sáng tạo phục vụ cho công việc của một chuyên gia sáng tạo nội dung. Anh kể: “Trừ Trà Vinh, tôi gần như đã đi hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tôi đặc biệt thích Phú Quốc (Kiên Giang), mỗi tháng thường đến đây 1 lần. Đối với tôi, nơi nào ở miền Tây cũng khiến tôi thích thú”.

Nhiếp ảnh gia, chuyên gia sáng tạo nội dung là công việc không nằm trong dự định ban đầu của Phạm Văn Vũ. Trước đó, anh từng mơ ước trở thành đạo diễn điện ảnh nhưng cú “ngã ngựa” trong lần đầu thi vào Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM đã khiến anh chuyển hướng. Phạm Văn Vũ quyết định chọn học ngành Báo chí Phát thanh - Truyền hình của Trường cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2 bởi ngành học này cho anh cơ hội đi nhiều và tiếp xúc nhiều, thỏa với mong muốn.

Phạm Văn Vũ tốt nghiệp ngay giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Không có cơ hội trong ngành báo, anh nhận lời mời về làm việc cho một công ty truyền thông. Tại đây, Phạm Văn Vũ thực hiện nhiều nội dung tạo nên xu hướng trước khi quyết định dừng lại và ra riêng, tự phát triển bản thân và xây kênh.

Anh nhớ lại: “Nhờ kinh nghiệm có được khi làm việc ở công ty, tôi tự tin dựng kênh “Bác nông dân” chuyên giới thiệu ẩm thực đồng quê, cuộc sống nông thôn và những câu chuyện thú vị về tình làng nghĩa xóm miền Tây. Không ngờ chưa đầy 3 tháng đã có lượng theo dõi cao, xuất hiện nhiều clip triệu lượt xem… Nhờ vậy, tôi có nguồn thu nhập để trang trải cho bản thân và đầu tư thêm máy móc, thiết bị hỗ trợ công việc chụp ảnh và quay dựng. Công việc giúp tôi có thu nhập ổn định, đủ sống và một phần giúp ích cho gia đình”.

Anh tâm sự: “Tôi may mắn được nhiều người thương và ủng hộ. Có lẽ vì mọi người nhận ra tôi có sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm, nghiêm túc trong mọi công việc đang làm. Mà cũng có thể vì tôi là một người trẻ dám trải nghiệm, dấn thân và sống biết cho đi. Hiện nay, tôi đang đầu tắt mặt tối với công việc quay, dựng, sản xuất nội dung nhưng nếu có điều kiện, thu xếp được, tôi sẽ tiếp tục thực hiện những bộ ảnh đời thường của người lao động. Đó có thể là người bán hàng rong, cô bán vé số hoặc anh công nhân nơi công trường, những con người thiện lương, cần mẫn với công việc, đóng góp cho xã hội theo cách của mình, không phân biệt sang hèn”.

Trương Quốc Phong

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI