5 năm, gần 50 giải thưởng
Thông tin Việt Nam vừa đoạt giải cao nhất hạng mục Con người tại cuộc thi ảnh quốc tế Drone Photo Awards 2021 với tác phẩm Đánh cá ở rừng ngập mặn của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung, một lần nữa khiến mọi người phải trầm trồ trước “cái duyên” của tay máy không chuyên này. Bởi, không phải ai mới làm quen với việc chụp ảnh bằng drone cũng giành được nhiều giải thưởng quốc tế như anh. Giải nhất ở Drone Photo Awards 2021 (nằm trong khuôn khổ giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế uy tín Siena Photo Awards) chỉ là một trong “gia tài” khoảng 10 giải thưởng quốc tế, trong số gần 50 giải thưởng trong - ngoài nước mà Phạm Huy Trung đạt được sau gần 5 năm tham gia.
Tác phẩm Đánh cá ở rừng ngập mặn được Phạm Huy Trung ghi lại ở rừng Rú Chá bao quanh phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với góc chụp thẳng từ trên cao, tác phẩm toát lên một vẻ đẹp bí ẩn, lạnh lẽo, với hình ảnh một người chèo thuyền đánh cá nổi bật giữa xung quanh là rừng cây chá trắng rụng hết lá, thân cành đan xen chằng chịt vào nhau rất ấn tượng.
|
Ba trong số những tác phẩm đoạt giải quốc tế của Phạm Huy Trung gồm Trang trại tôm hùm, Thu hoạch hoa súng, Đánh cá ở rừng ngập mặn |
Năm nay, có bảy tác phẩm của nhiếp ảnh gia Việt Nam lọt vào chung kết cuộc thi này, và cả cuộc thi có đến 14.000 tác phẩm đến từ hơn 100 quốc gia tham gia các hạng mục: thiên nhiên, đô thị, con người, đời sống hoang dã, thể thao, trừu tượng, ảnh bộ… Nhưng chỉ bức ảnh chụp ở phá Tam Giang của Phạm Huy Trung có giải. Buổi trao giải sẽ được tổ chức tại Siena (Ý) vào tháng 10, trong sự kiện Siena Awards Festival 2021.
Nếu ai từng chiêm ngưỡng những tấm ảnh khác chụp rừng Rú Chá của Phạm Huy Trung, sẽ thấy dù cũng ở góc chụp trên cao, nhưng các bức hình vẫn đa dạng về bố cục, màu sắc, chi tiết. Anh có vẻ rất thích sự đối lập giữa thiên nhiên và con người. Trong những tấm hình anh chụp, con người luôn nhỏ bé, lẻ loi trước sự bao la, khoáng đạt của khung cảnh xung quanh. Tác phẩm Giữa rừng tràm đạt giải nhất hạng mục giải Quốc gia (Việt Nam) trong cuộc thi ảnh Sony World Photography Awards 2018, và giải khuyến khích hạng mục Cuộc hành trình và khám phá cuộc thi ảnh Siena International Photography Awards 2018 cũng vậy. Giữa rừng tràm chụp một người phụ nữ ngồi trên thuyền hái năng, lọt thỏm giữa quang cảnh rừng tràm Đồng Tháp mùa nước nổi, vẫn là những ngọn cây phủ màu trắng xóa, nhưng có chen mảng xanh của cỏ năng, và chút sắc vàng của ánh nắng trải xuống chan hòa.
Phạm Huy Trung chia sẻ: “Bố cục, ánh sáng, thời tiết, xử lý hậu kỳ, góc nhìn và độ nhạy bén của người chụp là những yếu tố để có một bức ảnh đẹp. Ngoài ra cũng cần có thêm may mắn, như tấm Trang trại tôm hùm (giải nhất năm 2017 hạng mục Phong cảnh dành cho tay máy không chuyên cuộc thi nhiếp ảnh trên không quốc tế SkyPixel, do cộng đồng chụp ảnh trên không lớn nhất thế giới, và hãng sản xuất máy bay không người lái DJI tổ chức - PV), tôi chỉ mất 30 phút để chụp.
Tấm Giữa rừng tràm cũng chụp khá nhanh. Nửa đêm tôi lái xe từ Sài Gòn về đến Đồng Tháp lúc gần sáng, chờ nắng lên thì chụp rồi quay lại Sài Gòn ngay. Trong khi với bức Hoa trên biển (giải nhì hạng mục ảnh National Awards của giải thưởng Sony 2019) săn cảnh ngư dân thả lưới bủa vây bắt luồng cá cơm ngần ở vùng biển Hòn Yến, Phú Yên, tôi phải mất một tuần lễ ở Hòn Yến chờ tàu về để chụp”. Có thể thấy những tấm ảnh trên cao của Phạm Huy Trung không mới ở địa điểm chụp, chủ đề, nhưng những khuôn hình của anh vẫn có chất riêng: đẹp và thơ. Các yếu tố ánh sáng, con người, bối cảnh được xử lý phù hợp, hòa quyện, nổi bật.
Đam mê và kiên trì
May mắn là một phần của thành công, nhưng mọi thành công đều xuất phát từ đam mê và kiên trì. Ở Phạm Huy Trung có cả ba điều đó. Tốt nghiệp cao học ngành thông tin viễn thông Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển năm 2006, anh đến với thú vui chụp ảnh sau khi nhìn thấy những tấm ảnh rất đẹp trên mạng, và tò mò tự hỏi chúng được chụp ra sao. Cuối năm 2016, Phạm Huy Trung sắm chiếc Nikon D7200 và bắt đầu xách máy đi khắp đất nước săn ảnh: “Trung bình mỗi tháng tôi đi hai chuyến, mỗi chuyến kéo dài ba đến bốn ngày. Gần như tỉnh, thành nào ở Việt Nam tôi cũng đến chụp. Tôi thích nhất vùng Tây Bắc, Huế, Hội An, Đà Lạt vì nhiều cảnh sắc đẹp”.
|
Nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung |
Anh học hỏi kiến thức chụp ảnh từ những người đi trước, rồi tự mày mò tìm góc chụp riêng. Năm 2017, Phạm Huy Trung chuyển sang chụp bằng drone vì mong muốn khám phá những điều thú vị từ góc nhìn trên cao. Bức Trang trại tôm hùm chụp trong năm đó cũng là bức hình đầu tiên anh gửi dự thi quốc tế và có giải. Phạm Huy Trung cho biết: “Chụp ảnh bằng drone dễ ở chỗ có góc nhìn rộng, nên dễ chọn chủ thể, nhưng khó ở việc chọn điểm nhấn. Bắt được xúc cảm và biểu đạt nó qua những bức hình để người xem cảm nhận được, là một thử thách lớn. Lúc đầu làm quen với drone, tôi mất khá nhiều thời gian mới có được tấm hình ưng ý, vì gọi máy về không kịp, làm lỡ mất khoảnh khắc đắt giá”. Như nhiều người chơi drone khác, Phạm Huy Trung cũng nếm trải “thú đau thương” khi rớt máy, mất máy, mà giá mỗi chiếc trung bình 30 triệu đồng. “Tôi đang dùng đến chiếc drone thứ tư rồi”, anh cười thổ lộ.
Bù lại, việc chụp ảnh trên cao mang lại cho anh kha khá tiền từ các giải thưởng và tiền bán ảnh. Tính đến nay, các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế như giải của Sony, Siena anh đều tham dự và ít khi về tay không. Tuy vậy, Phạm Huy Trung còn đích nhắm lớn hơn: “Hạng mục ảnh bộ của Sony dành cho tay máy chuyên nghiệp là mơ ước của tôi. Để chiến thắng giải này, bộ ảnh phải có câu chuyện, ý tưởng, mà điều này tôi chưa đủ kinh nghiệm nắm bắt”. Trước mắt, anh mong muốn được khám phá cách chụp ảnh dưới nước: “Tôi đã lên kế hoạch chụp ảnh lặn biển vào hè này, nhưng tiếc là dịch bệnh nên chưa thể thực hiện được”.
Hành trình sáng tạo của Phạm Huy Trung vẫn rất dài ở phía trước, với anh, sự đam mê và kiên trì không bao giờ cạn.
Hương Nhu