Nhiếp ảnh gia Olivier Apicella: Việt Nam luôn trong tim tôi

23/05/2021 - 19:14

PNO - Việt Nam đất nước và con người hiền hòa trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Olivier Apicella đến từ nước Pháp.

Tình yêu với nông dân Việt

Olivier Apicella từng làm việc cho một công ty quốc tế ở châu Phi. Khi được đề nghị chuyển đến Việt Nam vào cuối năm 2017, anh lập tức đồng ý và xem đó như một thử thách. Sau một năm sống ở đất nước này, anh quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê nhiếp ảnh của mình. Anh bắt đầu chu du khắp Việt Nam và chụp những bức ảnh về vùng nông thôn.

“Việt Nam khác hẳn châu Phi, nơi tôi từng sống và làm việc trước đó. Đất nước các bạn khá phát triển, nhịp sống nhanh với những công dân tràn đầy năng lượng. Việt Nam có rất nhiều sự tương phản thú vị. Ở Sài Gòn hay Hà Nội, có nhiều tòa nhà chọc trời hiện đại, nhưng nông thôn lại có lối sống và không gian truyền thống”, anh chia sẻ. 

Nhiếp ảnh gia Apicella và người dân địa phương trong chuyến đi Mù Cang Chải
Nhiếp ảnh gia Apicella và người dân địa phương trong chuyến đi Mù Cang Chải

Lang thang khắp các miền quê Việt Nam, Apicella cảm thấy mình như thuộc về nơi này. Cách sống và sinh hoạt của nông dân hấp dẫn anh. Niềm vui lang thang được nhân lên gấp bội khi anh bắt gặp những khung cảnh thơ mộng và kỳ thú, cùng hình ảnh người nông dân nổi bật trên dải đất hình chữ S.

Yêu thích những giá trị truyền thống và sự yên bình nơi thôn dã, Apicella bắt đầu dự án Farmeres are Heroes - Nông dân là những người hùng. Dự án được xây dựng từ mong muốn được kể câu chuyện về những người nông dân Việt Nam cần cù lao động và giàu tình yêu với mảnh đất của họ, bằng những bức ảnh được chụp từ trên cao.

 “Tôi cảm thấy có sự tương tác mạnh mẽ với những người nông dân. Họ yêu thích những gì họ làm, gắn bó hòa hợp với thiên nhiên, làm việc chăm chỉ và hăng say đến nỗi không nghĩ ngợi gì nhiều về vấn đề tiền bạc. Nó mang lại cho tôi xúc cảm thật sự, và tôi trân quý lối sống bình dị này. Dành cho những con người cần cù và hồn nhiên đó sự tôn trọng thông qua hình ảnh là điều tốt nhất mà tôi có thể làm”, Apicella nói.

Từng du ngoạn từ Bắc vào Nam, nhưng có lẽ đồng bằng sông Cửu Long là nơi Apicella thích nhất. Với anh, vùng đất này không chỉ nổi tiếng về nông nghiệp, mà nó còn là mảnh đất trù phú, tươi đẹp để những nhiếp ảnh gia như anh khám phá. Sự trù phú ấy được thể hiện qua thiên nhiên hiền hòa và con người vô cùng thân thiện, dễ mến. Tuy nhiên, chu du khắp vùng sông nước, Apicella cũng nhận ra rằng đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng, và công nghiệp, đô thị hóa đang làm thay đổi vùng đất này từng ngày. Một trong những nét văn hóa độc đáo đã và đang mất đi chính là chợ nổi. Nhiếp ảnh không chỉ thỏa mãn đam mê cá nhân, mà đã trở thành “phương tiện” giúp anh tìm hiểu và lưu giữ một lối sống truyền thống đang mất dần theo năm tháng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tác phẩm đánh cá từng xuất hiện trên National Geographic, HÖRZU Magazine
Tác phẩm đánh cá từng xuất hiện trên National Geographic, HÖRZU Magazine

Mong sớm được trở lại

Đa phần các tác phẩm của Apicella đều là phong cảnh làng quê Việt Nam và người nông dân. Việt Nam nhìn từ trên cao trong ảnh của anh không chỉ tái hiện những hình ảnh kỳ vĩ, mà còn là những khoảnh khắc độc đáo chỉ có ở đất nước này.
“Chụp từ trên cao cho phép tôi thu được chính xác hình ảnh tôi muốn lên khung hình. Và quan trọng nhất, nó giúp tôi tập trung vào vùng đất có những người làm việc với bố cục tối giản và rõ ràng”, anh tâm sự. 

Khám phá nhiều danh thắng Việt Nam, mỗi điểm đến là một kỷ niệm mà chàng trai trẻ luôn ghi nhớ. Đa phần là các kỷ niệm liên quan đến những người bản địa anh đã gặp, hay những cung đường hấp dẫn. Điều khiến anh hạnh phúc nhất trong suốt hành trình là sự cởi mở, thân thiện của người dân địa phương. Ở hầu hết các điểm đến, anh đều được họ mời ở lại. Tình cảm và sự nồng nhiệt đó mang lại cho Apicella vô vàn xúc cảm cùng những ký ức khó phai mờ.

Làng nghề truyền thống luôn có sức hút đặc biệt với Apicella
Làng nghề truyền thống luôn có sức hút đặc biệt với Apicella

“Tôi chụp bức Mellow Yellow khi đang trên đường đến Mù Cang Chải. Nhìn người nông dân đang phơi ngô trên khay lớn, tôi dừng xe máy và hỏi anh ta liệu tôi có thể chụp ảnh lúc anh ta đang làm việc không. Điều bất ngờ nhất là anh tiếp đón tôi bằng thái độ rất niềm nở. Sau khoảng 30 phút chụp ảnh, ghi hình, tôi đã trở thành bạn với tất cả những người dân địa phương xung quanh tôi; có thể cùng nhau chia sẻ, giải thích kỹ thuật chụp ảnh với những đứa trẻ tò mò muốn khám phá. Và hạnh phúc hơn khi tôi được mời dùng bữa trưa ấm áp, thân tình cùng gia đình một người dân nơi đây. Tôi đã có một ngày hạnh phúc, nhiều kỷ niệm, và càng hạnh phúc hơn khi đến Mù Cang Chải, những người đang đợi tôi, luôn bày tỏ sự quan tâm lo lắng cho tôi... Tất cả những tình cảm đó khiến tôi càng thêm yêu đất nước và con người Việt Nam. Tôi không còn cảm giác mình đang ở rất xa nhà nữa”, anh kể.

Tưới hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long, bức ảnh từng xuất hiện trên nhiều tạp chí lớn như National Geographic, Le Courrier du Vietnam, Terra Mater Magazine.
Tưới hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long, bức ảnh từng xuất hiện trên nhiều tạp chí lớn như National Geographic, Le Courrier du Vietnam, Terra Mater Magazine.

Dù từng có nhiều ảnh về nông thôn Việt Nam xuất hiện trên tạp chí quốc tế như National Geographic, The Daily Telegraph, The Times cùng những giải thưởng liên quan đến nhiếp ảnh trên thế giới, nhưng Apicella cho rằng đó không phải là những gì anh hướng tới. Dịch bệnh khiến chuyến trở lại Việt Nam của Apicella đang bị đình trệ. Từ Pháp, anh nói mình đang rất nhớ đồng bằng sông Cửu Long và mong sớm được trở lại vùng đất này. 

“Chúng ta đã có một năm đầy khó khăn, nhưng tôi hy vọng mọi thứ có thể nhanh chóng ổn định. Kỳ nghỉ bất đắc dĩ cũng là cơ hội để tôi có thời gian tĩnh lặng, suy nghĩ về hành trình mình đã trải qua. Và đó cũng là thời gian cho tôi nhận diện rõ ràng nhất Việt Nam luôn trong tim tôi, vì sự nghiệp nhiếp ảnh và những thành công cá nhân, tính đến thời điểm hiện tại, đều diễn ra ở đất nước này”, Apicella chia sẻ. 

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI