Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á khám phá Hầu đồng Việt Nam

03/01/2018 - 20:11

PNO - Khát khao được khám phá hầu đồng, ròng rã hơn một năm sau đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á lại tiếp tục rong ruổi từ miền Trung đến Lạng Sơn để kể lại câu chuyện của hầu đồng theo cách riêng của mình.

Thú nhận từng có lúc những từ hầu đồng, hầu bóng, lên đồng… với mình như một thế giới đầy những điều bí ẩn, thậm chí có cả những ý nghĩ tiêu cực;  sau một năm tìm hiểu để thực hiện tập sách ảnh giới thiệu 11 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đã được Unesco vinh danh; những màu sắc, âm thanh, hình ảnh động, tĩnh… của hầu đồng bỗng trở nên đầy mê hoặc đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á.

Khát khao được khám phá hầu đồng, ròng rã hơn một năm sau đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á lại tiếp tục rong ruổi từ miền Trung đến Lạng Sơn để kể lại câu chuyện của hầu đồng theo cách riêng của mình. Gần 1.000 tấm ảnh được chọn từ hàng chục ngàn ảnh, đã được giới thiệu trong tập sách ảnh Hầu đồng Việt Nam, phát hành đúng một năm sau ngày Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được Unesco công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.

Nhiep anh gia Nguyen A kham pha Hau dong Viet Nam

Thủ nhang Thanh đồng Chu Thị Nhuận hầu giá Đức Thánh Trần - Ảnh: Nguyễn Á

Với thế mạnh vốn có ở thể loại ảnh báo chí, phóng sự, cộng thêm góc nhìn, sự nhạy cảm của một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, Nguyễn Á đã có những bức ảnh giàu ngôn ngữ, được chăm chút từ góc máy đến ánh sáng, màu sắc… để không ít lần, khi lần giở những trang sách, người xem ngỡ như được “chạm” vào không gian huyền ảo của những giá hầu đồng, của một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt.

400 trang sách là câu chuyện kể sinh động, đủ để công chúng có được hiểu biết cơ bản về loại hình tín ngưỡng này, từ thuở Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh (8/1557 tại Vụ Bản - Nam Định) và trở thành một trong Tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh), đến tín ngưỡng thờ cúng theo thứ tự các hàng, các phủ trong hệ thống thờ Mẫu.

Những đền thờ, lễ hội, những nhân vật được phong thánh… được sắp xếp xen kẽ với hình ảnh các nghệ nhân dân gian, Thanh đồng, Đồng thầy… trong những sắc thái, bộ điệu, trang phục… khác nhau khiến hầu đồng không dừng lại ở nghi thức với những triết lý, quy tắc của văn hóa tín ngưỡng mà còn như một cuộc trình diễn nghệ thuật đầy 
sắc màu.

Qua sách, độc giả sẽ hiểu rằng các đền thờ của Đạo Mẫu được xây dựng hầu hết nhằm thờ phụng và bày tỏ lòng biết ơn của dân chúng với những nhân vật có nhiều công lao với đất nước, dân tộc: Đức Thánh Trần - Trần Hưng Đạo, Đại Hoàng công chúa - con gái thứ hai của Trần Hưng Đạo, Quan Triệu Tường - con trai thứ hai của chúa Nguyễn Kim; Thục Nương - người được Trưng Nữ Vương phong là Bát Nàn Đông Nhung Đại tướng quân, đã tuẫn tiết cùng Hai Bà Trưng trong trận chống giặc Đông Hán; Chúa Thác Bờ tên thật là Đinh Thị Vân, con gái một gia đình tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình.

Khi đất nước bị xâm lăng, bà đã tập hợp dân Mường liên kết với các dân tộc ở Hòa Bình đánh đuổi quân xâm lược. Sau khi được triều đình giao cho cai quản vùng đất Mường ở Hòa Bình, bà giúp dân ổn định cuộc sống, dạy dân lên rẫy làm nương, xuống sông Đà thả lưới đánh bắt cá…

Tất cả những điều đó khiến hầu đồng, qua hình ảnh của Nguyễn Á, mang một vẻ đẹp tâm linh đậm chất Việt. Trong trang phục, khăn chầu áo ngự lộng lẫy, ở không gian cửa điện linh thiêng, khói nhang nghi ngút hay giữa mênh mông biển người trong các nghi lễ ngày hội… là những giá trị tốt đẹp của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: hướng về cội nguồn, tôn vinh những người có công với dân, với nước, những vị anh hùng dân tộc. 

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI