Nhiếp ảnh gia Minh Sơn và dấu gạch nối giữa nhiếp ảnh - hội họa

11/04/2024 - 20:34

PNO - “Đây là ảnh, thật không tin được”, “đỉnh thực sự”… là những bình luận của người xem khi ngắm loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Minh Sơn và các cộng sự được đăng trên một số fanpage cách đây không lâu.

Từ sơn mài đến tranh của danh họa

Những đường nét mềm mại, màu sắc hòa nhã khiến người xem thoáng chốc khó phân biệt đây là tranh hay ảnh. Người ta thấy vừa quen vừa lạ. Lời giải cũng có ngay sau đó, bởi những bức ảnh này được thực hiện dựa trên cảm hứng từ 7 tác phẩm nổi tiếng của danh họa Mai Trung Thứ.

Nhiếp ảnh gia Minh Sơn - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhiếp ảnh gia Minh Sơn - Ảnh do nhân vật cung cấp

Việc chuyển thể từ tranh sang ảnh rất kỳ công. Ê kíp chọn tác phẩm gốc, sau đó quyết định màu sắc, trang phục, cách trang điểm, sắp xếp bố cục… Khi chụp xong, nhiếp ảnh gia (NAG) xử lý đồ họa để ảnh trông như tranh. Điểm khó nhất là thể hiện được tinh thần giống tác phẩm gốc.

Ánh sáng phải được tính toán kỹ lưỡng. Từng nếp áo của nhân vật cũng phải đặt để phù hợp, thể hiện được sự thanh thoát như tranh. Điểm thú vị trong tác phẩm của Mai Trung Thứ còn nằm ở thần sắc của nhân vật. Đôi mắt của họ có chút mơ mộng, xa xăm, u sầu nhưng sang trọng. Đây là điểm khó nhất trong quá trình chụp ảnh để người mẫu thể hiện được.

“Rào cản lớn nhất vẫn là nỗi sợ của chúng tôi, bởi cộng đồng yêu tranh, nhất là tranh cổ, khá khắt khe. Đây là các tác phẩm nổi tiếng nên việc tái hiện sẽ gây ra nhiều ý kiến trái chiều” - NAG Minh Sơn chia sẻ.

Đây không phải lần đầu anh và ê kíp tự đặt mình vào tình thế khó khăn như vậy. Trước đó, họ từng được chú ý với dự án Nhiếp vàng họa son, khởi xướng từ năm 2017, với các tác phẩm chuyển thể ảnh kỹ thuật số sang tranh sơn mài truyền thống Việt Nam, dưới góc nhìn của các gương mặt 9X.

Việc chuyển từ màu sắc của ảnh kỹ thuật số sang màu sắc dùng trong tranh sơn mài đặc biệt khó, bởi màu sơn mài truyền thống khá ít. Vì thế, anh và ê kíp phải tính toán kỹ lưỡng. Khối, đường nét của tranh sẽ giống ảnh, nhưng màu sắc sẽ sâu hơn. Chẳng hạn, màu vàng trong ảnh khi chuyển sang tranh sẽ là sắc vàng của vàng thật; màu trắng từ khảm trứng, bạc; còn màu xanh lá khảm ốc, trai…

Ảnh chụp các nhân vật có thật. Vì vậy, anh cũng muốn thể hiện sống động, chân thật nhất trong tranh. Điều này khá khó với tranh sơn mài, bởi dòng này thường sẽ có các nét vẽ to, thiên về mảng khối. NAG và cộng sự đã thất bại 4-5 lần trước khi hoàn thành được tác phẩm đầu tiên, chưa kể nhiều năm nghiên cứu trước đó.

Cho mình đến cho chúng ta

Một lần, Minh Sơn đến nhà bạn và thực sự ấn tượng bởi tác phẩm của danh họa Mai Trung Thứ, dẫu khổ tranh nhỏ nhắn. Tìm hiểu về cuộc đời ông, anh càng yêu thích. Sở hữu tác phẩm của Mai Trung Thứ là mơ ước của bao người đam mê nghệ thuật. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện. NAG Minh Sơn cũng thế. Đây cũng là điều thôi thúc anh thực hiện dự án trên.

Tác phẩm trong bộ ảnh của Minh Sơn và cộng sự, dựa trên tác phẩm của danh họa Mai Trung Thứ
Tác phẩm trong bộ ảnh của Minh Sơn và cộng sự, dựa trên tác phẩm của danh họa Mai Trung Thứ

Anh cũng rất yêu dòng tranh sơn mài của Việt Nam vì những đặc tính thú vị của chúng. Nếu kết hợp giữa hội họa truyền thống và nhiếp ảnh hiện đại sẽ như thế nào? Làm sao để giá trị một bức ảnh kỹ thuật số được nâng tầm vượt thời gian? Những câu hỏi ấy cứ quanh quẩn trong đầu nhiều năm và Nhiếp vàng họa son ra đời như một câu trả lời.

Minh Sơn xuất thân trong một gia đình làm nghệ thuật, có cha là họa sĩ vẽ mực tàu trên gốm, chị gái chuyên về mỹ thuật công nghiệp sơn mài… Tình thân trở thành chất xúc tác để anh tạo nên sự giao duyên giữa nhiếp ảnh - con đường bản thân lựa chọn - và hội họa, gắn liền với các thành viên khác trong gia đình.

Sau vài ngày đăng tải, bộ ảnh lấy cảm hứng từ tranh của danh họa Mai Trung Thứ nhận gần 5.000 lượt tương tác, hơn 1.000 lượt chia sẻ. Thậm chí, ngay ngày đầu tiên đã có hơn 1 triệu lượt tiếp cận bài viết (theo thông tin từ admin fanpage chia sẻ). Trong đó, có rất nhiều người trẻ. Dự án Nhiếp vàng họa son trước đó cũng được đông đảo người xem đón nhận, tán thưởng.

Bên cạnh những lời khen, lượt chia sẻ, anh cho biết đã có 2 đơn vị tài trợ triển lãm cá nhân cho bộ hình tranh xưa này vì quá yêu thích. Netflix cũng liên hệ anh để sử dụng bộ ảnh vào bối cảnh phim, với mục đích giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. NAG Minh Sơn hiểu rằng chúng không chỉ thỏa mãn đam mê, mong muốn cá nhân mà còn có thể tạo ra sự ảnh hưởng với cộng đồng. Điều này càng thôi thúc anh và cộng sự tiếp tục phát triển dự án trong thời gian tới.

“Thông qua dự án này, chúng tôi muốn góp một phần nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ và tiếp lửa cho những giá trị truyền thống Việt Nam, lan tỏa đến các bạn trẻ. Chúng ta sẽ vô cùng tự hào khi hội họa Việt Nam có những tác phẩm, tác giả vươn tầm thế giới. Tôi ấn tượng với một câu nói của họa sĩ Thành Chương, rằng tâm tướng hiện đại nhưng vẫn phải đậm đà bản sắc dân tộc, không mất đi cá tính. Nếu không, khi bước ra bên ngoài, chúng ta vẫn là con số 0 tròn trĩnh” - anh nói.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI