Không còn là những hình ảnh đẹp đẽ về một thế giới tự nhiên bình ổn, nghệ thuật sinh thái nhìn tự nhiên như một kiệt tác nhưng lại là thứ mong manh, dễ bị tổn thương như chính cuộc sống của chúng ta. Là phong trào nghệ thuật phát triển trên thế giới, nhưng mới chỉ manh nha ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, nghệ thuật sinh thái sử dụng nghệ thuật như một phương tiện để thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên.
Bài 1: Nghệ thuật sinh thái: Mỹ cảm về một thế giới bên miệng vực
|
Hãy cứu biển là triển lãm ảnh đầu tiên về rác thải nhựa ở Việt Nam, mở cửa từ ngày 4-9/6 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Triển lãm được trưng bày đúng dịp kỷ niệm ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Đại dương thế giới (8/6), đánh dấu chặng đường đầu tiên của dự án cá nhân Save Our Seas của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng (Nguyễn Việt Hùng), là sự tổng kết hành trình 7.000km anh đi xuyên Việt trong năm 2018 để “săn” rác thải nhựa, cứu đại dương.
|
Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã đi dọc Việt Nam để chụp ảnh rác thải nhựa. |
Triển lãm trưng bày hơn 100 bức ảnh, được lựa chọn từ hơn 3.000 bức, chụp dọc theo hơn 3.000km bờ biển, tại 28 tỉnh thành và hơn 100 cửa sông của tác giả. Các bức ảnh được sắp xếp theo từng nội dung, địa điểm và thời gian chụp, để công chúng có thể hình dung bức tranh tổng thể về thực trạng rác thải nhựa dọc bờ biển Việt Nam.
Phóng viên: Tại sao anh chọn rác thải nhựa mà không phải là đề tài khác?
Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Suốt 20 năm cầm máy, tôi đã chụp rất nhiều đề tài. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra, nhiếp ảnh có khả năng mang lại nhiều giá trị hơn những gì trước đó tôi từng hình dung về thể loại này. Tôi cho rằng, với mỗi tác giả, mỗi tác phẩm là một tiếng nói của họ đối với công chúng, cộng đồng, với thời đại mà họ đang sống. Trong khi đó, quỹ thời gian lại có hạn. Việc chụp đi chụp lại những đề tài giống nhau trở nên nhàm chán. Đề tài này gợi cho tôi nhiều suy nghĩ, thử thách.
Đôi khi tôi nghĩ, con người không xứng đáng với hành tinh mà chúng ta đang sống. Có nhiều người hỏi tôi: “Mệt không, sao lại chụp rác thải nhựa, những thứ bẩn thỉu, xấu xí như thế?”… Một khi đó là thôi thúc từ nội tâm, khi ta có niềm say mê, ý tưởng và thấy mình cần phải đi, ta sẽ thấy mọi thứ đơn giản, nhẹ nhàng hơn nhiều.
|
Một tác phẩm trong triển lãm Hãy cứu biển |
* Triển lãm có tên tiếng Anh viết tắt là “S.O.S”. Tức là, mọi thứ đang ở mức báo động?
- Tôi nghĩ, đã tới lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, không bàng quang được nữa. Số liệu cho thấy, trên toàn cầu, mỗi năm có tới 500 tỷ túi nhựa được sử dụng, 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút, 8-12 triệu tấn nhựa rò rỉ ra biển và phải mất 400-1.000 năm để chất thải nhựa phân hóa hoàn toàn trong môi trường, có 100.000 động vật biển bị chết vì nhựa. Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2050, rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá ở biển.
Là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người; trong đó, ô nhiễm rác thải nhựa chịu trách nhiệm không nhỏ. Chúng ta phải hành động ngay nếu muốn thay đổi tình hình.
Với tư duy chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi, tôi mong câu chuyện của mình được lan tỏa và truyền cảm hứng tới cộng đồng, nhằm góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức và thúc đẩy những hành động tích cực của mỗi cá nhân; cũng như góp một tiếng nói tới các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, cứu đại dương.
|
Một tác phẩm trong triển lãm Hãy cứu biển |
* Truyền thông điệp bằng nghệ thuật có khác biệt gì không, thưa anh?
- Những bức ảnh về rác có thể không phải là một câu chuyện thi vị, nhưng chắc chắn nó là câu chuyện chân thật. Tôi nghĩ, cách kể chuyện đó gần gũi với mọi người, vì ai cũng có thể thấy bóng dáng của mình, quê hương mình trong đó. Phải đồng cảm được thì mới biến thành hành động có ý nghĩa.
Tôi không muốn áp đặt mọi người phải làm cái này cái kia, nhưng hãy nhìn những điều đang bày ra trước mắt, thử một ngày không dùng đồ nhựa, sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhõm của trái đất này như thế nào. Nhiều người nghĩ những thứ nho nhỏ, ví dụ như một ống hút nhựa, có thể không hại mấy. Nhưng khi những cái nhỏ nhỏ ấy tích tụ, lại có thể giết chết cả hành tinh. Mỗi việc bạn làm để bảo vệ biển, làm sạch đại dương cũng như một giọt nước trong đại dương. Nếu không đủ nước, sẽ chẳng có đại dương nào cả.
Hiện nay, nhận thức của người dân về môi trường còn nhiều hạn chế. Đề tài sinh thái cũng mới được các nghệ sĩ của chúng ta chú ý trong vài năm trở lại đây. Tôi nghĩ, “cuộc chiến” này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Hy vọng sẽ có thêm nhiều triển lãm hoặc những dự án nghệ thuật khác chú trọng vấn đề này.
* Xin cảm ơn anh.
Du Nguyên (thực hiện)