Nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh có hơn 30 năm theo nghiệp nhiếp ảnh, nhưng anh hiếm khi nào tổ chức triển lãm, dù vốn liếng về ảnh khá dày. Đến nay, Lê Hồng Linh chỉ mới triển lãm ảnh hai lần, một lần vào năm 2013 cùng các nhiếp ảnh gia bậc thầy (Top 10 thế giới do PSA - Hiệp hội Nhiếp ảnh Mỹ bình chọn hằng năm) và năm 2020 triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Thấu cảm, thông qua đó đã quyên góp được hơn 1,6 tỷ đồng để mở thư viện cho trẻ em nghèo. Lần này, với triển lãm cá nhân thứ hai Sáng và tối, điều anh mong muốn là mang đến sự chữa lành, cứu rỗi tâm hồn chính mình và mọi người.
Phóng viên: Vì sao anh lại chọn tổ chức triển lãm cá nhân vào thời điểm này?
Nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh: Sau hai năm dịch bệnh với nhiều mất mát, tổn thương, tôi nghĩ những người ở lại cần điều gì đó để xoa dịu tâm hồn. Nói xoa dịu có vẻ lớn lao, tôi nghĩ điều mọi người cần có là được đồng cảm, chia sẻ. Nghệ thuật và cái đẹp, xét ở một góc độ nào đó, chúng hữu hiệu cho tâm hồn con người, mà nói như đại văn hào người Nga Dostoyevsky: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”.
Triển lãm Sáng và tối diễn ra từ ngày 15/3 - 30/4 tại Vy Gallery (20 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM). Vào 17 giờ ngày 19/3 sẽ tổ chức buổi khai mạc. Còn lại, vào 10 giờ các ngày 20, 22, 24, 26/3, nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh sẽ có mặt tại triển lãm để giao lưu, giải đáp những thắc mắc của người xem về câu chuyện sau mỗi bức ảnh. |
Ở lần triển lãm này, cũng có một điều mới lạ, toàn bộ ảnh các bạn được xem đều qua sự giám tuyển của Zach Sch - một người rất trẻ, tuổi chỉ chừng 24 - 25. Bấy lâu, với nhiếp ảnh, thường không có giám tuyển, mà chính nghệ sĩ sẽ quyết định chọn trưng bày hay giữ lại bức ảnh nào. Sự mới mẻ này khiến tôi hào hứng.
* Khi có giám tuyển, họ tác động thế nào đến quy trình chọn ảnh và chất lượng nghệ thuật mà anh mong muốn giới thiệu đến người xem?
- Tôi đưa Zach Sch 120 file ảnh để bạn tùy ý lựa chọn các tác phẩm sẽ trưng bày trong triển lãm. Zach Sch chọn ra 40 tấm mà tôi rất đồng tình. Tôi thấy có sự kết nối giữa cả hai trong thẩm mỹ nghệ thuật, ý tưởng, cảm xúc dù Zach Sch trẻ tuổi hơn tôi khá nhiều.
Sự xung đột giữa cả hai trong quá trình làm việc hoàn toàn không có, chúng tôi cách nhau tuổi tác nhưng gần về thẩm mỹ. Chỉ có một thay đổi, là từ 40 bức mà Zach Sch chọn, tôi giảm xuống còn 30 bức để phù hợp với không gian của Vy Gallery. Tôi muốn nơi trưng bày phải đủ khoảng cách để người xem có “quãng nghỉ” giữa các ảnh, không cần phải đưa ra quá nhiều ảnh nhưng lại không giúp ích về mặt cảm xúc của người xem.
|
Bức ảnh độc bản mang tên Thời gian 27 được chụp năm 2011 - ẢNH: DIỄM MI |
* Ở Sáng và tối, tôi thấy nhiều sự quen thuộc từ các tác phẩm, bởi có bức đã xuất hiện trong sách ảnh Thấu cảm được anh ra mắt cách đây hai năm. Liệu còn điều gì mới mẻ để triển lãm lần này giữ chân người xem?
- Tôi theo nhiếp ảnh hơn 30 năm với lượng ảnh chụp khá lớn. Trong đó, có nhiều bức sau khi chụp, tôi chưa thực hiện khâu hậu kỳ để giới thiệu đến người xem, và theo thời gian, chúng cứ ngủ yên như thế. Đến hai năm dịch bệnh vừa qua, tôi không đi sáng tác mà lục tìm lại kho ảnh của mình để tiếp tục hoàn thiện các tác phẩm. Sự quen thuộc mà bạn nói, có lẽ do bạn đã xem qua sách ảnh Thấu cảm và ấn tượng với một số tác phẩm trong sách, còn toàn bộ 30 bức mà tôi trưng bày ở đây chưa từng xuất hiện tại bất kỳ triển lãm nào. Tôi hy vọng khi đến với triển lãm, người xem vẫn có được trải nghiệm cảm xúc mới mẻ.
* Trong Sáng và tối, tôi thấy tình thương và nỗi buồn. Những người phụ nữ hao gầy theo thời gian khi đứa con của họ dần lớn. Và trong một số bức phong cảnh, dù thấy ngay sự hùng vĩ, thơ mộng thì sâu thẳm, đâu đó vẫn gợi nỗi buồn, cho thấy sự cô đơn...
- Bạn ấn tượng với bức ảnh nào nhất?
|
Bức Hoàng hôn trên sông Nhật Lệ. Ảnh chụp lại: Diễm Mi. |
* Tôi đã đứng thật lâu trước hai bức Hoàng hôn trên sông Nhật Lệ và Gia tài của mẹ.
- Hoàng hôn trên sông Nhật Lệ là cái đẹp ẩn hiện trong buổi chiều thơ mộng. Ánh hoàng hôn dễ hút mắt người xem, nhưng nhìn sâu hơn, là những mái ngói, dãy nhà nằm yên ở đó, thanh bình theo ngày tháng.
Tôi muốn kể nhiều hơn về bức Gia tài của mẹ. Trên ảnh, dù không thấy được gương mặt người mẹ, nhưng nhìn vào đôi dép lào đã sờn cũ được giữ khư khư trên tay, chắc mọi người phần nào cũng cảm được hoàn cảnh khó khăn của người mẹ nghèo. Nhưng khi nhìn đứa con, với một chiếc áo jean khá mới được bận trên người, những dòng chữ tiếng Anh và ánh mắt trông vào xa xăm... những chi tiết đó gợi lên nhiều nỗi niềm giữa thực tại nghèo khó và tương lai chất chứa nhiều kỳ vọng. Người mẹ nào cũng mong sau này khôn lớn, đứa con thơ của mình có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc và có thể, đứa trẻ ấy sẽ đi xa hơn, mang theo ước mơ của mẹ mà đến nhiều chân trời khác.
* Anh xoa dịu tâm hồn người khác không hẳn chỉ bằng niềm vui, sự khơi gợi cảm xúc bên trong của anh đôi khi lại khiến người xem trăn trở, ngẫm ngợi. Liệu rằng cách xoa dịu này có như anh mong muốn?
- Với sự giám tuyển của Zach Sch, tôi nghĩ không chỉ tôi mà người xem cũng sẽ hài lòng, nghĩa là sau khi rời triển lãm, họ nhận được một điều gì đó có ích cho cảm xúc. Những người từng trải qua khoảng thời gian chiến đấu với COVID-19 như bạn cũng sẽ tìm thấy được sự an ủi, hay chí ít là cảm xúc rưng rưng có vui, có buồn. Tôi không mong mọi người thấy được sự tích cực hoàn toàn bởi tên triển lãm là Sáng và tối, có những đối lập về hình ảnh ở đây và cảm xúc cũng sẽ khác nhau. Tôi chỉ mong khơi gợi được cảm xúc của người xem và đâu đó, sau hai năm nhiều biến động vừa qua, họ cảm thấy tâm trạng tốt hơn, có niềm tin hơn.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Diễm Mi (thực hiện)