Cuộc đời nhiếp ảnh gia người Mỹ Jose Saldana là một chuyến hành trình thú vị. Là một đứa trẻ khiếm thính từ thuở lên hai, anh luôn ấp ủ giấc mơ chinh phục những đỉnh núi cao nhất, và trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng. Jose Saldana đã đến 23 quốc gia kể từ năm 2005 trước khi đến thăm Việt Nam vào năm 2019 và chụp bộ ảnh Hình ảnh về một Việt Nam năng động qua đôi mắt điếc của tôi.
Tìm hiểu cuộc sống hằng ngày của người Việt, nhận thấy Việt Nam luôn thay đổi, Jose Saldana nói, đó là “một cảm giác kinh ngạc” khi có thể ghi lại những chuyển động mạnh mẽ của con người, phong cảnh và văn hóa Việt Nam.
Phóng viên: Xin anh cho biết, cơ duyên nào đã đưa anh đến Việt Nam để thực hiện bộ ảnh này?
Nhiếp ảnh gia Jose Saldana: Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam là tháng Năm năm ngoái, trong một chuyến du lịch các quốc gia Đông Nam Á. Ban đầu, tôi chỉ dự định ghé thăm Việt Nam trong hai tuần, nhưng đất nước các bạn đã giữ chân tôi lâu hơn thế, và truyền cảm hứng để tôi thực hiện bộ ảnh này.
|
Nhiếp ảnh gia Jose Saldana - Ảnh: nhân vật cung cấp |
* Một nghệ sĩ nhiếp ảnh thường nhìn cuộc sống bằng tất cả các giác quan của mình rồi truyền tải nó vào bức ảnh. Nhưng với anh, điều đó không trọn vẹn, anh đã nhìn ngắm, chụp lại “không khí Việt Nam” như thế nào?
- Trong quá trình làm phim, tôi nhận thức được rằng bản thân mình luôn muốn khám phá nhiều điều mới lạ trên thế giới, và nhất là để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống của những người khiếm thính ở những nơi tôi đặt chân đến. Hình ảnh về một Việt Nam năng động qua đôi mắt điếc của tôi là cái tên mà tôi đã ấp ủ từ lâu. Tuy bị tước đi khả năng lắng nghe, nhưng người khiếm thính lại được ban cho sự nhạy bén của đôi mắt, khiến họ có khả năng “bắt được” những cảm xúc thật nhất. Tôi có thể nắm bắt các khía cạnh khác nhau của văn hóa đất nước các bạn bằng cách bước ra khỏi nơi lưu trú trong những ngày ở đây, để thực sự xem những gì đang diễn ra ngoài kia. Từ trải nghiệm của bản thân, tôi muốn mọi người cảm nhận được những gì mà một người khiếm thính như tôi thấy được về cuộc sống đầy sắc màu tại Việt Nam.
* Có điểm nhấn nào mà anh nhớ nhất?
- Cảnh sắc và con người vùng cao Sa Pa là điểm nhấn mà tôi thích nhất trong chuyến hành trình này. Sa Pa gợi nhớ cho tôi đến những lần trekking trên dãy Himalaya cùng những người bạn đồng hành. Tôi có thể khẳng định rằng, văn hóa - con người tại Sa Pa cũng đặc sắc không kém gì tại Himalaya. Từ trang phục, cách sinh hoạt, lối sống và sự cởi mở của người dân Sa Pa rất tương đồng với cư dân sống tại triền núi Himalaya, và cách người dân xứ này lạc quan với cuộc sống thực sự làm tôi thấy hứng thú. Hình ảnh vùng cao Sa Pa xuất hiện rất nhiều trong bộ ảnh của tôi, và chắc chắn trong tương lai tôi sẽ còn trở lại nơi đây để hoàn thành một bộ ảnh về con người Sa Pa.
Ngoài ra, tôi cũng rất ấn tượng với phong cảnh miền Bắc Việt Nam; nếu có cơ hội, tôi mong có thể gắn bó lâu dài với vùng đất và con người nơi đây. Đất nước của bạn được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp tuyệt mỹ, có thể nói, trong số những quốc gia tôi từng ghé thăm, ít có nơi nào để lại trong tôi cảm xúc như vậy. Mỗi địa phương, mỗi vùng miền tôi đi qua, lại mang một âm hưởng khác nhau về tập tục, văn hóa, tiếng nói và con người.
|
Việt Nam qua “đôi mắt điếc” của Jose Saldana Ảnh: nhân vật cung cấp |
* Câu chuyện Việt Nam mà anh trải nghiệm có khác gì với câu chuyện Việt Nam anh từng nghe nói đến?
- Từ nhỏ, tôi chỉ được biết Việt Nam qua câu chuyện về chiến tranh, về sự tàn phá của nó và nỗi đau mà người Việt phải hứng chịu. Khi tôi đến Việt Nam, tôi đã rất bất ngờ vì cuộc sống nơi đây có thể thay đổi nhanh chóng đến vậy chỉ sau 45 năm. Với tôi, ấn tượng mạnh mẽ nhất về đất nước này là sự dung hòa về văn hóa, và người dân Việt Nam rất biết cách cân bằng cuộc sống của mình. Tính cách người Việt luôn hướng về sự rộng lượng, đạo đức, sự kiên nhẫn cũng như thái độ luôn quan tâm đến người khác. Tôi biết rõ điều này khi thấy xã hội Việt Nam dành sự quan tâm lớn cho những người khiếm thính. Chính sự đồng cảm này đã khiến tôi cảm phục con người và đất nước bạn hơn.
* Anh cảm thấy thế nào về những người khiếm thính ở Việt Nam?
- Cũng như Mỹ, người khiếm thính Việt Nam phải trải qua những trở ngại lớn trong cuộc sống. Ở một vài vùng quê hẻo lánh mà tôi từng ghé qua, nhiều bạn trẻ khiếm thính rất khó hoàn thành chương trình trung học, và càng ít hơn những bạn có thể vào đến đại học. Điều tôi muốn gửi gắm trong bộ ảnh này là bộ mặt khác của những người khiếm thính. Tuy họ luôn phải vất vả để mưu sinh, nhưng tinh thần lạc quan giữa đời thường của họ giúp chúng ta tự tin nhìn về tương lai. Một bộ ảnh về những người khiếm thính vượt lên trên số phận, trở thành những cá nhân thành đạt trong xã hội cũng là một trong những chủ đề tôi đang nghiên cứu thực hiện.
* Ở Việt Nam, việc bảo vệ di sản văn hóa đang trở thành một cuộc chiến khó nhằn. Suốt thời gian sinh sống và chụp ảnh tại đây, anh có suy nghĩ gì về điều này?
- Di sản văn hóa tại đất nước này rất giàu tiềm năng khai thác. Vì đất nước của các bạn không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng rất nhiều cảnh đẹp, mà con người nơi đây cũng nhân hậu, nhiệt tình. Thế nhưng, tôi không biết, trong tương lai, những “di sản văn hóa” này có thể tồn tại được không, khi mà quá trình thay đổi trong xã hội Việt Nam diễn ra rất nhanh. Những nét đẹp làng quê truyền thống, những đức tính vì cộng đồng đang ngày càng biến mất do sự phát triển chóng mặt, khiến nhịp sống nơi đây hối hả hơn trước.
Tôi mong rằng những bộ ảnh của mình sẽ giúp lưu giữ lại những khoảnh khắc đời thường nhất, những “cái thật, cái chất” của người Việt. Để khi nhìn lại nó, ta có thể tìm lại chính mình.
* Cám ơn anh.
Ngọc Khôi (thực hiện)