Nhưng, không biết điều gì sẽ xảy ra nếu nhà báo Trần Trọng Thức không ngăn lại sau khi nghe tâm sự của Dương Minh Long. Vào năm 2001, khi Trịnh Công Sơn qua đời, Dương Minh Long có ý định “hóa vàng” toàn bộ tư liệu của Trịnh vì đau buồn. May thay, ý định đó không thành. 26 năm qua, 27 lần chuyển nhà, Dương Minh Long luôn giữ gìn một cách cẩn trọng gần 1 tấn phim. Đặc biệt, vật bất ly thân của anh là chiếc vali đựng tư liệu của Trịnh Công Sơn cùng hàng ngàn tấm hình, hàng ngàn thước phim mà anh đã thực hiện suốt bấy nhiêu năm.
|
Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long - sinh năm 1962, tại Hà Nội - cầm máy từ năm 13 tuổi. Từ năm 1990, anh tập trung vào thể loại ảnh tư liệu và có nhiều năm sống đồng hành cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh là phóng viên ảnh Báo Lao Động năm 1991-1998. Ngoài ra, anh đã chụp ảnh trên 1.700 nhân vật khắp Việt Nam; là người chụp các di sản văn hóa, làng nghề, thiên nhiên Việt Nam. Dương Minh Long còn nổi tiếng với các bộ ảnh phóng sự thời sự tại Nga, Mỹ. |
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Phóng viên: Vì sao anh lại trở thành người em đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long: Năm 1990, khi tôi đang ở Moscow, nhà thơ Nguyễn Duy muốn tôi thực hiện 1 triển lãm ảnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, vào ngày khai mạc, tôi không có mặt ở đó mà phải 2 tuần sau tôi mới bay về TPHCM được. Anh Duy có nói, vì cậu không có mặt tại khai mạc triển lãm thì ngày bế mạc triển lãm, chúng ta phải làm to hơn khai mạc. Tôi không biết vì sao nhiều người lại biết thông tin đến thế. Buổi kết thúc triển lãm, có tới 300 người tham dự. Anh Nguyễn Duy có mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh…
Không hiểu ông trời sắp đặt thế nào mà tôi được ngồi cạnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bất ngờ quá, tôi chỉ khẽ chào anh, quan sát, nghe anh kể chuyện về bạn bè. Lúc ngắm, nghe anh nói chuyện, tôi thích quá nên bấm chụp anh vài kiểu ảnh. Sau buổi đó, tôi vẫn muốn tiếp tục chụp hình anh nên có hỏi anh. Anh nói rất vui vẻ: “Long có thể đến thẳng nhà anh ở 47C Phạm Ngọc Thạch”. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản đây là dịp để chụp hình vị nhạc sĩ mình đã yêu quý, mến mộ từ lâu, chứ chưa nghĩ gì về việc có song hành cùng anh lâu dài hay không.
|
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chụp cùng nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn tại TPHCM năm 1993 Ảnh: Dương Minh Long |
* Và rồi chẳng thể ngờ anh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gắn kết với nhau lâu đến vậy…
- Sau cuộc gặp gỡ “định mệnh” 25/10/1990, từ một người yêu nhạc Trịnh, tôi dần cảm phục Trịnh, xem anh như một người anh lớn. Tôi thuê nhà ở gần nhà Trịnh Công Sơn cho tiện công việc. Nhiều khi mải mê, tôi ở lại nhà anh tới khuya, nhất là trong các cuộc trà dư tửu hậu, đỡ đần anh trong cả cuộc sống đời thường. Những ngày tháng sát cánh bên anh thấm thoát cũng 11 năm trời và tính ra, có khoảng 4 năm tôi sống trên lầu 2 của ngôi nhà phố Phạm Ngọc Thạch cùng anh Sơn. Tôi đã ghi lại được nhiều khoảnh khắc quý giá của anh, đặc biệt là rất nhiều hình ảnh đời thường mà ít người thấy được.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những khoảnh khắc đời thường - Ảnh: Dương Minh Long
* Được biết lúc đó, Trịnh Công Sơn đã không hề ngần ngại để anh là người chụp hình ông; ngoài ra, còn ủy thác cho anh là người giữ các tư liệu, giấy tờ, kỷ vật. Phải thế nào đó, Trịnh mới có niềm tin vào anh như vậy?
- Thực sự việc này cũng làm tôi bất ngờ bởi tôi là một người em của anh Sơn. Bao nhiêu năm tôi chụp hình, anh không bao giờ bảo tôi đưa ảnh cho anh xem lại, không can thiệp, cũng không có ý kiến. Mà tôi cũng không bao giờ đưa ảnh ra để “khoe” với anh. Đốt bao nhiêu cuộn phim xong, tôi đều bỏ vô bao, bọc cẩn thận, ghi thông tin ngày tháng chụp, hoàn cảnh chụp, sự kiện gì… rồi… cất đi. Có lẽ như vậy nên cuộc sống và cuộc chơi giữa 2 anh em rất dễ chịu.
Một lần, anh Sơn nói: “Long lên đây anh có việc nhờ”. Thấy giọng anh có vẻ khang khác, tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng đi theo anh lên căn gác được coi là phòng thờ ba má anh. Ở đó có chiếc tủ đựng đồ. Anh mở tủ, bên trong có nhiều túi đựng các đồ lưu trữ, nhiều bọc giấy buộc dây… Anh bảo tôi tìm giúp anh một lá thư mà anh không nhớ đã lẫn vào đâu… Tôi mở tủ tìm cho anh nhưng không thể thấy ngay bởi đồ đạc trong tủ khá nhiều và lẫn lộn. Tôi bình tĩnh lấy hết đồ trong tủ để ra sàn, tìm từng chút. Nhân tiện, tôi ngồi phân loại từng thứ, sắp xếp đâu ra đó để sau này nếu anh muốn tìm gì, sẽ tìm được dễ hơn. Tôi cứ ngồi làm, quên cả thời gian. Buổi chiều, anh Sơn lên, hỏi tôi đã tìm thấy chưa. Anh rất ngạc nhiên khi thấy mọi thứ đang dần trở nên gọn gàng, ngăn nắp, tinh tươm. Có lẽ nhìn cách tôi nâng niu từng kỷ vật, tư liệu… anh cảm động và quyết định trao các thứ quý giá ấy lại cho tôi - người mà anh cảm thấy an toàn, tin cậy.
|
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chụp cùng nhà thơ Lê Đạt tại Hà Nội năm 1994 - Ảnh: Dương Minh Long |
* Anh đã thấy gì trong nhiều tư liệu, kỷ vật Trịnh Công Sơn lưu giữ trong chiếc tủ ấy?
- Anh Sơn là người rất có ý thức lưu giữ nhưng do không có thời gian và do tính cách, anh chỉ đơn giản là để các thứ lưu trữ trong tủ. Tính tôi lại ngăn nắp, rõ ràng, nhất là về vấn đề lưu trữ. Trong chiếc tủ đó, tôi thấy nhiều kỷ vật đã gắn bó với cuộc đời anh Sơn. Vì thế, tưởng chừng chỉ tìm một bức thư cho anh nhưng thời gian cứ trôi đi tới tận chiều bởi tôi như đi lạc vào đời sống với những kỷ vật quan trọng của anh.
Thông tin của mỗi kỷ vật, tư liệu đều là những câu chuyện làm tôi say mê. Đó là những bài báo viết về anh, những bức thư tình, những bản nhạc gốc còn lưu nét sửa chữa, tẩy xóa, thậm chí cả tờ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân 1 cô bạn gái của anh… Thấy tôi có ý thức và cách làm việc khoa học, anh Sơn ưng lắm. Anh giao cho tôi việc lưu giữ toàn bộ tư liệu, giấy tờ, kỷ vật. Khi bàn giao, anh Sơn đều có giấy ghi nhận. Sau này, khi tôi tính làm phim tư liệu về anh, anh liên tục giao cho tôi các tư liệu, bản thảo, bài báo hoặc đôi khi chỉ là vài dòng ghi chép nhỏ…
|
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chụp cùng nhiếp ảnh gia Dương Minh Long tại Huế, năm 1995 Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tôi đã từng buồn và muốn đốt hết
* Có thể xem anh như một người quan trọng vì lưu giữ khá nhiều bí mật của Trịnh, lại là tác giả hình ảnh về ông trong nhiều năm, thân thiết từng “chân tơ kẽ tóc” nhưng thực tế, công chúng thấy anh… “im lặng” khá lâu, vì sao?
- Ngày 1/4/2001, khi đang ở Ninh Thuận làm việc, tôi nghe tin anh Sơn qua đời. Đây là một cú sốc cực mạnh với tôi. Tôi bàng hoàng, không muốn làm gì nữa. Việc làm phim về anh còn chưa khởi động, người đã đi mất rồi. Tôi cũng không tha thiết làm gì, chỉ muốn giữ hình ảnh về anh trong tim mình. Ý nghĩa cuộc sống cũng theo anh Sơn đi mất. Tôi không muốn ở lại nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm. Tôi muốn đi khỏi thành phố, muốn quên.
* Việc anh muốn bỏ hết tư liệu của anh Sơn cũng là một câu chuyện làm nhiều người nhớ tới. Tôi thực không dám nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh “đốt” hết tư liệu của anh Sơn 22 năm trước…
- Thực sự 22 năm qua, sau khi anh Sơn mất, tôi rất ít khi nhận trả lời phỏng vấn hoặc chia sẻ thông tin về anh. Năm nay, trong triển lãm Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại, tôi công bố chính thức 35 bức hình về anh và những nhân vật đã gặp anh. Có nhiều bức lần đầu công bố, nhiều nhân vật còn chưa bao giờ được nhìn thấy bức hình chụp mình với Trịnh Công Sơn.
22 năm trước, khi anh mất, tôi đã định vào lễ 49 ngày của anh sẽ tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt, chỉ diễn ra trong một buổi. Kế hoạch của tôi là in một tấm hình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cực lớn và 500 tấm hình cực nhỏ xung quanh để công chúng được ngắm anh đa chiều. Sau khi báo chí truyền hình, công chúng tới xem, tôi sẽ đốt luôn các tác phẩm cùng kỷ vật anh để lại bởi tâm niệm: “Khi người yêu quý đã mất thì mọi thứ đều là vô nghĩa”. May thay, khi nghe tôi tâm sự, nhà báo Trần Trọng Thức can ngăn. Anh nói: “Long suy nghĩ lại đi, Long làm thế là có tội với anh Sơn, có lỗi với mọi người. Mọi thứ không phải là của riêng Long nữa rồi, chúng là di sản”. Tôi suy nghĩ rồi tỉnh ngộ, nghe theo lời anh Thức. Vậy nên số kỷ vật tư liệu trên 1.200 mục được lưu giữ một cách cực kỳ cẩn thận tới nay.
|
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chụp cùng nhạc sĩ Văn Cao, năm 1993 -Ảnh: Dương Minh Long |
* Qua 27 lần chuyển nhà từ Bắc - Trung - Nam, gần 1 tấn phim là thứ anh không dám rời, trong đó chiếc vali chứa kỷ vật của Trịnh lại càng đặc biệt được anh giữ hơn tính mạng mình?
- Đúng là các cụ nói… đã mang lấy nghiệp vào thân. Nhiều nhất trong nhà tôi là phim. Gia sản của tôi có lẽ cũng là… phim ảnh. Với người hay di chuyển như tôi, việc lưu trữ gần 1 tấn phim không hề dễ dàng. Tư liệu về anh Sơn cũng cỡ hơn 900kg. Tôi đi đâu, hòm xiểng vali chứa tư liệu theo tới đó. Quá nhiều lần tốn tiền di chuyển những tư liệu kỷ vật này đi theo nhưng phải chịu thôi. Không khéo tôi chết, chúng cũng phải theo nên dù việc vận chuyển có tốn kém, tôi cũng cam lòng.
* Năm 2021, anh đã trao tặng lại gần 1.200 tư liệu kỷ vật cho gia đình Trịnh Công Sơn. Vì sao anh có quyết định đó? Sau khi trao tặng, tâm trạng anh ra sao?
- Tôi đã lưu giữ chúng hơn 20 năm. Im lặng nhưng nặng tình. Khi quyết định trao tặng chúng cho gia đình anh Sơn, tôi vẫn luôn trân trọng và nghĩ, chỉ là chuyển từ tay mình tới tay Trịnh Vĩnh Trinh - em gái anh Sơn - để gia đình lưu giữ. Thú thật, tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm bởi lúc anh Sơn trao cho tôi, hẳn là anh đã có ý gửi gắm mà tôi vẫn chưa thực hiện, hoàn thành được gì theo ý nguyện của anh nên đôi khi tôi cảm thấy buồn. Bây giờ, tôi thấy nhẹ nhàng. Mọi thứ vẫn đang được tiến hành. Ngoài những triển lãm, postcard, sách, phim lần lượt là các kế hoạch tôi tự hứa, sẽ thực hiện bằng được.
* Anh nổi tiếng là một nhiếp ảnh gia nghiêm túc, luôn cẩn trọng mỗi khi công bố hình ảnh liên quan tới Trịnh Công Sơn và tới giờ vẫn vậy. Đến bao giờ công chúng mới có thể thỏa nhãn được thưởng thức hết 8.000 bức hình anh đã chụp vị nhạc sĩ tài hoa đó?
- Tôi không muốn những hình ảnh người anh tôi trân trọng lại xuất hiện một cách dễ dàng, vội vã, chẳng để làm gì. Mỗi tấm hình tôi chụp anh đều là kỷ niệm về những câu chuyện, con người, đời sống anh đã có. Tôi luôn suy nghĩ thật kỹ mỗi khi chọn lựa hình. Triển lãm Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại là một ẩn ngữ. Tôi nhớ mỗi khi có ai đó nhắc tới tuổi tác, anh Sơn luôn hóm hỉnh trả lời: “Tôi mới 35 tuổi”. Vậy nên tôi cũng chọn 35 bức như một kỷ niệm để nhớ anh. Còn lần đầu gặp lại ư? Là bởi chúng ta chỉ vừa mới xa và sẽ luôn gặp lại trong các trạng thái, hình ảnh khác nhau. Để tôi và mọi người có thể gặp anh Sơn ở tuổi 35. 22 năm anh mất, tôi chưa một lần triển lãm solo đủ đầy mà chỉ góp chung đôi bức. Thế nên, tôi quyết định lấy tên Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại để đánh dấu cột mốc quan trọng giữa anh, tôi và mọi người.
* Như anh có nói, nhạc sĩ ít khi xem lại hình ảnh anh chụp và ông cũng là một người yêu thích nhiếp ảnh?
- Đúng vậy. 99% ảnh anh Sơn chưa hề xem lại. Tôi nhớ có lần anh Sơn nhờ tôi tìm lại bức hình chụp anh với Khánh Ly năm 1997 để tặng Khánh Ly. Sau 20 năm, tình cờ tôi gặp lại bức hình này, thật diệu kỳ, ở đó có chữ ký: “Em Dương Minh Long tặng chị Khánh Ly”, bên mặt kia có chữ ký của Trịnh Công Sơn. Ký ức lại xôn xao hiện về. Trước năm 1975, anh Sơn đã là một người mê máy ảnh và có hiểu biết nhiếp ảnh rất kỹ. Anh cũng thích chụp ảnh. Kinh nghiệm của tôi là khi ở gần anh, không nên can thiệp mà để anh thật tự nhiên, sẽ có được những tấm hình đẹp.
* 35 bức hình mới nhất anh lựa chọn để công bố trong năm nay có gì đặc biệt?
- Đó là những kỷ niệm về anh, một vài tấm chân dung đời thường của anh mà tôi chưa bao giờ công bố, một số nhân vật trong hình chưa bao giờ được xem, được biết mình cũng có hình chụp với Trịnh Công Sơn. Đáng yêu nhất là bức hình Trịnh Công Sơn đang chơi đùa với một chú chó hoặc khi anh ngồi hút thuốc một mình. Tấm hình anh chụp với nhà thơ Lê Đạt ở phố cổ Hà Nội, với ca sĩ Thanh Hoa năm 1996, với Hồng Nhung… hay Trịnh Công Sơn đang nghe nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn đàn vào năm 1993… là những hình ảnh đẹp. Hoặc hình ảnh anh Sơn chụp với đạo diễn Trần Anh Hùng, diễn viên Trần Nữ Yên Khê, diễn viên Lương Triều Vỹ trong lần làm việc của đoàn phim Xích lô vào năm 1995… Hình ảnh anh Sơn trong một sáng gặp gỡ bạn bè tại hẻm 47C Phạm Ngọc Thạch với nhạc sĩ Từ Huy, anh Lê Chí Thành, nhạc sĩ Bảo Phúc… vào năm 1995, với Tam ca áo trắng năm 1996, với nhạc sĩ Thanh Tùng năm 1994, với Liz Mitchell - ca sĩ chính của nhóm nhạc Boney M - năm 1994…
* Có khi nào anh cảm thấy tiếc vì không “chộp” kịp thời khoảnh khắc rất đẹp của Trịnh?
- Có chứ. Nhiều. Đó là lúc anh trầm tư hút thuốc, suy tư. Tôi không thể chụp được bởi nếu đẩy cửa sẽ làm anh giật mình, đứt mạch suy nghĩ, biết đâu đó là lúc anh đang sáng tác. Tôi phải trân trọng khoảnh khắc ấy, chỉ ghi trong trí óc mình. Tôi rất tiếc nhưng đành phải vậy. Hoặc những lúc anh đang ở một trạng thái đặc biệt, tôi cũng không dám chụp bởi tôi tôn trọng anh.
* Là một nhiếp ảnh gia, anh thấy ai là người chụp được Trịnh Công Sơn “chất” nhất?
- Không thể so sánh. Anh Sơn được mọi người yêu mến, có nhiều người chụp anh rất ổn. Tôi nhớ chị Đào Hoa Nữ đã chụp anh rất ấn tượng. Anh Trương Công Ánh có tấm hình chụp Trịnh mà nay gia đình lấy làm ảnh thờ anh. Hay đầu giường anh Sơn có treo một tấm ảnh chân dung nho nhỏ mà tôi biết tác giả là nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan… và còn nhiều nữa.
* Mọi người vẫn hồi hộp chờ mong Dương Minh Long sẽ có một cái gì đó cực kỳ ấn tượng về Trịnh Công Sơn. Vấn đề là bao lâu nữa, thưa anh?
- Tôi luôn cẩn trọng khi làm gì liên quan tới anh Sơn. Trong kho tư liệu còn hơn 30.000 giờ quay băng BETACAM về anh, tôi vẫn đang giữ gìn cẩn thận. Đây là một dự án cần kinh phí lớn và một ê kíp thật sự chuyên nghiệp chung tay. Nội dung phim tôi sẽ tiết lộ sau. Cuối năm nay, có thể sẽ có một cái gì đó… chưa thể nói trước. Tôi xin phép nói như vậy thôi.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Codet Hanoi (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp