Trước giải HIPA, Alex Cao từng được nhận nhiều giải thưởng như huy chương Vàng PSA 2020, giải Nhì ảnh du lịch đen trắng Monovisions 2021, giải Khuyến khích Drone Thế giới 2020, giải Khán giả bình chọn về ảnh Drone của
35awards 2021…
|
Tác phẩm Ma trận tàu cá |
Phóng viên: Mỗi bức ảnh hẳn đều có một câu chuyện, và tác phẩm đoạt giải cao lần này của anh cũng không là ngoại lệ…
Nhiếp ảnh gia Alex Cao: Năm 2020, cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền Quảng Ngãi. Hơn 30 năm trong đời, lần đầu tiên tôi chứng kiến cơn bão lớn như thế.
Hôm sau, tôi và nhóm cộng sự chuyên làm công tác thiện nguyện đi khảo sát một số nơi để hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng do bão. Khi đến cảng Tịnh Hòa, tôi thấy rất nhiều thuyền bè neo đậu, vì chính quyền yêu cầu người dân phải trở vào đất liền trú bão. Tôi cho thiết bị bay lên, ghi lại hình ảnh đó, chỉ nghĩ sẽ lưu giữ làm tư liệu, chứ không hề nghĩ đến chuyện đi thi, đạt giải.
Khi biết đến giải thưởng HIPA năm nay với chủ đề thiên nhiên, tôi gửi ảnh đi dự thi. Mọi người có thể thường mặc định thiên nhiên phải là những gì tươi đẹp, nhưng rõ ràng cuộc sống luôn có hai mặt. Bão là điều gì đó không tốt, nhưng thực tế vẫn gắn với thiên nhiên, không thể tách rời.
Tiền thưởng lần này tôi sẽ trích ra cho hai dự án thiện nguyện. Trong đó, với FQNg Quảng Ngãi, sẽ có ba chuyến đi từ thiện một năm: vào dịp tựu trường, tết Trung thu và tết Nguyên đán. Còn Tử tế với môi trường ở Quảng Ngãi kêu gọi tài trợ, sự hưởng ứng của cộng đồng để dọn sạch rác ở các bãi biển.
|
Nhiếp ảnh gia Alex Cao |
* Hành trình anh đi tìm vẻ đẹp thông qua những ống kính bắt đầu như thế nào?
- Tôi vào TP.HCM học tập từ năm lớp Tám, sau đó du học Thụy Sĩ ngành quản trị du lịch khách sạn. Sau khi trở về nước, tôi làm việc tại TP.HCM một thời gian, sau đó trở về quê hương cách đây khoảng mười năm, để phụ giúp quản lý công việc của gia đình trong ngành dược.
Hình ảnh quê hương lúc nào cũng khắc khoải trong tôi. Đó cũng là lý do tôi quyết định rời TP.HCM - nơi có nhiều cơ hội - để trở về Quảng Ngãi. Tôi muốn đóng góp cho quê hương, bắt đầu với các công việc thiện nguyện.
Tôi yêu biển, vì biển gắn liền với tuổi thơ và rất nhiều kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên, biển ngày càng bị “bức tử” bởi thói quen sinh hoạt của người dân, trong đó vấn đề lớn nhất là rác thải. Ngày trước, có những nơi rất sạch, có thể thoải mái tắm, nhưng giờ đây rác rất nhiều, tích tụ theo năm tháng.
Nhắc đến Quảng Ngãi, phần lớn du khách chỉ biết Lý Sơn, nhưng nơi đây vẫn còn rất nhiều cảnh đẹp. Cảnh đẹp thiên nhiên rất dễ bị tàn phá. Chỉ cần một cơn bão đi qua, hoặc tác động của con người đều dễ khiến chúng bị thay đổi, biến mất. Những điều đó thôi thúc tôi phải giữ lại được hình ảnh đẹp cho quê hương, để quảng bá ra thế giới.
* Không sự khởi đầu nào dễ dàng, đặc biệt khi thế giới nhiếp ảnh vẫn khá xa lạ với anh vào thời điểm đó…
- Khi ta yêu, đam mê, có mục đích rõ ràng, tự khắc sẽ có cách để chinh phục. Thời gian đầu, tôi loay hoay vì không biết nhiều về kỹ thuật nhiếp ảnh. Tôi dành mỗi ngày vài tiếng để đọc các tài liệu nhiếp ảnh, xem các tác phẩm đoạt giải ở các cuộc thi lớn trên thế giới. Hiện, cũng có nhiều nhiếp ảnh gia chia sẻ kiến thức, kỹ thuật chụp miễn phí trên YouTube.
|
Tác phẩm Hai chị em |
Tôi làm công việc quản lý nên có thể chủ động sắp xếp thời gian. Trước đây, tôi từng sở hữu máy ảnh nhỏ để có thể chụp lại những khoảnh khắc đẹp trong những lần đi du lịch, phượt. Tuy nhiên, khi tiến đến mục đích lớn hơn, tôi chuyển sang sử dụng máy chuyên nghiệp hơn, trong đó có flycam. Nghệ thuật nhiếp ảnh vô chừng, nên khó để nói hiện tôi đã nhuần nhuyễn các kỹ thuật hay chưa. Mỗi nhiếp ảnh gia có phong cách riêng, và tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật để mỗi bức ảnh đẹp hơn, cuốn hút hơn. Chắc chắn việc học phải diễn ra mỗi ngày.
* So với nhiều nhiếp ảnh gia khác, tuổi nghề của anh còn khá ít. Tham gia nhiều cuộc thi lớn, anh không sợ chạm trán với những tên tuổi lớn?
- Để quảng bá hình ảnh quê hương, tôi thấy các cuộc thi là điểm đến hiệu quả. Tôi gửi ảnh dự thi ở nhiều cuộc thi trong nước. Với các cuộc thi quốc tế, tôi tìm hiểu từ những người đi trước, xem thông tin ở các website gợi ý. Đôi khi, sự đầu tư cho những tác phẩm dự thi khá tốn kém.
Các cuộc thi thường quy tụ nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới tham gia. Nhưng tôi không sợ rớt. Mỗi cơ hội là một trải nghiệm. Tôi chỉ tiếc nếu mình không cố gắng, không thử, chứ không tiếc nếu không đạt kết quả cao. Nếu may mắn đạt giải, quê hương Quảng Ngãi của tôi được nhắc nhớ, đó là thành công lớn.
HIPA ra đời năm 2011, là giải thưởng nhiếp ảnh do thái tử Dubai Hamdan Bin Mohammed Bin Rashid Al Maktoum chủ trì, tôn vinh sự sáng tạo của nhiếp ảnh gia trên thế giới. Qua 11 năm, cuộc thi này quy tụ 500.000 tác phẩm dự thi của tác giả đến từ khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. |
* Mỗi chuyến đi là một cơ hội được trưởng thành. Với anh, những trải nghiệm đó như thế nào?
- Phần lớn ảnh được tôi ghi lại trong những chuyến đi thiện nguyện, hoặc trong những chuyến đi phượt, cắm trại. Khi xem lại ảnh trong những chuyến từ thiện ở vùng cao, tôi thấy hạnh phúc khó diễn tả lắm. Lúc làm, chúng tôi không nghĩ gì cả, nhưng khi nhìn lại mới thấy đã mang được niềm vui cho mọi người.
Đời sống người dân ở vùng núi quê tôi vẫn còn khó khăn. Những dịp như: tết Nguyên đán, tết Trung thu… họ khó có được quà bánh. Những đứa trẻ cũng không biết cách đón tết Trung thu của trẻ con miền xuôi. Vì thế, trong những chuyến đi, chúng tôi cố gắng mang đến cho họ những nét văn hóa, bánh kẹo, áo ấm.
Có hai bức ảnh đến nay vẫn khiến tôi nhớ. End of life (Cuối đời) tôi chụp một bà lão 80 tuổi, phải nuôi con gái bị tâm thần và cháu ngoại. Ba người phụ nữ thuộc ba thế hệ sống cùng nhau trong hoàn cảnh nghèo khó, không may mắn. Cầm máy ảnh, tôi rưng rưng.
|
Tác phẩm Ngôi nhà có trái tim hạnh phúc |
Lần nọ, tôi chụp hai đứa trẻ trên ngọn núi cao nhất ở Quảng Ngãi. Chúng tôi đi bộ ba tiếng từ chỗ xe đậu đến đó. Trời đổ mưa, hai đứa trẻ dùng những túi bánh từ thiện để che mưa. Nhìn vào ánh mắt của chúng, tôi cảm nhận được sự ấm áp rất kỳ lạ. Những chuyến đi giúp tôi thấy mình may mắn và muốn tiếp tục chia sẻ điều đó với mọi người.
Đứng trước biển tôi thấy tâm hồn mở rộng, thư thái. Khi thấy, cảm nhận được cái đẹp, lại càng hun đúc tôi tiếp tục quảng bá cái đẹp. Tôi luôn mang hy vọng khi nhìn những bức ảnh đẹp, thì mọi người càng có ý thức cùng giữ gìn.
* Công việc nhiếp ảnh mang lại sự thay đổi nào với anh?
- Việc chụp ảnh đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chờ đợi, trong khi khâu hậu kỳ cũng thử thách không kém. Mỗi nơi ở mỗi thời điểm trong ngày, mỗi mùa trong năm đều có vẻ đẹp khác nhau. Việc nắm bắt cơ hội tốt là điều tôi học được nhiều từ đam mê nhiếp ảnh.
Để lột tả hết vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, cần cái nhìn sâu, chậm rãi. Ngày trước, tôi còn trẻ, làm việc gì cũng nhanh, đôi khi ít nhìn lại phía sau. Bây giờ, tuổi ngày một lớn, cộng với trải nghiệm này, tôi bước đi chậm hơn, nhìn nhận mọi việc thấu đáo hơn.
Cảnh vật tuy không biết nói, nhưng có ngôn ngữ riêng rất quyến rũ. Con người tồn tại với rất nhiều câu chuyện thú vị về văn hóa, số phận cũng mang đến nhiều gam màu cho cuộc sống. Càng đi, tôi càng thấy quê hương mình còn nhiều điều thú vị, chưa thể khám phá hết. Những vẻ đẹp đó cần được lan tỏa, tôn vinh.
* Xin cảm ơn anh.
Trung Sơn (thực hiện)