Tại kỳ họp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - đánh giá, trong 5 năm qua, HĐND TPHCM đã ban hành 176 nghị quyết trên bốn nhóm lĩnh vực kinh tế - xã hội để xử lý những vấn đề thường xuyên hoặc phát sinh trong thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
|
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - trong một cuộc giám sát dự án giao thông |
Trong đó, nhóm nghị quyết về kinh tế, tài chính và đầu tư công đã giúp các ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; nhiều công trình, dự án được đầu tư, kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường. Nhóm nghị quyết về văn hóa - xã hội liên quan đến diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã kịp thời hỗ trợ người lao động, góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Nhóm nghị quyết về quản lý và phát triển đô thị huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường. Nhóm nghị quyết về cải cách hành chính, tổ chức bộ máy đã giúp công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính của UBND TPHCM đi vào nền nếp.
Nhờ những nỗ lực của HĐND TPHCM, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP. Thủ Đức, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành quyết định về công nhận xã Thạnh An (H.Cần Giờ) là xã đảo.
Trên cơ sở đó, kinh tế TPHCM tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,43%, đóng góp trên 22,2% cho kinh tế cả nước. Năng suất lao động bình quân của TPHCM cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên. GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, gấp 2,4 lần so với cả nước. Thu ngân sách của TPHCM luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, TPHCM vẫn đóng góp hơn 25% tổng thu ngân sách cả nước…
“Công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của TPHCM. Các thành phần kinh tế được tạo điều kiện phát triển, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước trong kinh tế của thành phố có xu hướng giảm; doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài phát triển mạnh mẽ; chất lượng hoạt động các hợp tác xã ngày càng cải thiện” - ông Phong nhận xét.
Trong nhiệm kỳ qua, đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021” đã được HĐND TPHCM khóa IX triển khai hiệu quả trong suốt nhiệm kỳ qua. Theo đó, hoạt động tiếp xúc cử tri cũng như công tác giám sát của HĐND không ngừng đổi mới, cải tiến với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo niềm tin và sự hài lòng của cử tri thông qua 6.500 cuộc tiếp xúc với hơn 100.000 lượt cử tri tham dự.
Thường trực HĐND TPHCM đã tiếp gần 700 lượt công dân liên hệ, tiếp nhận và xử lý 8.216 đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi đến qua đường bưu điện, tổ chức 124 buổi làm việc với các sở, ban, ngành, các địa phương để yêu cầu giải quyết đơn thư của công dân, sau đó tiếp tục đôn đốc các cấp có thẩm quyền xem xét, trả lời cho người dân. Nhiều vụ việc được giải quyết triệt để đã đem lại niềm tin cho người dân.
Tham dự kỳ họp, bà Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - nhận định: “Nhìn lại nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND TPHCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn. Đặc biệt, HĐND TPHCM khóa IX đã thực hiện 56 chương trình truyền hình Đối thoại cùng chính quyền thành phố, mở ra diễn đàn trao đổi dân chủ để chính quyền các cấp lắng nghe, trả lời các ý kiến, kiến nghị của người dân và tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - khẳng định, nhiệm kỳ IX của HĐND TPHCM khép lại với nhiều thành quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều vấn đề chưa đi đến đích: “Có những việc còn chưa đúng với tâm tư, ý nguyện của nhân dân. Trên tinh thần nhìn thẳng, nhìn đúng, thấy rõ những ưu điểm, hạn chế và cùng với niềm tin yêu của người dân thành phố, HĐND TPHCM sẽ tiếp tục sáng tạo, đổi mới, bền bỉ hoạt động để góp phần xây dựng TPHCM như ý nguyện của đồng bào, cử tri thành phố”.
Chín điểm nhấn của HĐND TPHCM khóa IX
1. Ban hành 318 nghị quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.
2. Thực hiện tốt cải cách hành chính và nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các kỳ họp. HĐND TPHCM là một trong những đơn vị tiên phong trong cả nước áp dụng việc tổ chức kỳ họp ít giấy.
3. Triển khai và tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
4. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, tăng cường giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các chức danh do HĐND TPHCM bầu.
5. Phát huy và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình, hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Tổng cộng có 11 phiên giải trình, chín phiên chất vấn và trả lời chất vấn của
HĐND TPHCM.
6. Thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ, đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri (theo chuyên đề, ngành, giới).
7. Tiếp công dân chu đáo, tận tình, kiên trì giải quyết hiệu quả đơn thư, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của
công dân.
8. Phát huy hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông, đặc biệt là chương trình Lắng nghe và trao đổi và chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố.
9. Công tác phối hợp với các cơ quan chu đáo, khoa học, đa dạng.
|
Chủ tịch UBND Q.1 đắc cử Phó chủ tịch HĐND TPHCM khóa IX
Kỳ họp thứ 25, HĐND TPHCM khóa IX đã giới thiệu, bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND Q.1 - làm Phó chủ tịch HĐND TPHCM với 90,91% số phiếu tán thành. Ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1972, quê ở H.Bình Chánh, TPHCM, có trình độ thạc sĩ chính trị học, cử nhân luật, cử nhân kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Ông được các đại biểu HĐND Q.1 bầu giữ chức Chủ tịch UBND Q.1 từ ngày 15/11/2018 đến nay. Ông có thời gian làm Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM khóa IX.
Theo cơ cấu, Thường trực HĐND TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 có hai phó chủ tịch. Trước đó, tại kỳ họp thứ 23, bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch HĐND TPHCM - đã được HĐND TPHCM giới thiệu để bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND TPHCM và đã đắc cử.
Giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021
Tại kỳ họp, HĐND TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã biểu quyết thông qua một số nội dung như dự thảo nghị quyết về tiếp tục thực hiện đề án “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố”; giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn TPHCM nhằm hỗ trợ người sử dụng đất bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú, TP.Thủ Đức với tổng vốn đầu tư 3.926 tỷ đồng; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với tổng vốn thực hiện 8.200 tỷ đồng.
|
Phong Vân - Tam Bình