Nhiễm khuẩn huyết vì đắp kiến ba khoang để... chữa nấm

18/10/2022 - 11:08

PNO - Nghe theo lời "truyền tai" kiến ba khoang có thể chữa nấm, nhiều người đắp loại côn trùng này phải nhập viện vì lở loét, thậm chí nhiễm khuẩn huyết.

 

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương khám cho nữ bệnh nhân viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương khám cho nữ bệnh nhân viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Bệnh nhân nhập viện vì kiến ba khoang gia tăng

Từng bị kiến ba khoang đốt và phải đi bệnh viện song mới đây, L.T.V. (19 tuổi, Hà Nội) lại bị bỏng rát vùng kín do loại côn trùng này. Nghĩ cùng loại bệnh, V. lấy thuốc cũ để bôi vào vùng tổn thương. Tuy nhiên, bệnh không những không đỡ mà các tổn thương của nam thanh niên ngày càng nặng nề, trợt loét, đau đớn khiến T. phải tới Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.

Theo nam bệnh nhân, gần đây, tại chung cư nơi mình sống cũng có rất nhiều người bị sưng rát, trợt loét da do kiến ba khoang. 

Tương tự, chị T.H. (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, buổi sáng ngủ dậy, chị thấy hơi nóng rát ở vùng gò má, gần sát mắt. Khi rửa mặt, soi gương thì thấy có vệt đỏ như vết zona. Chị đã ra cửa hàng mua thuốc về dùng nhưng không thấy đỡ mà vết thương ngày càng có nhiều mụn mủ màu trắng rồi sau đó vỡ ra, trợt da. Lo sợ vì tổn thương ở gần mắt, chị tới bệnh viện thăm khám thì được xác định viêm da tiếp xúc do tiếp xúc với kiến ba khoang.

Thống kê của bệnh viện da cho thấy, từ tháng 6 đến tháng 9/2022, có khoảng 900 bệnh nhân bị viêm da kích ứng đến khám, trong đó viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang chiếm gần một nửa.

Lý giải về số ca mắc gia tăng, các bác sĩ cho hay, hiện đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang nên loài côn trùng này xất hiện nhiều hơn. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Khi vô tình tiếp xúc phải chất độc trong cơ thể của kiến, bệnh nhân sẽ bị tổn thương da.

Gánh họa vì đắp kiến ba khoang chữa bệnh

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ (nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn)

BSCK II Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em - cho biết, bên cạnh số ca khám gia tăng, đơn vị này cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nặng do sai lầm trong điều trị. Theo đó, rất nhiều bệnh nhân không đến khám ở bệnh viện mà lại tự mua thuốc về uống và bôi. Rất nhiều người không nghĩ do tiếp xúc với kiến ba khoang mà lầm tưởng mắc bệnh Zona nên sử dụng thuốc Acyclovir để bôi và uống. Điều này vô tình làm cho tổn thương lan rộng hơn.

Một số bệnh nhân do ngứa ngáy, khó chịu cũng có thói quen chà xát, cào gãi. Với bệnh do tiếp xúc với kiến ba khoang, chất dịch chảy ra tới đâu, vết thương lan rộng tới đó nên tổn thương càng trở nên nghiêm trọng hơn. 

Đặc biệt, theo bác sĩ Thùy, có một số trường hợp chủ động… bắt kiến ba khoang vì nghe lời đồn loài côn trùng này có thể chữa bệnh. Các bệnh nhân này chủ động đi bắt kiến ba khoang, nghiền ra rồi đắp vào vùng kín bị nhiễm nấm. Sau khi loét ở vùng sinh dục, tổn thương lan rộng ra cả vùng đùi khiến bệnh nhân đau đớn và phải nhập viện. Thậm chí, có bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết.

Bác sĩ Thùy khuyến cáo người dân không nên nghe theo những phương pháp chữa bệnh không có kiểm chứng. Bên cạnh đó, chất độc trong cơ thể kiến ba khoang rất mạnh nên cần tránh tiếp xúc. Tuyệt đối không nên dùng tay để bắt, giết kiến ba khoang. Trong trường hợp lỡ tiếp xúc, cần rửa sạch da với xà phòng, nước muối hoặc cồn 70 độ, bôi thuốc mỡ làm dịu da rồi tới cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám, điều trị.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI