Nhiễm COVID-19 sau khi tiêm đủ liều vắc xin vẫn bị hội chứng kéo dài

26/05/2022 - 16:57

PNO - Trong một nghiên cứu ở Mỹ về các bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 thì có khoảng 1/3 những người bị nhiễm trùng đột phá có dấu hiệu của COVID kéo dài.

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ về hội chứng COVID-19 kéo dài cho thấy, hiện tượng này có thể xảy ra ngay cả người bị nhiễm trùng đột phá (những người đã được tiêm chủng đầy đủ mới bị nhiễm COVID-19). Trong đó, người lớn tuổi phải đối mặt với rủi ro cao hơn đối với các tác động lâu dài của hậu COVID-19.

Theo số liệu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa ra, khoảng 1/3 số người bị nhiễm trùng đột phá có dấu hiệu của COVID-19 kéo dài. Theo đó, khoảng 1 năm sau lần nhiễm coronavirus ban đầu, cứ 4 người lớn từ 65 tuổi trở lên thì có 1 người có ít nhất một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của COVID-19 kéo dài, so với 1/5 người trẻ tuổi.

COVID-19 kéo dài là tình trạng nói về các triệu chứng mà bệnh nhân COVID-19 gặp phải sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Phần lớn các triệu chứng được ghi nhận là mệt mỏi, khó thở, đau cơ, sương mù não, các vấn đề sức khỏe tâm thần, cục máu đông... tái phát hoặc xuất hiện lần đầu tiên ít nhất một tháng sau khi bị nhiễm coronavirus.

Những bệnh nhân COVID-19 kéo dài từng đến khám bao gồm những người đã được tiêm phòng và tiêm thuốc tăng cường.
Ngoài những người chưa tiêm chủng bị COVID-19 kéo sau khi nhiễm trùng thì những người đã được tiêm phòng hoặc tiêm liều tăng cường cũng khó tránh khỏi

Kể từ khi vắc xin COVID-19 ra đời, các nhà khoa học hy vọng nó sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ban đầu, giảm các bệnh nghiêm trọng đồng thời cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại COVID-19 kéo dài. Thế nhưng, nghiên cứu mới này cho thấy nó không hiệu quả tuyệt đối như ban đầu.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine đã xem xét hồ sơ y tế của hơn 3 triệu người đã được chủng ngừa vào năm ngoái tại Mỹ. Theo đó, có khoảng 1%, (gần 34.000) người đã phát triển các bệnh nhiễm trùng đột phá. Tác giả chính, Tiến sĩ Ziyad Al-Aly lưu ý rằng nghiên cứu được thực hiện trước khi biến thể Omicron rất dễ lây lan xuất hiện vào cuối năm qua và cho biết tỷ lệ nhiễm đột phá có thể đã tăng lên mà chưa được cập nhật.

Nhiễm trùng đột phá và các triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến nhất ở những người đã tiêm liều một lần của Johnson & Johnson hoặc hai liều của vắc xin Moderna hoặc Pfizer. 

Nhìn chung, có đến 32% bệnh nhân bị triệu chứng COVID-19 kéo dài đến 6 tháng sau khi bị nhiễm trùng đột phá. Con số này so với 36% số người không được tiêm phòng bị nhiễm bệnh và phát triển COVID-19 kéo dài.

Tiến sĩ Al-Aly, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington báo cáo, những triệu chứng này bao gồm cả khó thở hoặc ho dai dẳng và cục máu đông trong phổi hoặc tĩnh mạch ở chân.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Kristin Englund, người điều hành một trung tâm dành cho bệnh nhân COVID-19 tại Phòng khám Cleveland, cho biết nghiên cứu trên phản ánh đúng những gì bà đã thấy tại phòng khám của mình. Những bệnh nhân COVID-19 kéo dài từng đến phòng khám bao gồm cả những người đã được tiêm phòng đầy đủ, thậm chí là tiêm cả liều thuốc tăng cường.

"Vì chúng ta không có phương pháp điều trị rõ ràng cho bệnh COVID-19 kéo dài, nên điều quan trọng là mọi người phải tiêm phòng và sử dụng các phương pháp phòng ngừa khác như mang khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội để ngăn ngừa nhiễm COVID-19. Bởi nếu đã nhiễm COVID-19 thì rất dễ kéo theo tình trạng COVID-19 kéo dài”, Tiến sĩ Englund nói.

Thảo Nguyễn (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI