Nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch

22/07/2022 - 14:10

PNO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đã bị nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và các bệnh tim mạch.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học King's College London đã khảo sát những người đã từng bị COVID-19, kết quả cho thấy trong 12 tuần sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, các trường hợp đái tháo đường và bệnh tim mạch được phát hiện cao hơn đáng kể so với mức trung bình.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PLOS Medicine, các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ y tế của gần 430.000 bệnh nhân và nhận thấy COVID-19 làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường - hơn 81% so với mức trung bình trong 4 tuần sau khi nhiễm bệnh và giảm dần còn 27% trong 8 tuần sau đó. 

Tuy nhiên, nguy cơ mắc tiểu đường giảm nhiều sau khoảng thời gian 12 tuần, trở lại bình thường sau 23 tuần kể từ khi nhiễm bệnh.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng, những người đang hồi phục sau COVID-19 có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường bằng cách duy trì chế độ ăn uống thích hợp, quản lý trọng lượng cơ thể và tập thể dục, thể thao.

Theo tiến sĩ Rezel-Potts, người tham gia nghiên cứu, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng nên can thiệp vào tình trạng này. “Các can thiệp lâm sàng và sức khỏe cộng đồng tập trung vào việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở những người đang hồi phục sau COVID-19 về lâu dài có thể rất có lợi”, bà nói.

Ngoài ra, theo nghiên cứu trên, các bệnh tim mạch thậm chí còn phát triển phổ biến hơn nhiều. Bệnh nhân COVID-19 cấp tính có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 6 lần, chủ yếu do sự phát triển của các cục máu đông và nhịp tim không đều. Thuyên tắc phổi đặc biệt phổ biến hơn, tăng gấp 11 lần trong thời gian nhiễm virus. Trong những tuần sau khi bị nhiễm bệnh, nguy cơ phát triển các bệnh tim mới vẫn tăng lên 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh giảm từ 4-12 tuần sau khi nhiễm bệnh và trở lại mức bình thường khoảng từ 12 tuần đến một năm sau khi nhiễm bệnh.

Dù vây, các chuyên gia vẫn khuyến cáo bệnh nhân trong vòng 3 tháng sau khi nhiễm bệnh nên đến phòng khám để được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. 

“Nghiên cứu về tác động lâu dài của COVID-19 đối với sự phát triển của các bệnh tim mạch và tiểu đường sẽ cực kỳ có giá trị đối với hàng triệu người đã mắc COVID-19. Rõ ràng là cần phải cảnh giác đặc biệt trong ít nhất 3 tháng đầu tiên sau nhiễm bệnh” - giáo sư Ajay Shah, Chủ tịch Quỹ Tim mạch Anh Quốc và Trưởng khoa Điều hành Khoa Khoa học đời sống và y học tại Đại học King, cho biết.

Trọng Trí (theo JPost, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI