Nhiều vận động viên trẻ phải khổ luyện trong tủi nhục

22/07/2020 - 07:00

PNO - Để trở thành một vận động viên giỏi, ngoài tài năng, phải khổ luyện. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, đi kèm sự khổ luyện là những khổ đau, tủi nhục...

Để trở thành một vận động viên giỏi, ngoài tài năng, phải khổ luyện. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, đi kèm sự khổ luyện vì một mục tiêu cao đẹp là những khổ đau, tủi nhục không ai hay biết.

Nỗi đau sau ánh hào quang

Hôm 20/7, một tổ chức nhân quyền đưa ra báo cáo về văn hóa bạo hành thể chất và lời nói nhằm vào các vận động viên trẻ của Nhật Bản, gọi là “taibatsu”. Trả lời yêu cầu bình luận từ đài DW (Đức), Cơ quan Quản lý thể thao Nhật Bản (JSA) thừa nhận, họ thấu hiểu vấn đề nêu trong báo cáo. Cơ quan này khẳng định “taibatsu” đi ngược lại các hướng dẫn thể thao, và nhằm loại bỏ bạo lực trong thể thao, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp như đổi mới chương trình đào tạo hoặc ban hành khung hướng dẫn cho các trường học. JSA kết luận: “Chúng tôi muốn tiếp tục nỗ lực xóa bỏ bạo lực trong thể thao, bao gồm những khía cạnh được tiết lộ trong báo cáo”.

Đằng sau những thành công trên đấu trường, các vận động viên có thể phải chịu đựng áp lực về thể chất, tinh thần trong nhiều năm. Trong ảnh là Catherine Lyons, một trong những vận động viên đội thể dục dụng cụ Anh vừa lên tiếng về những lạm dụng mà cô trải qua
Đằng sau những thành công trên đấu trường, các vận động viên có thể phải chịu đựng áp lực về thể chất, tinh thần trong nhiều năm. Trong ảnh là Catherine Lyons, một trong những vận động viên đội thể dục dụng cụ Anh vừa lên tiếng về những lạm dụng mà cô trải qua

Không riêng Nhật Bản, những năm gần đây, thế giới đã biết đến hàng loạt vụ bê bối trong làng thể thao, điển hình như vụ lạm dụng tình dục trong đội thể dục dụng cụ Mỹ. Năm 2018, vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ từng giành huy chương Olympic Jamie Dantzscher đứng ra làm chứng cùng 156 phụ nữ khác rằng, Larry Nassar - bác sĩ nắn xương với 29 năm làm việc cho đội thể dục dụng cụ Mỹ - lợi dụng quá trình điều trị y tế để sàm sỡ các vận động viên trẻ suốt nhiều năm. Đáng chú ý, trong bộ phim tài liệu Athlete A kể về vụ việc (phát hành vào tháng 6/2020), cô Dantzscher thừa nhận mình “từng mong muốn được đến các buổi điều trị vì Larry là nhân viên duy nhất đối xử tốt với cô trong đội thể dục dụng cụ Mỹ”. Cuối cùng, phiên tòa năm 2018 tuyên phạt Larry Nassar 125 năm tù.

Vào tháng 7/2020, đến lượt các vận động viên thể dục dụng cụ Anh lên tiếng. Nhiều vận động viên mạnh mẽ vạch trần những vụ việc xảy ra ở đội thể dục dụng cụ Anh: bị nhốt trong tủ, bị đánh bằng gậy, bị chỉ trích và bỏ đói do tăng cân. Tất cả đều mong muốn thay đổi và yêu cầu giám đốc điều hành đội là Jane Allen phải từ chức.

Trong đó, mới đây nhất, nữ cựu vận động viên đội tuyển Anh tại Olympic Rio 2016 Ruby Harrold, 24 tuổi, cho biết, cô không muốn tìm kiếm sự thương hại mà là sự thay đổi cho thế hệ tiếp theo. Ruby kể với trang Sportsmail rằng mình từng phải nhịn ăn, nhịn uống, sử dụng thuốc xổ để ép cân theo yêu cầu. 

Cần thay đổi trước khi quá trễ

Năm 2013, một học sinh trung học 17 tuổi ở Nhật Bản đã tự sát sau khi nhận hình phạt từ giáo viên phụ trách huấn luyện đội bóng rổ. Cậu bé - người có thành tích học tập xuất sắc và là đội trưởng đội bóng rổ của trường với tương lai xán lạn - để lại bức thư tuyệt mệnh, nói rằng bản thân không thể chịu đựng thêm những hình phạt. Kết quả điều tra cho thấy, 21/50 thành viên đội bóng rổ xác nhận, họ từng bị huấn luyện viên miệt thị và đánh đập.

Vào cuối tháng 6/2020, Choi Suk-hyeon - vận động viên ba môn phối hợp đầy triển vọng của Hàn Quốc - đã gửi hai tin nhắn trước khi tự sát. Trong tin nhắn đầu tiên, cô gái 22 tuổi nhờ bạn bè chăm sóc chú chó của mình; trong tin nhắn thứ hai, cô gửi lời cảm ơn mẹ và nhờ bà “tiết lộ cho thế giới biết tội ác của “họ”. Đối với cha mẹ và các đồng đội cũ, lời nhắn của Choi về “họ” quá rõ ràng.

Sau tang lễ, gia đình phát hành một cuốn nhật ký và những bản ghi âm bí mật, trong đó ghi lại nhiều năm Choi phải chịu đựng sự lạm dụng thể chất và tâm lý dưới bàn tay của huấn luyện viên đội tuyển, bác sĩ và hai đồng đội lớn tuổi hơn. Cuốn nhật ký và bản ghi âm khơi lại cơn bão dư luận về những vụ lạm dụng tràn ngập trong cộng đồng thể thao đất nước, vốn nổi lên từ năm 2019 khi vận động viên trượt băng tốc độ hai lần đoạt Huy chương vàng Olympic - Shim Suk-hee - cáo buộc huấn luyện viên cưỡng hiếp mình nhiều lần từ năm 17 tuổi. 

Trước áp lực, Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc đã đưa ra lời xin lỗi, nhưng một lần nữa, họ chỉ nói rằng cơ quan “đang nỗ lực ngăn chặn bạo lực và tấn công tình dục để bảo vệ các vận động viên”.

Cha của Suk-hyeon - ông Choi Young-hee - lên tiếng: “Con gái tôi cảm thấy căng thẳng vì các quan chức mà con bé tìm kiếm giúp đỡ hành động như thể việc đánh đập và lạm dụng là điều hiển nhiên trong thể thao. Đất nước có thể đã tiến bộ rất nhiều trong các lĩnh vực khác, nhưng quyền con người trong các môn thể thao vẫn mắc kẹt trong tình trạng của những năm 1970-1980. Ai sẽ đem con gái tôi trở về?”.

Linh La (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI