Nhiều nguy cơ cháy nổ từ pin sạc dự phòng Trung Quốc

07/08/2020 - 15:42

PNO - Cục Quản lý thị trường Trung Quốc vừa công bố, 40% pin sạc dự phòng ở nước này không đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, loại pin này đang được bán khắp vỉa hè, cửa hàng ở TPHCM và việc quản lý chúng đang bị bỏ ngỏ.

Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Các loại pin sạc dự phòng hiện đang được rao bán với giá rẻ như cho, chỉ từ 70.000 đồng/cái, hầu hết đến từ Trung Quốc. Những loại pin này được thiết kế như một món đồ chơi, có vỏ bọc bằng nhựa nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, thông tin trên các sản phẩm này rất sơ sài, không thể hiện rõ đơn vị sản xuất, nguồn gốc, chứng nhận chất lượng… Người bán tư vấn rằng pin có thể dùng cho tất cả các loại điện thoại, trong khi thông số về dung lượng không rõ ràng.

Pin sạc dự phòng bán tại nhiều cửa hàng không hề có nhãn phụ, thông tin về nhà sản xuất, mập mờ về chất lượng
Pin sạc dự phòng bán tại nhiều cửa hàng không hề có nhãn phụ, thông tin về nhà sản xuất, mập mờ về chất lượng

Tại ngã tư đường Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong (Q.10), khoảng 15-16g hằng ngày, xuất hiện chiếc xe chở lỉnh kỉnh đủ loại pin sạc dự phòng, pin điện thoại, thẻ nhớ, tai nghe, loa… Cầm trên tay cục sạc có dòng chữ Robot, chủ xe hàng giới thiệu, đây là sản phẩm của thương hiệu Robot Việt Nam, đạt chuẩn an toàn khi đi máy bay. Dung lượng sạc đến 10.000mAh, có tám lớp bảo vệ an toàn như chống sạc quá mức, chống chập, chống quá tải, chống quá nhiệt… nhưng giá chỉ 199.000 đồng/sản phẩm. 

Giá rẻ, lại được giới thiệu của thương hiệu Robot của Việt Nam nên loại cục sạc trên được khá đông người mua, dù vỏ hộp sản phẩm chỉ có các thông số bằng tiếng Anh, không có thông tin về nhà sản xuất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cục sạc dự phòng mang thương hiệu Robot này thực chất là từ Trung Quốc, do Công ty Shenzhen Woke Technology sản xuất và Công ty TNHH Công nghệ Toàn cầu Wook Việt Nam nhập khẩu, phân phối. 

Không chỉ ngoài lề đường, tại các cửa hàng bán phụ kiện điện thoại, cũng có tình trạng lập lờ về nguồn gốc và có sự chênh lệch rất lớn về giá. Tại một số cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn trước cổng công viên Lê Thị Riêng (Q.10), nhân viên đưa ra sản phẩm của thương hiệu Energizer UE10046, được cho là hàng chính hãng của Mỹ, nhưng giá chỉ 299.000 đồng. Còn tại một điểm chuyên sửa máy tính trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, loại pin sạc dự phòng Energizer UE10046 này chỉ có giá 100.000 đồng. Trong khi đó, tại các cửa hàng như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Viettel, sản phẩm Energizer UE10046 được bán với giá 550.000 đồng. 

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Trung Quốc, 40% pin dự phòng trên thị trường có chất lượng dưới tiêu chuẩn. Qua kiểm định ba chiếc pin dự phòng tại một cửa hàng điện tử nhỏ ở TP.Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, tất cả đều kém chất lượng, không đủ dung lượng như cam kết hoặc không có dấu xác nhận sản phẩm đã được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia. Đáng lưu ý, một trong các mẫu pin dự phòng kể trên thậm chí còn có một cell (tế bào) pin không sản xuất ra điện. Nó có màu sắc khác so với các cell pin khác trong khối pin đó. Khi các nhà điều tra thử tháo ra thì phát hiện bên trong cell pin toàn là cát. Trong một cuộc điều tra trước đó, Cục QLTT Trung Quốc cũng phát hiện 41% pin dự phòng được bày bán trên các sàn thương mại điện tử ở Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn. 

Bỏ ngỏ quản lý

Trước tình trạng pin sạc dự phòng giả, nhái, trôi nổi, kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường và cảnh báo của cơ quan QLTT Trung Quốc, chúng tôi hỏi về việc kiểm tra, kiểm soát nhóm hàng nhưng Cục trưởng Cục QLTT TPHCM không trả lời, đề nghị gửi công văn qua bộ phận tiếp báo chí. 

Rất nhiều thiết bị pin, sạc điện thoại nhập lậu vào Việt Nam, tiêu chuẩn chất lượng bị bỏ ngỏ
Rất nhiều thiết bị pin, sạc điện thoại nhập lậu vào Việt Nam, tiêu chuẩn chất lượng bị bỏ ngỏ

Tại Việt Nam, từng xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn nghiêm trọng liên quan đến pin dự phòng. Theo Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM, pin sạc dự phòng thường dùng là pin lithium-polymer (Li-po) và lithium-ion (Li-ion). Các sản phẩm cao cấp thường sẽ dùng pin lithium-polymer; loại pin này có chi phí sản xuất khá cao nhưng khá an toàn. Còn pin lithium-ion thì thu hút nhiều nhà sản xuất vì có khả năng lưu trữ nhiều năng lượng trong một không gian nhỏ gọn. Loại pin lithium-ion cơ bản không nguy hiểm nhưng chính vì chứa nhiều năng lượng nên tiềm tàng nguy cơ cháy nổ hơn. 

Để cắt giảm chi phí và cho ra đời các sản phẩm pin sạc dự phòng giá rẻ, không ít hãng đã thiết kế ra các dòng pin lithium-ion rẻ tiền. Thậm chí, một số thương hiệu nhỏ còn dùng pin tái chế để đẩy giá sản phẩm xuống mức rẻ bèo, thấp hơn nhiều so với pin dự phòng của các hãng lớn. Để tăng tính năng sạc nhanh, một số nhà sản xuất đẩy điện áp cao đầu vào, nguy cơ cháy nổ càng cao. 

“Pin dự phòng giá rẻ không có bảng mạch tốt. Nếu bảng mạch không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của pin, nguy cơ cháy, nổ tăng lên. Các hãng sản xuất lớn đều tích hợp chip tự ngắt dòng điện khi sạc đầy, trong khi những cục pin giá rẻ thiếu nhiều tính năng an toàn” - ông Hoàng Minh Nam, giảng viên Trường đại học Bách Khoa TPHCM, phân tích. 

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI