Nhét pin điện tử vào mũi, bé trai 5 tuổi bị hoại tử mũi nặng nề

26/10/2023 - 12:44

PNO - Sau khi nhét pin vào mũi, bé N. bị chảy máu, nước mũi liên tục, người nhà phải đưa vào bệnh viện.

Sáng 26/10, các bác sĩ tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết vừa qua bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị hóc dị vật mũi, họng bỏ quên gây ra biến chứng nặng nề.

Trực tiếp điều trị cho bé B.M.N. (5 tuổi), thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ, khi bé trai được người nhà đưa đến bệnh viện, mũi trái của bé vẫn còn chảy máu rỉ rả, có mùi hôi…

Bác sĩ quyết định thực hiện nội soi thám sát ghi nhận bên trong mũi trái có nhiều dịch nhầy, nghi ngờ có dị vật. Tiếp tục chụp CT, kết quả thấy một vật hình tròn, bằng kim loại, kích thước khoảng 9mm. 

Do bé còn nhỏ, khó hợp tác nội soi lấy dị vật ra ngoài, ê kíp bác sĩ quyết định nội soi gây mê, lấy ra ngoài viên pin điện tử. Viên pin đã làm hoại tử niêm mạc vách ngăn, sụn mũi… của bé.

Bác sĩ Tuấn thăm khám lại cho bé N.
Bác sĩ Tuấn thăm khám lại cho bé N.

Sau phẫu thuật, mũi trái của bé đã ngưng chảy máu, hết nhiễm trùng, hoại tử, sức khỏe của bé đang phục hồi tốt. Tuy nhiên, vì bé N. đã bị thủng vách ngăn mũi nên khi lành bệnh vẫn phải đối mặt với một số biến chứng như đóng vảy mũi, ảnh hưởng thông khí dễ gây viêm mũi họng tái đi tái lại.

Còn anh P.T.G. (36 tuổi) chỉ vì mắc xương cá không điều trị đúng cách đã phải trải qua ca phẫu thuật mổ hở vùng cổ để xử lý mảnh xương.

Theo đó, 3 ngày trước nhập viện, anh G. có ăn cá diêu hồng và bị hóc xương. Anh nuốt cơm, khạc nhổ nhiều lần, ngậm viên vitamin C… tự điều trị. Tuy nhiên, anh nuốt vẫn cảm thấy đau, khàn tiếng, ăn uống khó khăn; vùng cổ bị sưng đỏ, ấn đau.

Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ nhận định dị vật dài khoảng 35mm, đang ở vùng hạ hầu, miệng thực quản phải. Dị vật đâm xuyên qua vùng cổ liên quan vùng dưới sụn giáp bên phải, đầu ngoài dị vật cách da khoảng 4mm. Qua nhiều ngày, anh G. bị viêm nhiều vùng sụn phễu, viêm xoang, hạ hầu... quyết định nội soi xử lý.

Mảnh xương cá đâm xuyên vùng cổ họng của anh G., ảnh BVCC
Mảnh xương cá đâm xuyên vùng cổ họng của anh G. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Tuy nhiên, do vị trí của mảnh xương khá nguy hiểm. Vì vậy, bác sĩ tiếp tục thực hiện mổ hở từ phía ngoài cổ của anh G. mới có thể gắp mảnh xương ra ngoài. Hiện tại, anh G. đã giảm nuốt đau, ăn uống được, không khó thở, vùng cổ giảm phù nề, đang được tiếp tục điều trị và theo dõi.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trần Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng - cho biết, trong 5 năm gần đây (từ năm 2017 - 2022) bệnh viện đã tiếp nhận 278 ca dị vật mũi, họng. Trong đó người bệnh bị dị vật là pin điện tử chiếm 65 ca. 

6 tháng đầu năm 2023, bệnh viện cũng tiếp nhận 16 ca dị vật mũi, trong đó có 2 ca là pin điện tử. Pin điện tử có tính kềm nên nơi khu trú sẽ gây loét viêm mạc, để càng lâu gây viêm. Như bệnh nhi trên, bé bị thủng vách ngăn gây di chứng sau này rất lớn. Chưa kể đến nếu pin xuống dạ dày, hay đường thở, ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ gây viêm loét rất nguy hiểm.

“Phụ huynh cần lưu ý hơn, bởi di chứng từ pin điện tử có thể theo bé đến suốt cuộc đời”, bác sĩ Minh cảnh báo.

Bên cạnh đó, bác sĩ Minh cũng khuyến cáo bất kỳ bệnh nhân dù người lớn hay trẻ nhỏ. Khi có dấu hiệu bị hóc xương, dị vật mũi, họng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý dị vật. Tránh áp dụng các phương pháp dân gian truyền miệng như cố móc dị vật, nuốt cơm, ngậm vitamin C… càng làm cho tình trạng nặng nề hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu bị hít sặc vào đường thở.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI