Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi: Mê sân khấu vì nghiệp nghề quá lớn

01/10/2023 - 09:34

PNO - Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi đang gây chú ý trên màn ảnh nhỏ với vai người mẹ thần trí không ổn định trong phim truyền hình Tình đầu của đạo diễn Lý Khắc Lynh.

Trong phim, Trịnh Kim Chi vào vai bà Nguyệt - một phu nhân giàu có nhưng bị con chồng âm mưu chiếm đoạt tài sản nên giam lỏng trong bệnh viện tâm thần. Ban đầu, bà giả vờ tâm thần để tìm cách chạy trốn. Tuy nhiên, sau 14 năm bị giam lỏng và thương nhớ con, thần trí bà cũng dần trở nên không bình thường. Để nhập vai, Trịnh Kim Chi thường xuyên để mặt mộc trong phim, tóc tai bù xù, diễn xuất thần được cả những khoảnh khắc giả vờ điên lẫn lúc tâm trí rối loạn thật sự. Trịnh Kim Chi cho biết chị bị áp lực lớn vì liên tục quay nhiều phim, phải nhập vai, thoát vai liên tục.

Nhận được nhiều phim và dù đang sống khá ổn với công việc kinh doanh nhưng nhiều năm qua, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi vẫn “bám” lấy sân khấu kịch mang tên mình cũng như công việc giảng dạy diễn xuất nhằm đào tạo nhiều thế hệ diễn viên trẻ cho lĩnh vực sân khấu điện ảnh. Trong suốt cuộc trò chuyện, chị nói nhiều về sân khấu, nghiệp nghề và cả nỗi đau đáu khi sân khấu đóng cửa ngày một nhiều kéo theo tình trạng nhiều nghệ sĩ bị thất nghiệp. Trịnh Kim Chi nói rằng sân khấu là tâm huyết, là lẽ sống mà nếu thiếu đi, chị sẽ không sống được.

Không "đổi  đời" nhờ  danh  hiệu  Á  hậu  

Phóng viên: Mặc dù từng đăng quang ngôi vị á hậu cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1994 nhưng dường như công chúng chỉ nhớ đến chị là một nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn kiêm “bà bầu”?

Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi: Thật sự thì danh hiệu á hậu đến với tôi đã quá lâu rồi. Với tôi, á hậu là danh hiệu tôi có được từ một cuộc thi sắc đẹp chứ không hẳn là bước đệm để tôi tham gia lĩnh vực nghệ thuật. Vào những năm 1990, điều đầu tiên các đạo diễn cần ở một diễn viên là kỹ năng diễn xuất và đã qua trường lớp chứ không có chuyện một hoa hậu, á hậu hay một người đẹp tay ngang được giao vai. Trong trường hợp sử dụng diễn viên tay ngang, đạo diễn sẽ mở lớp đào tạo ngắn hạn riêng để diễn viên đó vào được nhân vật trong phim.

* Nhưng thực tế là có rất nhiều người đẹp luôn tìm cách đạt được danh hiệu hoa hậu, á hậu nhằm tiến thân. Có bao giờ chị cảm thấy mình đã hoang phí cơ hội và lợi thế mà danh hiệu á hậu có thể mang lại?

- Tôi không nghĩ vậy vì tôi lựa chọn nghệ thuật chuyên nghiệp và đã được biết đến trong vai trò diễn viên trước khi trở thành á hậu. Bây giờ cũng vậy, tôi còn tồn tại trong lòng khán giả là qua các vai diễn đã đóng. Tất nhiên sắc đẹp cũng là điều rất quan trọng nên tôi luôn tự nhủ bản thân phải vừa cố gắng trong nghệ thuật, vừa cố gắng giữ gìn hình ảnh trong ký ức cũng như trong cách tiếp nhận của khán giả. Tôi cũng đã rất hào hứng khi nhận được lời mời từ ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm đó. Với tôi, danh hiệu á hậu là một kỷ niệm rất đẹp, một danh hiệu rất quan trọng trong cuộc đời. 

Trịnh Kim Chi trong vai chị Cầm bán hủ tíu gõ trong bộ phim Dưới bóng bình yên của  đạo diễn Văn Công Viễn. Phim hiện đang quay ở Vũng Tàu
Trịnh Kim Chi trong vai chị Cầm bán hủ tíu gõ trong bộ phim Dưới bóng bình yên của đạo diễn Văn Công Viễn. Phim hiện đang quay ở Vũng Tàu

* Nhiều người cho rằng nước ta đang “bội thực hoa hậu” bởi theo thống kê, có tới 30 cuộc thi nhan sắc được tổ chức mỗi năm. Chị nghĩ sao? 

- Việc tổ chức quá nhiều cuộc thi hoa hậu dẫn đến nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những mặt tích cực trong đó. Để có một cuộc thi hoa hậu đúng nghĩa là điều rất quan trọng. Mình cân nhắc chọn ra hoa hậu thì mình phải có trách nhiệm với hoa hậu. Hoa hậu cũng phải có trách nhiệm với hình ảnh của bản thân. Nó bao trùm rất nhiều trách nhiệm.

Hiện nay, các cuộc thi nhan sắc được tổ chức quá nhiều thành ra bão hòa, danh hiệu hoa hậu cũng không còn ý nghĩa. Tôi nghĩ chiếc vương miện hoa hậu là biểu tượng của cái tâm, cái tầm và cái đức. Tốp 3 thí sinh đạt giải cao nhất phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội chứ không phải có danh hiệu rồi đi làm từ thiện, trao quà là xong.

Có nhiều hoa hậu đã hết nhiệm kỳ nhưng vẫn luôn được khán giả nhớ đến vì họ hoàn thành đúng nghĩa vụ, trọng trách của một hoa hậu. Còn hiện tại, tôi thấy một số bạn trẻ không hiểu được điều đó. Tôi nghĩ ban tổ chức cần nhắc nhở để các bạn nhớ mình là ai, đang ở vị trí nào và cần làm gì. Danh hiệu đó không gắn với các bạn trong vài năm đương nhiệm mà với cả cuộc đời, cho nên sứ mệnh vẫn phải tiếp tục để xứng đáng với danh hiệu.

* Nói thẳng ra thì nhiều người vẫn mặc định việc đoạt vương miện hoa hậu là để dễ lấy chồng đại gia…

- Tôi không thích nhắc đến người đẹp là phải gắn với đại gia. Tôi thấy có một số bạn rất đẹp nhưng sống bình dị, tử tế, nghiêm túc. Chúng ta cần đánh giá một cách chính xác, đừng khắt khe quá mà tội nghiệp cho những người tử tế. Người đẹp sống tốt, sống đàng hoàng, tử tế mà có được người chồng như vậy cũng xứng đáng chứ!  

Trên phim trường bộ phim Có hẹn với nàng xuân của đạo diễn Xuân Phước. Phim hiện đang quay tại huyện Hóc Môn, TPHCM
Trên phim trường bộ phim Có hẹn với nàng xuân của đạo diễn Xuân Phước. Phim hiện đang quay tại huyện Hóc Môn, TPHCM

* Theo chị, vẻ đẹp của hoa hậu ngày xưa và nay khác nhau thế nào?

- Ở mỗi giai đoạn, mắt nhìn của khán giả mỗi khác. Ví dụ, ngày xưa người ta thích kiểu phụ nữ thân hình đầy đặn, mặt tròn phúc hậu, chân mày lá liễu… nhưng bây giờ mọi người lại thích nhìn những cô gái mình dây, mặt V-line… Nói thật, bản thân tôi cũng nhận thấy chuẩn này phù hợp hơn. Mỗi giai đoạn khác nhau thì gu thẩm mỹ khác nhau nên để đánh giá hay nhận xét chung rất khó.

Sân khấu là nghiệp 

* Cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò: “bà bầu”, diễn viên, doanh nhân, cán bộ quản lý của Hội Sân khấu TPHCM… chị là mẫu phụ nữ vì công việc hay tham công tiếc việc?

- Thật ra công việc cứ tự động đến và tôi không từ chối được. Nói tôi ôm đồm cũng đúng vì tôi mê nghề và không muốn mình rảnh rỗi. Tôi có sân khấu nhưng không thể giao hết cho người khác làm mà vẫn phải trực tiếp điều hành mọi việc. Rồi khi có vai diễn hay, tính tôi mê nghề nên đạo diễn mời là không từ chối. Khi nhận bất cứ công việc gì, nếu cảm thấy có thể làm được một cách tốt nhất thì tôi mới nhận. Công việc của tôi bận chứ không quá tải. Quan trọng là sắp xếp hợp lý. 

* Ở vị trí Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, chị có chính sách nào để góp phần hỗ trợ các sân khấu phát triển?    

- Hội Sân khấu không phải là một đơn vị có kinh phí hoặc quyết định mọi thứ về kinh phí để hỗ trợ. Đây chỉ là nơi dàn xếp những khúc mắc hoặc khi nghệ sĩ nào đó có yêu cầu về pháp lý, giấy tờ, cần được bảo vệ, hội sẽ đứng ra tư vấn hoặc hướng dẫn các bước thực hiện.

Tôi hiện đang trong Ban Chấp hành Hội Sân khấu TPHCM và phụ trách Ban Ái hữu của hội - nơi giúp đỡ các cô chú nghệ sĩ bệnh tật và có hoàn cảnh khó khăn, các anh chị em hậu đài ở các sân khấu xã hội hóa… Hầu như 100% ngân sách là kêu gọi từ các nhà hảo tâm. Hội Sân khấu hiện còn khó khăn về ngân sách, cũng vất vả trong việc có kinh phí để duy trì hoạt động nên việc có chính sách nào đó hỗ trợ cho sân khấu phát triển là ngoài khả năng.

Trịnh Kim Chi trong vở Dã tâm của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi
Trịnh Kim Chi trong vở Dã tâm của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi

* Theo chị, có hay không sự cạnh tranh ngầm giữa các “bà bầu”, “ông bầu” và sân khấu với nhau?

- Tôi có thể nói ngay là không! Hầu như tất cả sân khấu xã hội hóa đều đang hoạt động riêng lẻ và cái hay là các sân khấu đều có lực lượng diễn viên riêng nên rất tôn trọng nhau. Tôi không thấy có chuyện bị giành giật diễn viên từ sân khấu này sang sân khấu khác, thậm chí họ còn đi xem vở diễn của nhau để cổ vũ, động viên nhau. Đó là những hành xử rất văn minh trong lĩnh vực sân khấu. 

* Ánh đèn sân khấu có sức hút thế nào để chị dồn quá nhiều tâm huyết như vậy? 

- Tôi nghĩ đó là cái nghiệp. Hiện tại, sân khấu không nhiều, các sân khấu đóng cửa cũng không ít, anh chị em nghệ sĩ thất nghiệp khá nhiều. Làm được một sân khấu là mình đã quy tụ được nhiều diễn viên trẻ để các em có nơi thực hành nghề nghiệp, thể hiện những gì đã học và một số nghệ sĩ đến với sân khấu để có được những đêm diễn thăng hoa. Với nghệ sĩ, được lên sân khấu biểu diễn cho khán giả xem là hạnh phúc.

* Được biết chị còn phụ trách Trung tâm Bồi dưỡng Nghệ thuật Sân khấu. Chị có thể chia sẻ đôi chút về công tác đào tạo và truyền nghề cho thế hệ diễn viên trẻ? 

- Hiện tại, tôi đang dạy diễn xuất ở 2 nơi: Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM và Trung tâm Bồi dưỡng Nghệ thuật của Hội Sân khấu TPHCM. Điều đầu tiên và cũng là điều tôi luôn nói với các bạn là nếu theo học thì phải có đam mê, năng khiếu, yêu nghề, sự sáng tạo, tìm tòi; còn nếu không thì hãy ra ngoài tìm một nghề khác để đảm bảo tương lai của các bạn. 

Khi các bạn chọn ở lại, tôi cũng luôn nói với các bạn rằng để có vai diễn lớn thì phải bắt đầu từ những vai diễn nhỏ, phải ngồi đó đợi đến phiên mình được ra sân khấu, ngồi đó đợi được gọi thế vai… chứ không phải tự nhiên được làm đào đẹp, kép đẹp. Tôi truyền nghề, lửa đam mê, kinh nghiệm và kỹ năng diễn xuất cho các bạn, hướng dẫn các bạn khi lên sân khấu phải thế nào, ra phim ảnh thì sao, ứng xử ngoài đời thế nào là phải… Các bạn có được những yếu tố tôi yêu cầu thì bắt nhịp nhanh lắm.

Trịnh Kim Chi có thể hóa thân vào nhiều dạng nhân vật
Trịnh Kim Chi có thể hóa thân vào nhiều dạng nhân vật

* Chị có nghĩ các diễn viên trẻ đang thiếu niềm đam mê và sự hy sinh với nghề?

- Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ rất nhiệt huyết, có sự tìm tòi, sáng tạo và vươn lên học hỏi những điều mới mẻ để có thể bắt kịp guồng phát triển của nghệ thuật thế giới.

Còn khó khăn của sân khấu hiện nay có lẽ bạn cũng thấy rồi: áp lực cơm áo gạo tiền đôi khi khiến nghệ sĩ giảm động lực đến với sân khấu. Nhưng, tôi tin các bạn có đam mê thật sự với nghề sẽ hiểu được sân khấu là nơi mang đến cảm xúc thăng hoa nhất cho nghệ sĩ và chỉ khi được đứng trên sân khấu, trước khán giả, được sống cuộc đời của nhân vật… thì mọi mệt mỏi sẽ tan biến. Dù còn khó khăn nhưng nếu có đam mê, các bạn sẽ tiến rất xa về nghề.

* Chị có buồn khi học trò và đồng nghiệp của mình phải làm đủ nghề để có thể đứng trên sân khấu? 

- Có chứ. Không riêng tôi mà các anh chị diễn viên khác nhìn vào cũng xót xa về chuyện đó. Điều khiến tôi cảm kích là dù phải mưu sinh vất vả ở nhiều ngành nghề nhưng họ không vắng mặt trong bất cứ buổi tập nào; mỗi đêm diễn đều có mặt đông đủ và vẫn “cháy” hết mình với đam mê, với nhân vật của mình trên sân khấu… Tôi tin nghiệp nghề của họ quá lớn nên họ không thể rời bỏ ánh hào quang sân khấu.

* Chị thuyết phục diễn viên đi đến cùng với đam mê như thế nào khi hoạt động của sân khấu không đủ nuôi sống họ?

- Tôi không hề thuyết phục mà chỉ muốn các bạn nhìn vào thực tế. Điều tôi luôn nhắc nhở các bạn là phải có đam mê, phải biết nắm lấy cơ hội và cần thêm một chút may mắn. Để thực hiện thật tốt đam mê đó, trước tiên các bạn cần có ý thức và đạo đức. 

* Kinh tế khó khăn, chị có lo sợ một ngày nào đó sân khấu sẽ không còn tồn tại?

- Sân khấu là niềm đam mê không chỉ với riêng tôi mà còn với rất nhiều nghệ sĩ khác. Tôi cũng từng lo sợ nhưng nhanh chóng gạt nỗi sợ đó ra khỏi suy nghĩ. Tôi nghĩ mình cứ cố gắng hết sức, duy trì sân khấu được đến đâu hay đến đó chứ cứ nghĩ mãi về điều này thì đâu còn tinh thần làm việc. 

Điều đáng mừng là bây giờ sân khấu xã hội hóa ra đời cũng nhiều. Các anh chị vẫn nung nấu ý định mở thêm sân khấu, vẫn tiếp tục đào tạo, tìm kiếm diễn viên cho sân khấu, vẫn miệt mài dựng vở mới… để thỏa lòng đam mê. Như vậy là vui rồi. Còn nếu đến một lúc nào đó sân khấu thoái trào, mình cũng phải chấp nhận hiện thực. 

 

Gia đình là đích đến quan trọng nhất của người  phụ nữ 

* Ôm vào mình quá nhiều công việc, chị dành thời gian nào cho gia đình?

- Tôi mê nghệ thuật và lao vào nghệ thuật như con thiêu thân. Tôi may mắn có gia đình luôn ủng hộ, sát cánh để tôi an tâm làm nghề và có được thành quả. Nhưng dù thế nào, tôi cũng luôn ý thức được đích đến quan trọng nhất của người phụ nữ chính là gia đình. Cho nên khi nhận bất cứ công việc nào, tôi luôn cân nhắc phải làm thật tốt nhưng cũng phải tròn trách nhiệm với gia đình.

Tôi có 2 con gái - bé nhỏ 8 tuổi, bé lớn đang học kinh tế hàng không. Trộm vía, cả 2 đều ngoan. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi, các con đều có những khúc mắc về tâm sinh lý nên vợ chồng tôi đã dành thời gian nghiên cứu nhiều vấn đề theo từng giai đoạn của con. Tôi may mắn là nghệ sĩ, được học qua nhiều trường lớp và vào nhiều dạng vai nên hiểu được tâm lý nhiều nhân vật trong xã hội. Chồng tôi cũng thường đọc sách, nghiên cứu về tâm sinh lý của trẻ nên chúng tôi khá uyển chuyển trong việc nuôi dạy con.

* Chồng chị có bao giờ phàn nàn và cảm thấy khó chịu vì vợ quá ham việc? 

- Có chứ. Đôi khi anh cũng sợ tôi quên gia đình nên có nhắc khéo nhưng trên tinh thần tôn trọng nhau chứ không căng thẳng. Để có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng cũng nên có sự nhắc nhở nhau khéo léo. Chỉ cần anh nhắc khéo là tôi… tỉnh ngay. Nếu anh không ủng hộ và muốn vợ ở nhà lo bếp núc, tôi cũng đành ở nhà. May thay, chồng tôi rất tâm lý. Anh hiểu được vợ thích gì, đam mê gì và anh hỗ trợ tôi rất nhiều.

* Có mẹ là người nổi tiếng, các con của chị có ý thức được việc giữ gìn hình ảnh để không ảnh hưởng đến mẹ? 

- Con gái lớn nhiều lúc nói với tôi rằng nếu con không phải con của mẹ thì con sẽ thế này thế kia rồi. Song, tôi luôn khuyên con cứ thoải mái thể hiện vì bây giờ có rất nhiều bạn trẻ dám nghĩ dám làm, rất tự tin và cũng rất thành công chứ đừng vì mẹ mà tạo áp lực cho mình rồi không dám làm cái này cái kia. Tôi luôn để con thoải mái, miễn kết quả đừng xấu.

Cuộc sống là cho đi  

* Nếu nói Trịnh Kim Chi đi làm vì mục đích kiếm tiền thì chắc không đúng với chị?

- Hoàn toàn không có chuyện làm sân khấu để kiếm tiền, đóng phim cũng vậy. Bây giờ, nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi may mắn có được cơ sở kinh doanh của gia đình, rồi doanh thu từ spa cũng ổn, nên mới có điều kiện để làm sân khấu và hoạt động nghề, chứ nếu chỉ có sân khấu thì cực kỳ khó.  

* Người ta đổ sức lao động là để kiếm tiền lo cho cuộc sống của mình nhưng với chị thì tôi thấy ngược lại, bởi hễ có bất kỳ nghệ sĩ nào cần giúp đỡ, cái tên đầu tiên người ta nhắc đến luôn là chị… 

- Bạn nói thì tôi mới để ý. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là khi có người khó khăn mà tôi có điều kiện thì giúp. Trước giờ mỗi khi đi quay phim, đi diễn, tham gia hội nghị, sự kiện… tôi đều trích một phần cát xê để đưa vào quỹ chăm lo nghệ sĩ. Các anh chị em nghệ sĩ biết tôi có quỹ này nên ai có điều kiện thì góp vào, ngoài ra còn có một số bạn bè và người thân trong gia đình tôi đóng góp thêm. Mục đích của tôi khi tạo quỹ là để khi nghệ sĩ hoặc nơi nào cần giúp đỡ thì tôi hỗ trợ được ngay. Tôi tâm niệm giúp được gì thì sẽ giúp trong khả năng.

* Nếu được nói về mong muốn lớn nhất của chị lúc này thì đó là gì? 

- Gia đình êm ấm, bình an; công việc ổn định. Thật sự thì sau dịch COVID-19, công việc của tôi bị ảnh hưởng nhiều, công ty chồng tôi cũng vậy. Tôi cố gắng vượt qua giai đoạn này, hy vọng mọi thứ sớm trở lại bình thường.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

 

Mai  Thi (thực hiện) 

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI