Nhảy khỏi nhà cao tầng đang cháy thế nào để chấn thương nhẹ nhất

24/03/2018 - 20:27

PNO - Ít nhất một trường hợp tử vong khi tìm cách thoát khỏi căn hộ ở tầng cao trong vụ cháy chung cư Carina. Điều này cho thấy trong lúc bấn loạn, lựa chọn sai lối thoát có thể dẫn đến cái chết.

Trong vụ cháy chung cư Carina tại quận 8, TP.HCM, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong 13 trường hợp tử vong, có 12 trường hợp chết do ngạt, cháy và 1 trường hợp do nhảy lầu.

Một phụ nữ 52 tuổi ở tầng 19 block B tìm cách xuống đất thì bị tuột tay rơi xuống sân từ tầng 15. Một số thông tin cho rằng bà đã xuống bằng thang dây, một số khác cho rằng xuống bằng sợi dây buộc bằng vải… Người phụ nữ này bị bệnh tim.

Nhay khoi nha cao tang dang chay the nao de chan thuong nhe nhat
Một nạn nhân may mắn sống sót trong vụ cháy chung cư Carina

Một trường hợp khác bị chấn thương khi nhảy xuống, hiện đang được chăm sóc tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Triều An. Theo báo cáo của Sở Y tế, nạn nhân này được theo dõi lún trượt cột sống do nhảy từ tầng 2 chung cư Carina.

Tuy nhiên, chiều 24/3, Bệnh viện Triều An xác nhận người này bị gãy xương chậu phải. Nạn nhân là một người đàn ông 59 tuổi.

Độ cao 5m đã có thể gây chấn thương

Bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, Phòng điều hành, Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM) cho biết, nếu rơi từ độ cao khoảng 5m, nạn nhân đã có thể bị chấn thương, dù phía dưới có kê nệm. Tuy nhiên, chấn thương nặng hay nhẹ tùy thuộc vào việc người đó có chủ động hay bị động.

Nếu chủ động nhảy, chấn thương nhẹ hơn. Còn nếu bị rơi, ở khoảng cách 5m vẫn có thể tử vong ngay lập tức.

Nhay khoi nha cao tang dang chay the nao de chan thuong nhe nhat
Bác sĩ kiểm tra đường hô hấp cho ông Châu Minh, một nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina

Theo bác sĩ Tuệ, nếu buộc phải nhảy trong trường hợp này, nên chọn cách tiếp đất bằng mũi chân, sau đó cúi người lộn một vòng để giảm bớt chấn động. Không nên nhảy đứng thẳng, tiếp đất bằng gót chân.

Bác sĩ Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM phân tích, khi nhảy từ độ cao xuống hoặc trong các vụ tai nạn té giàn giáo, nạn nhân thường bị đa chấn thương, trong đó tổn thương về cột sống là rất nặng.

Độ cao từ tầng 2 của các chung cư xuống mặt đất hiện nay vào khoảng 10-13m. Ở độ cao này, theo các bác sĩ, nhảy trực tiếp xuống mặt đất, chấn thương cột sống là không thể tránh khỏi.

Theo bác sĩ Võ Hòa Khánh, những trường hợp gãy cột sống cổ thường dẫn đến tử vong ngay lập tức: “Cột sống cổ có 7 đốt. Chỉ cần gãy đốt sống số 1 và 2 là tử vong ngay do ức chế hô hấp. Nếu gãy các đốt khác có thể liệt tứ chi, không tự chủ tiểu tiện”.

Nhay khoi nha cao tang dang chay the nao de chan thuong nhe nhat
Chăm sóc một bé gái 6 tuổi trong vụ cháy chung cư Carina

Ngoài ra, cột sống ở vùng linh động (vùng cúi gập được) sẽ bị gãy trước tiên. Chẳng hạn, khi đầu tiếp đất sẽ gãy cột sống cổ. Khi gót chân tiếp đất sẽ gãy xương gót và gãy cột sống thắt lưng. Ngoài ra còn bị gãy cột sống ở vùng bản lề (nơi cột sống uốn lượn, chuyển hướng từ lồi sang lõm) như cột sống ngực, thắt lưng… vì vùng này rất yếu.

Không giống như gãy tay chân, dây thần kinh đi trong ống sống nên khi gãy cột sống, dây thần kinh bị dập, dẫn đến bị liệt...

Trong vụ cháy chung cư Carina, theo điều dưỡng Nguyễn Châu Sơn, Trung tâm cấp cứu 115 – người có mặt cấp cứu trong đêm 23/3, cho biết số người chọn phương án nhảy xuống chỉ vài người. Khi đó, họ chọn giải pháp đu dây xuống thật gần mặt đất rồi nhảy xuống nệm bên dưới. Vì thế, số người bị chấn thương nặng do nhảy lầu trong vụ Carina không nhiều.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI