Nhậu + Vợ cằn nhằn = Đánh

31/05/2017 - 17:06

PNO - Vết thương vẫn chưa biết bao giờ lành, thế nhưng chị nói chị vẫn không giận chồng, bởi do buồn vì nghèo khổ rồi “ông ấy” cộc cằn.

Khi nghe tôi hỏi thăm “nhà chị L. ve chai”, người bị chồng dùng cây phang vỡ đầu trong clip dân mạng đang chia sẻ mấy ngày nay, bà Hai N. bán tạp hóa sốt sắng: “Con L. dễ thương, hiền lành lắm. Vậy mà thằng chồng trời ơi, cứ nhậu miết, nhậu thì vợ cằn nhằn. Cằn nhằn thì nó đánh…”.

Nhau + Vo can nhan = Danh
Hình ảnh chị L. bị chồng bạo hành được chia sẻ trên mạng

Phạt... cho có

Tiếp chúng tôi trước căn nhà không thể lụp xụp hơn nữa, chị Lê Thị L. (ngụ P.4, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) quẹt nước mắt nói: “Bữa đó, khoảng 3 giờ chiều, ổng đi làm về (anh  Đ.V.T. - chồng chị L. - phụ việc ở một cơ sở nước đá) rồi bày mâm nhậu, kêu thêm bạn bè chòm xóm tới nhập cuộc. Tôi bực quá, vì lo cho mình ổng đã mệt rồi, giờ còn phải lo mồi cho bạn bè ổng nữa nên tôi có cằn nhằn mấy câu. Vậy là sẵn cây gỗ tràm, ổng quất lên đầu tôi luôn vì “tội” dám cằn nhằn”.

Thấy máu me, bà con chòm xóm xúm lại, người can ngăn anh T., người gọi công an phường tới, người đưa chị L. đi cấp cứu, phải khâu mấy mũi.

Công an đến, anh T. bị bắt viết tường trình, anh bị phạt 700.000đ do bạo hành gia đình, nhưng công an phải… ghi nợ vì anh T. nghèo quá, không có tiền nộp phạt. Ông Nguyễn Chí Trung - Trưởng công an KP.4 lắc đầu: “Nói tới cái nhà đó là tụi tui đau đầu. Phạt cho có thôi chứ ổng làm gì có tiền mà nộp… Chuyện nhà người ta cũng khó can thiệp lắm, hồi mình tới thì họ hứa hẹn không tái phạm, chứ lúc mình về biết đâu còn bị “đánh bù cái tội méc công an” nữa”.

Không lối thoát

Sinh năm 1975 nhưng trông chị L. già hơn tuổi rất nhiều, vì cuộc sống cơ cực và chị bị chứng suyễn từ nhỏ. Anh T. hơn vợ một tuổi, không có nghề nghiệp ổn định, chỉ đi làm thuê, nhưng ngày làm ít hơn ngày nghỉ, mà lúc nghỉ thì bày mâm nhậu. Chị L. thể chất yếu nên sau khi sinh một đứa con thì không thể nuôi nổi, nên phải gửi cho em gái nuôi. Ngày ngày chị đi lượm ve chai, mỗi tuần gom bán một lần, được 250.000đ.

Căn nhà vợ chồng chị L. đang ở là nhà tình thương, đã xuống cấp trầm trọng. Nhà rất hẹp do cất trên khoảnh đất hình chữ V mà anh em anh T. cho “ở đậu”. Quanh nhà là những đụn ve chai to nhỏ, xanh đỏ của bọc ni lông, chai nước suối, thùng giấy, những chiếc ti vi bể mặt kính…

Mắc bệnh suyễn từ năm ba tuổi nhưng gia đình đông anh em, cha mẹ lại mất sớm nên chị L. không được chữa bệnh. Ai chỉ bày thuốc Nam, thuốc Tây gì chị cứ mua uống rồi “lướt” tới chừng nào hay chừng nấy.

Những sợi tóc bạc đã bắt đầu pha màu muối tiêu trên đầu người phụ nữ 42 tuổi. Cục bông băng chỗ vết thương vẫn còn bết dính vào tóc và chút máu rịn ra đã xám đen. Chị rưng rưng nước mắt, xoa xoa đôi bàn tay nhăn nheo đầy mụn cóc, bảo rằng mấy ngày nay phải ngồi nhà, không đi lượm ve chai được nên không biết nay mai lấy gì mà ăn. Hôm nào anh T. đi làm thì sẽ được trả 120.000đ, nhưng số tiền đó hiếm khi chị được cầm. 

Căn nhà âm ẩm mùi ve chai, mùi quần áo lưu cữu và chút bùn đọng của những ngày mưa chưa ngớt càng tăng thêm vẻ nghèo nàn và mệt mỏi của người phụ nữ bất hạnh. Vết thương vẫn chưa biết bao giờ lành, thế nhưng chị nói chị vẫn không giận chồng, bởi có lẽ do buồn vì cảnh nghèo khổ rồi “ông ấy” sinh ra cộc cằn vậy (?).

Tiễn khách về, chị L. nói rằng giờ ước mơ duy nhất của chị là vết thương mau lành, rồi có chiếc xe đạp, có chút vốn để đi mua ve chai, kiếm 100.000đ mỗi ngày, cuộc sống chắc sẽ khá hơn. “Chứ từ nào tới giờ chị toàn đi bộ không à!”. Mong ước của chị thật nhỏ nhoi nhưng khiến lòng tôi chát đắng.

Trao đổi vấn đề của chị Lê Thị L. với chị Lưu Thị Kim Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ P.4, TP.Tây Ninh, chị Hoa cho biết: “Cái khó là họ nghèo thật, nhưng vợ chồng đều trong lứa tuổi lao động nên không thể áp dụng được chính sách. Còn về nguyện vọng có xe đạp và chút vốn đi mua ve chai, chúng tôi sẽ nghiên cứu giải quyết trong thời gian sớm nhất”. 

Kim Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI