Nhậu sao cho vui?

30/07/2023 - 20:41

PNO - Khải về làm rể mới biết gia đình vợ có văn hóa nhậu “giặm”. Đó là chầu nhậu ngoài đám tiệc chính.

Nhậu “giặm” thường là ở bên ngoài quán, cũng có khi ở nhà nào đó, nhưng tuyệt nhiên phải khác nhà tổ chức đám tiệc chính. Khi ấy, cánh đàn ông “set kèo” sẵn, chỉ cần xong tiệc chính là thẳng tiến đến điểm hẹn.

Cũng chỉ lòng vòng anh em, người nhà với nhau, nên cuộc nói chuyện ở bữa nhậu phụ rất cởi mở, thoải mái, không câu nệ vai vế. Đó là lúc có không gian tự do nên yên tâm nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mà không bị cắt ngang bởi chuyện gì khác. Vì vậy mà chầu nhậu “giặm” mới thực sự thu hút cánh đàn ông trong nhà mỗi khi sum họp gia đình.

Khải cũng bị cuốn vào ngay những chầu nhậu “giặm”, vừa thoải mái, lại có cơ hội hiểu thêm về họ hàng. Rõ ràng là những chầu nhậu “giặm” giúp sự gắn kết với bên ngoại tốt hơn, có đi đám tiệc sau này cũng không bị lẻ loi.

Nhậu dặm vừa thoải mái, lại có cơ hội hiểu thêm về họ hàng (ảnh minh họa)
Nhậu "giặm" vừa thoải mái, lại có cơ hội hiểu thêm về họ hàng (ảnh minh họa)

Nhưng lần nhậu sum họp này, Khải theo dõi từ xa mà cũng cảm nhận không khí rời rạc. Một cậu em trong gia đình vắng mặt trong chầu nhậu “giặm”, làm không khí chùng xuống. Hỏi ra mới biết, trên bàn nhậu, giữa những người anh em đã xảy ra chuyện không hài lòng.

Đàn ông tính tình ra sao cũng thể hiện ngay trên bàn nhậu. Người xởi lởi, người tính toán, keo kiệt, người o ép, thấy ai hiền lấn tới… có đủ cả. Và họ cũng nhìn ra "chân tướng" nhau. Có người khi đến bàn nhậu, thích gọi thêm bạn bè ra cho đông vui. Lúc gọi thì hồn nhiên vậy, nhưng gần đến lúc tính tiền thì “chuồn êm”. Hôm sau gặp nhau nói cười hỉ hả như chưa có chuyện gì.

Cậu em ấy vốn tính cả nể, nghĩ bụng toàn anh em trong nhà, ai lại tính toán tiền bạc, mất tình cảm. Nhưng một lần không sao, thêm vài lần tương tự thành ra ức chế mà không dám nói thẳng, sợ mất lòng. Vì dù gì mình cũng là "rể nhỏ", vả lại đều là người nhà, còn qua lại lâu dài. Dù muốn dù không đến đám tiệc vẫn quy tụ một nhà, chẳng lẽ làm lớn chuyện rồi không gặp nhau nữa chỉ vì chuyện tiền bạc ở chầu nhậu, thành ra cậu em từ đó không muốn đàn đúm nữa. Sau tiệc chính là cậu kiếm cớ bỏ về. Nhưng do đã hình thành mối quan hệ từ những bàn nhậu, khi rút khỏi đó, anh em gặp nhau bên ngoài cũng thấy... sao sao, không thân tình như trước. 

Cũng trong cuộc nhậu, người trong cuộc thường thích gọi cho đủ mặt anh em, có người gọi là tới, được tiếng hết lòng với anh em, nhưng đến khi chung chi lại năm lần bảy lượt… cười trừ, nghĩ rằng "nó gọi mình ra thì nó phải lo".

Hồn nhiên hơn nữa, có người mặc định ai kiếm tiền nhiều hơn sẽ lo phần chi tiền, mình có mặt góp vui là được rồi. Họ nghĩ, những anh em có chút địa vị như giám đốc nọ, trưởng phòng kia, lương tháng vài chục triệu thì tính toán gì một vài triệu cho chầu nhậu bé tí… thế nên những vị "vài chục triệu" ấy chỉ biết cười méo mặt khi cầm hóa đơn thanh toán. Vui thì vui đấy, nhưng có cái gì đó lấn cấn trong lòng.

Nếu như anh em trong nhà đừng quá “vô tư” quá, biết nghĩ cho nhau một chút thì những bữa tiệc sum họp cũng có sự mong chờ, gắn kết hơn (ảnh minh họa)
Nếu như anh em trong nhà đừng “vô tư” quá, biết nghĩ cho nhau một chút thì những bữa tiệc sum họp sẽ chỉ giúp vui vẻ, gắn kết hơn (ảnh minh họa)

Dù tiền bạc rủng rỉnh cỡ nào, cũng là tiền mồ hôi, công sức họ nỗ lực có được. Chưa kể, ai cũng nhiều thứ khác phải chi, nên tiền nhậu cùng anh em cũng nằm trong ngân quỹ cố định, và cần có sự hợp lý. Chẳng hạn nếu anh em nào khó khăn hơn, họ vẫn vui vẻ chia phần nhiều hơn, nhưng để một vài người gánh cho cả chục người, cũng "oằn vai" chứ không phải đùa.

Khải nghe một số chuyện của người nhà, chỉ biết thở dài. Thôi thì mỗi người mỗi tính, hợp thì ngồi lại với nhau. Khi đã ngồi, cái đầu phải hết sức thả lỏng mới có phút giây thư thái, chứ còn lăn tăn những chuyện khác thì mất vui.

Khải nghĩ, để tiền chen vào làm ảnh hưởng cuộc vui, nhất là ảnh hưởng mối quan hệ là điều đáng tiếc. Phải chi ai cũng biết nghĩ cho người khác, thì mối quan hệ sẽ gắn bó hơn, anh em họ hàng khăng khít nhau hơn, những bữa tiệc sum họp cũng có sự mong chờ, gắn kết hơn.

Suy cho cùng, cánh đàn ông cũng cần những không gian trên bàn nhậu, để tách biệt với công việc, vợ con, gia đình… một cách lành mạnh, đâu ai chê trách gì?

An Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI