Nhất thiết phải giữ tam nông trong thành phố

10/06/2023 - 06:30

PNO - Việc giữ lại nông thôn trong đô thị là tạo công ăn việc làm cho những người yêu nghề nông truyền thống.

 

Vườn cây trái ở xã Trung An, huyện Củ Chi. Ven sông Sài Gòn, nhiều vườn đã bị thay bằng biệt thự, nhà hàng ven sông - Ảnh: S.V.
Vườn cây trái ở xã Trung An, huyện Củ Chi. Ven sông Sài Gòn, nhiều vườn đã bị thay bằng biệt thự, nhà hàng ven sông - Ảnh: S.V.

Phải thành thật thừa nhận rằng, có một thời, các tỉnh, thành của Việt Nam say sưa với đô thị hóa nhanh theo chiều rộng. Nếu năm 2000, cả nước có 630 điểm dân cư đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 21,3% thì năm 2022, cả nước có gần 900 đô thị các loại và tỉ lệ đô thị hóa là 42% (tương đương với Thái Lan, Malaysia, Philippines - những nước đô thị hóa trước Việt Nam 30 năm). 

Đô thị hóa đồng nghĩa với thu hẹp, giảm dần tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) để chuyển từ nông dân sang thị dân, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ làng xã sang phố phường. Trong tiến trình này, có một câu hỏi cực kỳ quan trọng là tam nông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM sẽ như thế nào?

Chúng ta đã nhận thức chưa đầy đủ về đô thị hóa. Đô thị hóa không phải chỉ là gia tăng số lượng điểm dân cư đô thị, gia tăng tỉ lệ người dân sống ở các thành phố, gia tăng tỉ lệ bê tông hóa, xây dựng thật nhiều công trình mà còn một nội dung quan trọng khác nữa là đưa văn minh đô thị, điều kiện sống hiện đại đến với nông thôn và không nhất thiết phải chuyển hóa nông thôn thành đô thị. 

Từ năm 1990, các vùng đô thị của Nhật Bản như Tokyo, Osaka, Yokohama đã tái cấu trúc lại vành đai ngoại thành, phục hồi các làng nông nghiệp truyền thống đã bị mất trong quá trình đô thị hóa quá nhanh. Năm 1995, Hàn Quốc cũng xây dựng chương trình quốc gia mang tên là Saemaul Undong nhằm phục hồi vành đai nông nghiệp ngoại thành bị xóa sổ sau hơn 40 năm đô thị hóa nhanh.

TPHCM có 5 huyện ngoại thành, nhưng có 2 huyện không còn nhiều đất nông nghiệp là Bình Chánh và Nhà Bè, 3 huyện còn lại có tỉ lệ đất nông nghiệp trên 50% và khoảng trên 40% dân số làm nông nghiệp. Theo niên giám thống kê của TPHCM năm 2021, toàn thành phố còn 942.988 người làm nông nghiệp.

Vành đai nông nghiệp được coi là phần da, mỡ bảo vệ cơ thể đô thị. Ngoại thành là nơi dự trữ đất cho thế hệ mai sau. Nếu hôm nay bê tông hóa toàn bộ bề mặt thành phố thì thế hệ con cháu mai sau có ý tưởng mới, công nghệ, kỹ thuật mới cũng không còn đất để thi triển. Tất cả các thành phố lớn đều giữ lại một vùng đất rất lớn để làm nông nghiệp, rừng sinh thái, làm đất dự trữ chiến lược.

Ngoại thành chính là nơi lưu giữ và phát triển văn hóa bản địa lâu đời của thành phố. Nếu vùng lõi TPHCM và TP Hà Nội là nơi mang đậm dấu ấn phương Tây và văn hóa quốc tế thì vùng ngoại thành chính là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống bản địa. Nếu vùng văn hóa Nam Bộ ở ngoại thành còn giữ được thì khách du lịch còn nhìn thấy bóng dáng 18 thôn vườn trầu, còn được nghe đờn ca tài tử, còn nhìn thấy đình chùa, miếu mạo, những rừng cây nước lợ Cần Giờ và rừng tự nhiên Củ Chi.

Ngoại thành là nơi nông dân còn muốn làm nông nghiệp và duy trì đời sống bình yên kiểu xóm làng. Việc giữ lại nông thôn trong đô thị là tạo công ăn việc làm cho những người yêu nghề nông truyền thống bởi đất đai thành khu công nghiệp hết thì nông dân - nhất là thanh niên thích làm nông nghiệp - biết trôi dạt về đâu? 

Ngoại thành là nơi nghỉ ngắn cuối tuần cho hàng triệu người dân thành phố. Có một thực tế là người dân TPHCM thiếu nơi nghỉ ngơi, thư giãn ngắn ngày. Nghỉ dài ngày thì còn đi đây đi đó, cuối tuần thì người già, trẻ nhỏ không có chỗ chơi.  

Ngoại thành là nơi phát triển vành đai xanh, mảng xanh. Hiện nay, TPHCM có tỉ lệ cây xanh trên đầu người thấp nhất thế giới, chỉ có 0,7m2. Vành đai nông nghiệp ngoại thành chính là nơi gia tăng mảng xanh của thành phố lên mức tiêu chuẩn. 

Tam nông cần được giữ lại, nhưng tỉ lệ bao nhiêu và mô hình như thế nào thì cần phải bàn thảo thật kỹ để có một chiến lược đúng và cần có một quyết tâm chính trị xuyên qua nhiều nhiệm kỳ. Bởi lẽ, có những thứ nếu mất đi rồi thì không sao tìm lại được.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa
Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM    

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI