Đồng nghiệp đi Trường Sa về, mở ba-lô lấy tặng tôi hai viên đá cuội khá lớn. Cậu nói: “Giữ làm kỷ niệm đi chị. Đất quý đất yêu, thiêng liêng lắm”.
Tôi xúc động theo cậu trai trẻ, trân quý lắm tình cảm của cậu nhưng tôi vẫn phản đối: “Cậu nghĩ sao mà ra Trường Sa nhặt đá mang về? Nếu ai ra biển cũng nhặt đá về như thế này thì đảo của chúng ta sẽ ra sao? Người ta còn phải góp từng viên gạch chuyển ra Trường Sa mà”.
Cậu đồng nghiệp ngẩn người. Quả thật cậu chưa từng nghĩ việc nhặt vài viên sỏi lại hệ trọng đến vậy.
Mù mờ kiến thức về môi trường
Gần đây, việc một clip du lịch của hai ca sĩ Quang Vinh và Trương Quỳnh Anh có chi tiết nhạy cảm với môi trường gây xôn xao cộng đồng mạng thêm một lần nữa khiến nhiều người giật mình. Lên án hai ca sĩ vô tư ngồi lên rạn san hô còn sống nhưng nhiều người cũng ngơ ngác bày tỏ rằng, nếu mình đi biển mà gặp "mỏm đá" giống thế có khi cũng vô tư ngồi lên.
Hai bức tâm thư xin lỗi cộng đồng của hai ca sĩ cũng cho thấy họ không hề cố ý gây hại hay làm nổi, mà chỉ do thiếu hiểu biết về sinh vật biển. Ngoài ra, cả một ê-kíp hùng hậu các biên tập viên, đạo diễn… phía sau clip đó cũng mù mờ kiến thức môi trường, nên mới để lọt lỗi như vậy. Rõ ràng chúng ta còn hiểu quá ít về biển.
Thực tế, nếu thử làm một bản khảo sát bạn bè về kiến thức bảo vệ biển, bạn sẽ thấy nhiều người không phân biệt được khai thác với hủy hoại. Sống ở đất nước hơn 3.000km bờ biển nhưng đa số nghĩ bảo vệ môi trường biển chỉ đồng nghĩa là không xả rác hay thải nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra biển.
|
Giữ cho đáy biển luôn sạch đẹp cũng là bổn phận của mỗi cá nhân trên hành tinh này. Ảnh: Internet |
Mỗi năm đi du lịch biển một đôi lần, hầu hết chúng ta có suy nghĩ thoải mái rằng, những thứ của thiên nhiên như cát, đá, san hô, ốc, sò… là món quà của biển, là vô tận, có thể sử dụng theo bất kỳ cách nào. Mới đây, trường hợp chú cá vẹt (parrot fish) "lên sóng" sau tấm ảnh một ngư dân khoe đánh bắt được cá cũng cho thấy tình trạng tương tự.
Cá vẹt là loài đang trong danh mục cần được bảo vệ. Báo cáo của các chuyên gia hàng đầu kết luận rằng những rạn san hô khỏe mạnh nhất cần tồn tại song hành với những quần thể cá vẹt đông đúc. Bởi mỗi con cá vẹt có thể tạo ra tới 320kg cát sạch mỗi năm, nhờ ăn san hô chết, hệt như một công nhân môi trường chăm chỉ. Và cát sạch là nguồn chất khoáng rất quan trọng để san hô mới hình thành, phát triển.
Vậy nhưng, rà lại thực đơn hải sản các quán nhậu biển ở Nha Trang, có người giật mình cho biết có món cá vẹt!
Vô tư đầu độc biển
Trở lại chuyện cậu đồng nghiệp nhặt sỏi ở Trường Sa. Nếu hành động của cậu xảy ra ở bãi biển Amroth ở Pembrokeshire (Anh quốc), hành động ấy có thể bị truy tố theo Đạo luật Bảo vệ bờ biển. Những viên đá cuội nhỏ bé trên bãi biển này là một phần của hệ thống phòng thủ trên biển quan trọng. Lấy sỏi biển là một tội ác và người phạm tội phải đối mặt với khoản tiền phạt gần 1.300 USD. Hành động này cũng mang tới mức phạt tương tự nếu du khách nhặt sỏi trên bãi biển Skiathos - một hòn đảo ở Hy Lạp.
Có lẽ người Việt chúng ta còn quá xa lạ với những dòng thông tin trên, cả khi bạn sống và lớn lên ngay bờ biển.
Lần nọ, đi xem nhà đất ở một làng ven biển cách thành phố Phan Thiết chừng 5km, tôi được người bán bất động sản chào mời rằng, tôi có thể đổ bê tông, lấp đá để kè rộng ra, cho bờ biển đẹp, vững và diện tích đất “sinh sôi”. Nhìn sang các nhà hàng xóm của khu đất, quả thật, hộ nào cũng đã xây kè bê tông hoặc cắm cừ tràm lấn xa ra biển. Vài mét hay vài chục mét tùy theo khả năng tài chính của họ. Việc này đã diễn ra hàng chục năm nay và không ai nghĩ việc đó tác động bất tự nhiên lên sự bồi lấp hay xói mòn của địa chất bờ biển, có thể ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ tự nhiên của biển.
Vậy nguyên nhân sâu xa khiến ai cũng có các lỗ hổng kiến thức môi trường là gì? Theo tôi, đó là giáo dục trong nhà trường chưa đủ, ở gia đình chưa đủ và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông cũng chưa đủ.
Con người vẫn vô tư đầu độc biển mà không nhận thấy hành động của mình là tội ác. Ảnh: Internet |
|
Có vài lần lên mạng tìm kiếm các tổ chức bảo vệ sinh vật, môi trường để đọc thông tin, tôi thấy không những ít ỏi mà còn nghèo nàn nội dung và hình thức. Đa số kiến thức môi trường biển tôi lĩnh hội được chủ yếu từ các bài báo tiếng Anh, các kênh truyền hình thú vị như National Geographic. Các chương trình bảo vệ môi trường biển và sinh vật biển cũng chủ yếu từ những ngôi sao showbiz nước ngoài mà họ làm đại diện hình ảnh.
Mấy năm gần đây, các trào lưu liên quan tới môi trường như: không túi ni-lông, không ống hút nhựa, chống biến đổi khí hậu… sôi động hơn, khiến thế hệ thanh thiếu niên đang có ý thức rất tốt về rác thải và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, từ nhận thức tới hành động cũng còn khoảng cách rất xa.
Tôi nhớ mãi ấn tượng của mình khi bước chân tới một điểm lặn san hô đẹp nhất thế giới ở đảo Coron, Philippines. Biển ở đây sạch tinh tươm, nơi nào cũng có thùng rác để sẵn nên bạn khó tìm ra một cọng rác vương vãi. Dịch vụ du lịch ở điểm tham quan biển nổi tiếng này giữ bản sắc riêng, nhìn qua thì rất giản dị nhưng thực tế lại chuyên nghiệp tới từng chi tiết nhỏ.
Ví như khi đang chỉ chúng tôi xem các tầng hóa thạch tuyệt đẹp của đáy vực nước Skeleton, đột nhiên cậu hướng dẫn viên (cũng là một thợ lặn chuyên nghiệp) giao thêm dây phao, đưa chúng tôi lên một tảng đá phẳng để ngồi và xin phép rời đi 3 phút. Tò mò, tôi đeo mặt nạ dưỡng khí để chúi đầu xuống nước xem cậu ấy đi đâu. Dưới làn nước trong vắt, tôi thấy cậu nhào sâu xuống đáy biển, nhặt một vỏ lon nước ngọt mang lên, rồi bơi đi khá xa, bỏ vào thùng rác trên bờ.
Tôi hỏi chuyện cậu hướng dẫn viên ấy. Cậu nói tất cả dân làng cậu thấy rác đều làm thế. Ý thức bảo vệ biển được nhắc từ khi các cậu bé, cô bé còn nhỏ, chạy chơi ngoài bãi cát. Lớn lên, theo nghề hướng dẫn du lịch, cậu cũng được đào tạo những kinh nghiệm xử lý rác do du khách bất cẩn thải ra hoặc những vị khách thiếu ý thức quăng bừa bãi. “Biển cho chúng tôi cuộc sống, cho thu nhập; nếu không bảo vệ biển sạch đẹp, chúng tôi sẽ đói nghèo”, cậu nói.
Cậu hướng dẫn viên trẻ xứ người làm tôi nhớ tới khoảnh khắc lặn biển ở Kỳ Co (tỉnh Bình Định).
Khi cùng con trai chúi đầu xuống nước xem san hô và đàn cá đa sắc bơi lội, tôi trào dâng niềm tự hào, vui mừng vì thấy san hô của biển Việt Nam rất đẹp, các loại cá đẹp chẳng thua gì ở các điểm du lịch biển nổi tiếng thế giới.
Tuy nhiên, lặn sâu xuống vài mét, sự khác biệt rất rõ: đáy biển đầy rác.
Tôi gặp vô số “người quen”, từ vỏ hộp xốp, ly nước nhựa, lon nước ngọt, vỏ hộp sữa, khăn giấy nằm lăn lóc trên các tảng rêu phẳng… Kết thúc tour lặn, tôi hỏi người chủ bè cho thuê dụng cụ lặn, rằng sao không ai dọn rác đáy biển, để khách đang ngắm san hô đẹp thì… mất hứng.
Anh trả lời cùng nụ cười vô tư: “Bọn em có đặt thùng rác trên bè đây này nhưng khách họ cứ thích trải nghiệm cảm giác quăng ném, sức nào mà dọn nổi chị ơi”.
Vào giây phút bị cậu thợ lặn ở Philippines bỏ rơi để đi nhặt cái lon nơi đáy biển, chạnh lòng nhớ tới đáy biển Kỳ Co, quả thật tôi rất buồn.
Hoàng Hương