Nhất quyết đưa con lên Sài Gòn chữa bệnh, bé trai phải nhập viện cấp cứu

13/01/2017 - 15:53

PNO - “Dù bác sĩ can ngăn là bé có thể chết trên đường chuyển viện, tôi vẫn nhất quyết đưa bé lên Sài Gòn. Ai ngờ..." - chị H.T.D. (nhà ở Bình Dương) vẫn chưa hết bối rối.

Chị D. kể, vào chiều thứ 7 tuần trước, trên đường đi học về, con trai chị là L.S.Đ. (10 tuổi) bị ngã xe đạp. Tưởng rằng chấn thương không vấn đề gì nhưng tối hôm ấy, bé không chịu ăn uống gì và than đau bụng. Vợ chồng chị vội đưa con đến bệnh viện gần nhà để khám.

Qua siêu âm bác sĩ thấy chảy máu trong bụng nên chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến tỉnh. Tại Bệnh viện tỉnh Bình Dương, kết quả chụp X-quang và siêu âm cho thấy bé bị chảy máu bụng, bác sĩ nghi bé bị vỡ lách nên đưa ra hướng điều trị bảo tồn và theo dõi sát.

Chiều hôm sau, thấy bé đau bụng nhiều hơn và tụt huyết áp nên bác sĩ chỉ định chụp CT cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy bé bị vỡ lách, tình khá nặng, khó bảo tồn được nên chỉ định mổ cắt bỏ lách để cứu sống bệnh nhân. Khi chỉ định mổ được đưa ra, gia đình chị D bất ngờ xin cho bé được chuyển lên bệnh viện tuyến cuối để phẫu thuật. Mặc dù đã được các bác sĩ khuyên ngăn và giải thích những nguy cơ xảy ra trên đường đi, song, gia đình chị vẫn nhất quyết phải chuyển.

Và bé trai gặp nguy hiểm trên đường chuyển viện, phải mổ cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhat quyet dua con len Sai Gon chua benh, be trai phai nhap vien cap cuu
Phải cấp cứu chỉ vì người nhà tự làm bác sĩ

5 ngày sau khi con trai được phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chị H.T.D (nhà ở Bình Dương) vẫn còn bối rối: "May mà thằng bé không có mệnh hệ gì. Nếu không, làm sao tôi sống được. Thương con nhưng đã hại con".

Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi An Thọ, Phó khoa Ngoại – Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bé Đ được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng chảy nhiều máu do vỡ lách. Không thể chần chừ thêm giây phút nào, các bác sĩ đẩy bệnh nhân vào phòng mổ, phẫu thuật cắt bỏ lách ngay trong đêm.

Khi mở bụng bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy tình trạng chảy máu của bé khá nặng. Lượng máu trào ngược vào ổ bụng được hút ra khoảng 500 ml. Sau khi mổ, bé ổn định sức khỏe và được bác sĩ cho xuất viện sau 5 ngày.

Theo BS Bùi An Thọ, nguyên tắc của bệnh nhân chấn thương là phải nằm yên, tránh để bệnh nhân di chuyển. Đối với bệnh nhân vỡ lách, những rung lắc trên đường di chuyển có thể khiến vết nứt ở lách vỡ to ra, chảy máu nhiều hơn.

Trong khi đó, dù là chuyển bằng xe cấp cứu nhưng các phương tiện hồi sức, cấp cứu cho bệnh nhân vẫn không thể nào đầy đủ như ở bệnh viện. Nếu không được hồi sức kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong:

“Việc chuyển viện cho bé Đ là vô cùng nguy hiểm và không cần thiết. Bởi lẽ, mổ cắt lách là phẫu thuật giản đơn, bất kì bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng có khả năng làm được” – BS An Thọ giải thích.

Cũng theo BS Thọ, 50% số bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên khoa Ngoại – Gan – Mật – Tụy của Bệnh viện Chợ Rẫy là không cần thiết. Nhiều bệnh nhân chỉ chuyển viện để làm những phẫu thuật đơn giản như: mổ ruột thừa, vỡ lách, vỡ tử cung….

Không ít trường hợp gặp nguy hiểm trên đường chuyển viện, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng mạch và huyết áp bằng không. Có nhiều ca, bác sĩ phải mổ khẩn cấp ngay tại phòng cấp cứu để cứu sống tính mạng bệnh nhân sau một đoạn đường dài chuyển viện một cách bất chấp.

Tuy nhiên, giải thích lý do chuyển viện, chị D cho rằng: “Do thời gian gần đây, tôi nghe nhiều tai biến y khoa xảy ra ở bệnh viện tuyến dưới nên không yên tâm để con phẫu thuật cắt lách ở đây. Hơn nữa, thời điểm đưa cháu đi, tôi thấy cháu vẫn còn hồng hảo, khỏe mạnh”.

Xuân Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI