Nhất Phủ, nhì Lộc…

19/06/2023 - 19:28

PNO - Tọa lạc tại thị trấn Lukang, phố cổ níu chân du khách nhờ di sản lịch sử, văn hóa lâu đời và những món ăn đường phố đậm hương vị truyền thống.

 

Lukang vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc theo phong cách Đài Loan truyền thống
Lukang vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc theo phong cách Đài Loan truyền thống

Người Đài Loan (Trung Quốc) có câu: “Nhất Phủ, nhì Lộc, thứ ba Mãnh Giáp” để mô tả 3 thương cảng phồn hoa bậc nhất của đất nước họ, gồm: Phủ thành ở Đài Nam, Lukang (Lộc Cảng) ở Changhua (Chương Hóa) và Monga (Mãnh Giáp) ở Đài Bắc.

Đứng thứ hai trong số này là Lukang, gồm 3 con phố ngắn: Dayou, Yaolin và Putou. Cái tên Lukang có nghĩa là “deer harbor” - bến cảng hươu, chuyên xuất khẩu da hươu trong thời kỳ thuộc địa Hà Lan. Nơi đây từng có vị trí quan trọng trong những năm 1600 khi được Triều Thanh chọn làm thương cảng. Cảnh thịnh vượng tiếp tục được duy trì đến năm 1895. Ngày nay, thương cảng không còn nhưng dấu ấn của một thời sầm uất vẫn đọng lại trong từng nếp nhà, con ngõ. Thi thoảng, khoảng khắc dạo bước ở Lukang lại gợi cho lữ khách cảm giác quen thuộc như đang đi trên những con phố ở Hội An có lẽ không chỉ vì hơi thở cổ kính qua hàng trăm năm mà còn vì sự hiếu khách và cảm giác thân quen.

Lukang vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc theo phong cách Đài Loan truyền thống. Những mái vòm được thiết kế phức tạp trên lối vào chính, các bức tường và đường được lát gạch đỏ. Tô điểm thêm là hộp thư màu xanh lá cây treo bên ngoài. Nhiều ngôi nhà cũ vẫn được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh của người dân, trong khi một số đã cải tạo nhưng vẫn được bảo tồn như một phần di sản. Những ai từng nghe qua bài hát Trấn nhỏ Lukang đều ao ước được dạo bước trên những con đường gạch đỏ. Người dân địa phương bảo rằng chỉ cần đi theo những con đường đó, du khách sẽ không bao giờ lạc lối.

Ngày nay, sự phồn hoa nhưng yên bình của Lukang được mô tả trong “3 nhiều”: nhiều di tích, nhiều đồ ăn vặt và nhiều nghệ nhân thủ công mỹ nghệ
Ngày nay, sự phồn hoa nhưng yên bình của Lukang được mô tả trong “3 nhiều”: nhiều di tích, nhiều đồ ăn vặt và nhiều nghệ nhân thủ công mỹ nghệ

Một trong những điểm đến nổi tiếng ở Lukang là con hẻm hơn 200 tuổi mang tên “ngõ chạm ngực”. Tên gọi của hẻm bắt nguồn từ không gian nhỏ hẹp, rộng khoảng 40 - 60cm, chỉ vừa đủ cho 1 người đi qua nên nam giới thường chủ động nhường phụ nữ đi trước. Con hẻm này vì thế còn có tên gọi khác cực kỳ đáng yêu: “ngõ quý ông”.

Lần bước theo những con đường gạch đỏ, bạn sẽ đặt chân đến chùa Longshan (Long Sơn) có tuổi đời hơn 3 thế kỷ. Chùa rộng khoảng 890m2, thờ bà Thiên Hậu, được xây dựng vào cuối Triều Minh đầu Triều Thanh. Năm 1876, chùa được di dời đến địa điểm hiện tại. Kiến trúc thể hiện rõ nét phong cách Á Đông như chạm trổ rồng, cá chép, voi và vòng tròn âm dương trên các mái nhà hay các cây cột trụ mang lại cảm giác uy nghiêm.

Ngày xưa, sự thịnh vượng của Lukang gói gọn trong “3 không thấy”: không thấy trời, không thấy đất, không thấy phụ nữ. “Không thấy trời” miêu tả việc các cửa tiệm 2 bên đường dựng mái hiên san sát, mở cửa suốt ngày bất kể nắng mưa, đi dưới đường ngẩng đầu lên cũng không nhìn thấy bầu trời. “Không thấy đất” vì lòng đường được lát gạch đỏ đều tăm tắp, bùn đất chẳng hiện diện. “Không thấy phụ nữ” bởi thời đó, việc buôn bán do đàn ông đảm đang, phụ nữ không hiện diện chốn đông người.

Ngày nay, sự phồn hoa nhưng yên bình của Lukang được mô tả trong “3 nhiều”: nhiều di tích, nhiều đồ ăn vặt và nhiều nghệ nhân thủ công mỹ nghệ. Các món hải sản đượm hương vị cổ xưa sẽ đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. 

Lê Phan

Ảnh: Spirits Travel

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI