Nhặt những mảnh tình

04/02/2017 - 11:14

PNO - Năm nay, chị được ăn Tết Việt Nam, một cái Tết thật ấm lòng. Và thoáng đâu đó câu chuyện hai người đàn ông trong cuộc đời người đàn bà, vẫn rất đẹp đó thôi!

Mấy mươi năm, đây là lần đầu tiên chị quay về Việt Nam. Không còn ai thân thuộc, người đàn bà bước sang tuổi ngũ tuần, vài chục nếp nhăn sau đuôi mắt, đang lần tìm lại ký ức, tìm lại một lần hương vị Tết Việt Nam.

Nhat nhung manh tinh
 

Cũng chẳng thể nói hết lý do chị quay về, vì Tết Việt, cộng đồng người Việt chỗ chị ở, cũng chẳng thiếu thứ gì. Nhiệt độ lạnh những xuống số âm, cái lạnh kỳ cục cắt khứa vào da thịt.

Mấy mươi năm, mấy mươi lần chị thèm cảm giác se lạnh cuối năm ở xứ ấm. Nay, chị về, được sống với hình hài gốc gác quê hương, chiếc neo của con tàu xa xứ là đây! Chị chỉ tay về phía mé sông, nơi những ngôi nhà dày đặc mà nước sông không còn vàng mang nặng phù sa như năm nào, nơi đó, hồi đó có hàng dừa nước và cây còng.

Chị chỉ về phía bên kia, chỗ đó là sân phơi lúa nhà chị hồi trước, nay dựng lên một hình hài sang trọng của một khách sạn chị đang ở. Cái bùng binh kia, ngày trước chỗ đó là cây me thì phải, chỗ đó, bao lần chị lén ba má đứng chờ gửi thư... cho người ấy. Nhắc đến đó, chị cuối xuống thầm cười.

Lại một lý do nữa để chị quay về, chắc lý do này nhiều hơn. Tìm ký ức của mảnh tình đi ngang, tìm lại chút thơ thẩn thời con gái.

Khi ấy, có yêu cũng chẳng dám gần, không dám gặp, vì hai gia đình khác tư tưởng của thời kỳ khói súng. Nhưng tình yêu là thứ tình trọn vẹn, sống mãi với người ta để bước qua từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim...  Có thể hình dung được ánh mắt chợt lóe lên những tia sáng, rồi vụt tắt và giấu đi nỗi suy tư. Chị cười, vẫn cố nhặt tìm những mảnh tình ở lại, nơi đây, có còn ai thân thuộc đâu. Nhưng nước Việt là nơi chị sinh ra, chị thân thuộc cả giọng nói, tiếng cười, chị thương và nhớ những người đàn bà bận bà ba bơi xuồng bán trái cây, đám nhỏ mặt mày mốc hít chơi cò cò, tạt lon.

Và... chị nhớ người đàn ông gan lỳ, sắt thép, hẹn gặp chị một buổi tối nói lời chia tay, rồi ra đi đến ngày chị nghe tin ông ấy... thành liệt sĩ! Chị thì thầm: "Vẫn nhớ nét mặt, nhớ bàn tay thô kệch nắm lấy tay mình lần cuối", sau giọng nói ấy là ánh mắt long lanh, rồi lặng thinh. Chẳng ai dám hỏi thêm, nhưng hình dung trong ánh mắt ấy là cả nỗi niềm.

Chị khoe các con của chị: "Tụi nhỏ nói tiếng Việt giỏi lắm, vẫn giữ nét riêng của gia đình Việt, vẫn mời cơm ba má trước khi cầm đũa, vẫn rót nước, đưa tăm sau bữa cơm... ". Ông nhà chị mất năm ngoái, sau một biến cố tai nạn giao thông bên ấy. Chị khoe: "Ông ấy là người đàn ông tuyệt vời, ông tôn trọng quá khứ của mình, ngày ông nằm xuống cũng ráng thều thào :"Còn sức khỏe, mình về một lần cho vui”.

Chị cười bên ly cà phê, ngoài kia nắng vàng ấm những ngày đầu năm, chị nói: "Đời người, hạnh phúc được bao nhiêu, trân trọng những gì mình đang có sẽ hạnh phúc mãi. Cũng có những cái ở trong lòng, vẫn giữ, vẫn chôn chặt để nó được mãi đẹp. Ông ấy nằm xuống trên mảnh đất này, phố phường tươi đẹp như ngày hôm nay, được ở đây, mình vẫn nghe được hơi thở và ý chí kiên cường của ổng".

Rồi chị sẽ về lại nơi nào đó xa lắc. Những ngày Tết trôi qua thật nhanh, cuộc sum vầy của hành trình xa xứ, chị được gặp nắng ấm, gặp lại quê hương, nghe hơi thở đang chuyển mình từng ngày trong nhịp đập của phố xá ồn ã. Thấy được chị hạnh phúc quá chừng đó thôi!

Năm nay chị được ăn Tết Việt Nam, một cái Tết thật ấm trong lòng. Và thoáng đâu đó câu chuyện hai người đàn ông trong cuộc đời người đàn bà, vẫn rất đẹp đó thôi!

Phạm Minh Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI