PNO - 48 năm phụng sự bạn đọc là một hành trình dài với đầy ắp kỷ niệm. “Nhật ký tuổi 48” là chia sẻ của các thế hệ về những năm tháng sống, làm việc dưới mái nhà chung mang tên Báo Phụ nữ TPHCM nhân kỷ niệm 48 năm thành lập báo (19/5/1975 - 19/5/2023).
Tòa soạn cũ ở số 188 Lý Chính Thắng - nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của những thế hệ làm báo đầu tiên của Báo Phụ nữ TPHCM - Ảnh: Phùng Huy
1. Những ngày đầu làm báo khó quên
Trong ký ức của tôi, Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng), phường Võ Thị Sáu, quận 3 vẫn là con đường mang nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Ở đó có căn biệt thự trệt nhỏ xinh số 188, bên trái cổng vào là mảnh vườn nhỏ trồng những cây sa bô chê và vài cây hoa hồng. Sau này, mảnh vườn đã được cải tạo thành phòng tiếp bạn đọc, phòng phát hành và 1 thư viện nhỏ.
Không gian chưa đầy 200m2 đất và nhà ấy là tòa soạn Báo Phụ nữ Sài Gòn, được thành lập ngày 19/5/1975. Ở đó, tôi và các bạn đồng niên, đồng nghiệp như Bạch Mai, Ngọc Tuyết, Thiều Nguyễn… viết những tin, bài đầu tiên của đời phóng viên, năm 1975. Cán bộ, nhân viên những ngày đầu chưa tới 10 người. Tài sản vỏn vẹn là 1 chiếc xe hơi La Dalat chủ yếu để anh Hoàng Anh chở báo từ nhà in về tòa soạn, 1 chiếc xe máy màu xanh dương hiệu Yamaha chủ yếu để bạn Thanh Thanh chạy văn thư, mang bản support đã được cuộn tròn và bao bọc cẩn thận tới nhà in Nguyễn Trung Thành (nhà in đầu tiên của Báo Phụ nữ Sài Gòn). Ở đó, những số báo đầu tiên cho đến trước năm 1988 được in trên giấy có độ láng thấp với chỉ 2 màu đen xanh hoặc đen đỏ.
Bấy giờ, bất kể nắng mưa, phóng viên chạy xe đạp đi họp ở các nơi trong 18 quận, huyện rồi về tòa soạn ngồi viết bài bằng bút hoặc bằng máy đánh chữ. Đáng nhớ nhất là ngoài viết bài, phóng viên còn được phân công đi nhà in, chờ công nhân xếp chữ bằng tay, in bông ra cho đọc rồi sửa lỗi. Có lúc chờ bông lâu quá, tôi tranh thủ chui vào một ngăn kéo lớn chứa bản support của nhà in Sài Gòn Giải Phóng để… ngủ.
Dì Phương Điền - nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM trong một cuộc họp tòa soạn - Ảnh: tư liệu Báo Phụ nữ TPHCM
Nhờ được tiếp cận với các công việc bên ngoài bản thảo như thế mà phóng viên sớm hiểu được rằng, để có tờ báo đến tay bạn đọc hằng tuần, phải qua nhiều công đoạn gian nan. Bây giờ, mỗi khi có dịp đến thăm tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM khang trang, hiện đại ở 311 Điện Biên Phủ, quận 3, tôi lại nhớ những ngày đầu làm báo khó quên 48 năm trước.
Nguyễn Thế Thanh nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM
2. Chị Hạnh Dung và những chuyện chưa kể
Năm 1982, chuyên mục Nhỏ to tâm sự do Hạnh Dung phụ trách đã được “khai sinh”. Nay, “nàng” đã 41 tuổi. Ngoài tư vấn trên báo in, báo điện tử, Hạnh Dung còn tiếp bạn đọc ở tòa soạn vào mỗi sáng thứ Hai, thứ Tư hằng tuần.
Có một cô gái đang học thạc sĩ ở Mỹ cứ khuyên mẹ đến tìm Hạnh Dung bởi cô thấy mẹ ngày một tiều tụy do nỗi đau từ quá khứ: cha cô ngoại tình. Đầu tháng 4/2023, chị M.T. - 53 tuổi, “người mẹ đau khổ” trên - đã đến tòa soạn báo. Chị kể, lúc chị sinh con đầu lòng được 2 tháng thì chồng chị ngoại tình.
Chị bắt được quả tang và đến cơ quan cô kia tố cáo. “Chồng đánh đập tôi, hứa cắt đứt quan hệ bất chính và bắt tôi rút đơn, nếu không sẽ ly hôn. Tôi rút đơn, nhưng anh vẫn lén qua lại, cung phụng nhân tình. Một mình tôi phải nuôi con, lo cho con học hành”.
Sau hơn 3 giờ trò chuyện, chị đã có lại được nụ cười. Lúc ra về, chị nói: “Tôi đã ngộ ra. Sao mình không sống cho hiện tại, tương lai mà để quá khứ 30 năm trước hành hạ mình?”. Chị nói, mình như vừa trút được tảng đá đè nặng lâu nay và quyết định sẽ qua Mỹ du lịch vài tháng theo lời năn nỉ mấy năm qua của con gái.
Dù gặp trực tiếp hay qua trang báo, Hạnh Dung vẫn luôn trân trọng lắng nghe nỗi niềm của bạn đọc, đặt mình vào từng hoàn cảnh để thấu cảm, sẻ chia và cùng tìm cách gỡ rối. Cho đến nay và trong tương lai, chuyên mục Nhỏ to tâm sự và Hạnh Dung vẫn luôn đồng hành với bạn đọc.
Thùy Dương
3. Món quà quý từ các đại biểu Quốc hội
Mỗi năm, Quốc hội có 2 kỳ họp chính thức. Đó là quãng thời gian mà chúng tôi phải làm việc với cường độ gấp đôi, gấp ba ngày thường. Tôi còn nhớ, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV bàn về dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Là tờ báo bền bỉ tuyên truyền, đấu tranh cho bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Báo Phụ nữ TPHCM đã nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan tới luật này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - đã gửi cho phóng viên 4 trang giấy với những cái gạch đầu dòng đầy tâm huyết, cụ thể ở từng điều khoản. Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - cũng chia sẻ những băn khoăn, trăn trở xung quanh dự thảo luật và gửi bản góp ý tới chúng tôi khi đã gần 21g tối. Với phóng viên, đó là những món quà quý giá, là động lực để cố gắng hoàn thiện kỹ năng, hoàn thành tốt nhất công việc của mình, để báo chí là cầu nối gắn kết giữa Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước.
Minh Quang
4. Bệnh nhi COVID-19 nhầm phóng viên là mẹ
Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM mặc đồ bảo hộ tác nghiệp ở bệnh viện trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: Phạm An
Tôi không thể nào quên hình ảnh bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương) trong bộ đồ bảo hộ dỗ dành, đút sữa cho bé gái mới 7 tháng tuổi bị nhiễm COVID-19. Trong chiếc bình ấy chính là sữa của chị Thúy. Để vào tâm dịch, bác sĩ Thúy đã gửi lại nhà đứa con trai còn khát sữa của mình.
Cha mẹ của bé gái 7 tháng tuổi trên cũng bị COVID-19 nặng, nên bác sĩ Thúy cùng đồng nghiệp vừa điều trị tích cực cho người cha, vừa chăm sóc bé gái và anh trai 2 tuổi của bé. Đang trò chuyện với bác sĩ Thúy, anh của bé gái chạy đến ôm lấy tôi, gọi: “Mẹ”. Có lẽ mỗi khi bé nhớ mẹ, bác sĩ dỗ dành “mẹ sẽ đến thăm” nên bé nhầm lẫn.
Sau khi bài viết của tôi được đăng, các bệnh nhi COVID-19 ở Bệnh viện Trưng Vương nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của bạn đọc. Rồi nhờ sự chăm sóc tích cực của bác sĩ, 2 bé trên cùng cha mẹ dần bình phục. Thông tin cả gia đình bé được xuất viện khiến chúng tôi rất mừng. Giờ đây, mỗi khi nhớ đến ánh mắt bé trai khi chạy đến gọi mẹ, tự dưng tôi bật cười mà mắt lại cay cay.
Phạm An
5. Nhớ những lần nhập vai để tìm sự thật
“Những đứa trẻ ở đó bị đánh đập. Chúng nhỏ xíu, không biết kêu đau, không biết nói sự thật”. Nhận cuộc gọi của 1 bạn đọc, tòa soạn họp khẩn, phân công tôi điều tra. Hôm sau, tôi mang theo đơn xin việc đến cơ sở mầm non tư nhân mà bạn đọc phản ánh và được nhận vào làm việc.
Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM (mang ba lô) trong lần nhập vai điều tra về đường dây “hút máu” người nuôi bệnh thuê vào tháng 3/2017 - Ảnh: S.V.
Mỗi sáng, chủ cơ sở, tôi và một số bảo mẫu mặc đồng phục tinh tươm, tươi cười đón từng phụ huynh đưa con đến lớp. Khi cánh cửa khép lại, những đứa trẻ được cho xem ti vi suốt ngày. Ngày nào, trẻ cũng bị bắt ăn cháo trộn mì tôm. Bà chủ lo việc gia đình, ít khi chăm sóc và giảng dạy các bé nhưng hễ nghe trẻ khóc, thấy trẻ nghịch là bà ta chửi bới, đánh, ném bằng bất kỳ vật gì mà bà vớ được. Rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể các bé được bà phân bua với phụ huynh: “Trẻ con nghịch, đùa giỡn, va vấp lung tung”.
Cơ quan chức năng từng 2 lần kiểm tra cơ sở đột xuất nhưng bà chủ trường luôn biết tin từ trước. Lần đầu, bà cho các bé ăn những món ngon, bổ, múa hát theo cô giáo để chờ đoàn đến “bắt gặp”. Còn lần sau, do chưa kịp chuẩn bị, bà ép bảo mẫu chúng tôi tẩu tán tất cả món cháo trộn mì tôm mà bọn trẻ đang cố nuốt, lấy khăn lau mặt và phát sữa cho bọn trẻ. Sau khi báo đăng bài, phụ huynh phẫn nộ, đau đớn, cơ quan chức năng vào cuộc. Công an đã khởi tố vụ án và những người có hành vi bạo hành trẻ đều trả giá bằng mức án tương xứng.
Lần khác, tôi vào vai người nuôi bệnh thuê để phanh phui đường dây “hút máu” người nghèo khổ ở một bệnh viện. Mỗi một vụ nhập vai là khoảng thời gian dấn thân, ăn dầm nằm dề ở hiện trường, làm những công việc nhọc nhằn và chấp nhận sự nguy hiểm đến tính mạng. Tất cả nhằm tìm ra sự thật để thông tin đến bạn đọc, vạch trần cái ác, cái xấu, bảo vệ lẽ công bằng, bảo vệ người yếu thế.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.