Nhật ký Gen Z

13/03/2023 - 13:36

PNO - Huân coi ngôi nhà chẳng khác gì nhà trọ. Huân nhanh nhạy, năng động, vui vẻ… ngoài xã hội nhưng khi về nhà lại im lặng với người thân, vào phòng riêng đóng chặt cửa.

Ngôi nhà xinh xắn, rộng rãi ở vùng quê Cái Hố (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) là nơi bà nội, cha mẹ và “cậu ấm” 18 tuổi Đặng Quốc Huân sinh sống.

Từ khi anh Hai của Huân rời nhà lên Sài Gòn học cách nay 10 năm, bao sự quan tâm của nội, cha mẹ càng đổ dồn về Huân. Để rồi, họ thấy Huân coi ngôi nhà chẳng khác gì nhà trọ. Huân nhanh nhạy, năng động, vui vẻ… ngoài xã hội nhưng khi về nhà lại im lặng với người thân, vào phòng riêng đóng chặt cửa…

Huân và mẹ
Huân và mẹ

Nhật ký của mẹ 24/12/2021

Mẹ chọn đi Sài Gòn dịp này vì con đã thi xong học kỳ I, mẹ muốn thưởng cho con một chuyến đi chơi, sẵn tiện thăm người thân.

Thế nhưng, con từ chối vì bận… hẹn bạn. Đã nhiều lần con từ chối mẹ vì "có hẹn với bạn". Tết năm rồi, khi cả đại gia đình mình gồm các dì, cậu, ông bà ngoại, nội thu xếp để cùng đi chơi; mẹ chọn Hà Tiên vì mẹ vẫn nhớ "Con ước được đi chơi Hà Tiên".

Nhưng, khi mẹ thông báo "Sáng mốt cả nhà đi Hà Tiên" thì con lại "Con có hẹn với bạn trước rồi". Mẹ ước gì con trở lại là đứa trẻ bé bỏng, tình cảm và ấm áp cứ quẩn quanh bên cha mẹ.

Nhật ký của con 24/12/2021

Hôm nay, mẹ đi Sài Gòn, cha ra quán, bà nội qua nhà cô Hai chơi. Mình có hẹn với Tuấn, Huy, Hà… liên hoan nhưng ông nội thằng Tuấn nhập viện nên “bể sô”. Quá chán! Mình vừa ở nhà một mình, vừa bị mẹ giận.

Thật ra mình rất thích đi chơi với cả nhà nhưng có lẽ mẹ vẫn luôn xem mình là một đứa trẻ nên không bao giờ hỏi kế hoạch của mình. Mình rất mệt mỏi. Tại sao việc hẹn gặp bạn của mình lại phải xếp sau những yêu cầu ngang hông của gia đình?

Ước gì cha mẹ không coi mình như đứa trẻ 10 tuổi nữa. Ước gì cha mẹ tôn trọng và chấp nhận những kế hoạch của mình.

Nhật ký của mẹ 1/3/2022

Sắp đến kỳ thi tốt nghiệp THPT mà con vẫn đi chơi, tụ tập bạn bè. Ngày xưa, mẹ không phải nhắc nhở gì mà anh Hai con luôn đứng nhất lớp, nhất khối.

Còn con, hễ đi họp phụ huynh là mẹ mắc cỡ bởi chỉ toàn nghe mắng vốn con lười học, ngủ gục. Nhiều lúc mẹ bất lực, chỉ ước nhét con vô bụng trở lại hay bỏ mặc con nhưng giận vậy thôi, chứ tụi con luôn là báu vật của cha mẹ.

Nhật ký của con 1/3/2022

Điều mình khó chịu và bực bội nhất là suốt ngày cha mẹ so sánh mình với anh Hai, rồi với "con người ta". Mình có cảm giác mình là gánh nặng của cha mẹ nên không được yêu thương như anh.

Trong mắt cha mẹ và anh, mình như là đứa bỏ đi. Cả nhà hay dọa mình "Không đậu tốt nghiệp thì cho vô "trường ông Bòn" - người sửa xe trong xóm - học. Mình rất buồn và cực kỳ áp lực.

Thùy Dương

Yêu thương, thông hiểu, chữa lành

Đi học xa nhà, Huân đã cởi mở và dành nhiều thời gian với gia đình
Đi học xa nhà, Huân đã cởi mở và dành nhiều thời gian với gia đình

Giữa Huân và cha mẹ có nhiều mâu thuẫn, khoảng cách. Tuy nhiên, khoảng cách khó san bằng và dai dẳng nhất liên quan đến sở thích, đam mê của Huân. Từ hồi 14 tuổi, Huân đã mê phong cách thời trang đường phố độc đáo, đầy cá tính. Huân là thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm có chung đam mê này ở An Giang. Họ thường xuyên tụ họp đi chơi, chụp ảnh và mua bán, trao đổi, cho mượn quần áo, phụ kiện.

Có lần, Huân hân hoan mặc chiếc quần đáy thụng tới gối, dây xích lủng lẳng phía trước, vai đeo túi vải màu đen in hình hoa cúc và đầu đội nón bo màu đen. Chị Đỗ Thị Kim Chi - mẹ Huân - vừa nhìn thấy đã nói: “Mặc gì như xích chó” còn cha Huân buông lời “Mặc như thằng khùng”. 

Cha Huân trách mẹ Huân: “Em chiều con riết rồi để nó ăn mặc quái đản”. Chị Chi cự lại: “Anh giỏi sao không dạy con đi?”. Chưa hết, Huân còn đập ống heo, xài hết tiền cha mẹ cho (trước đó Huân rất ít xài tiền) để mua những bộ trang phục mà theo mọi người là như “giẻ rách”. Cả nhà nghĩ Huân bị kẻ xấu dụ dỗ, lợi dụng để moi tiền…

Ngay lập tức, vợ chồng chị Chi cấm Huân tham gia nhóm này, cấm Huân đưa bạn bè về. Huân phản ứng: “Phải chi con cờ bạc, đánh lộn hoặc bỏ học thì cha mẹ cấm. Còn đằng này con chỉ muốn ăn mặc đẹp cũng không được. Cha mẹ có thấy mình vô lý quá không?”. 

2 bên không có tiếng nói chung. Chị Chi làm căng, cắt “viện trợ” (tiền tiêu vặt). Vậy là “cậu ấm” đi làm thuê để kiếm tiền mua những bộ trang phục yêu thích.

Thời gian trôi qua, Huân không bị lừa hay hư hỏng như vợ chồng chị Chi lo lắng. Chưa kể, sức học của Huân còn khá hơn. Đến lúc này, vợ chồng chị Chi mới nhận ra “có lẽ mình đã sai”. Ngoài ra, anh chị còn nghe họ hàng ở Sài Gòn về chơi khen Huân “ăn mặc có gu” nên dần nhìn con bằng lăng kính bình thường. “Khi mình không định kiến, khó chịu thì thấy con ăn mặc rất phong cách. Tôi cũng thích thời trang nên có khi lùng mua những mẫu đồ độc đáo cho con.

Dù đôi lúc bị con chê “Sến quá mẹ” nhưng cũng có lúc con ôm chầm mẹ cảm ơn vì nhận được món quà đúng gu. Mẹ con tôi cứ thế xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn” - chị Chi chia sẻ.

Có một điều đặc biệt, từ khi Huân lên Sài Gòn học đại học, sống xa nhà, mẹ - con, cha - con lại trò chuyện nhiều hơn. Một sáng gần đây, đang ngủ thì nghe tiếng cha vừa ở quê lên hỏi “Cục vàng của tui đâu rồi?”, Huân mắc cỡ kéo mền trùm kín người nhưng lòng vui rộn rã. Mẹ gọi điện, nhắn tin cho Huân mỗi ngày, “tám” đủ thứ chuyện.

Điều kỳ lạ này được Huân lý giải qua những dòng nhật ký ngày 19/11/2022(*): “Mình từng ước sớm thoát ly khỏi nhà, không phải chịu sự quản thúc gò bó của cha mẹ. Thế nhưng, gần đến ngày đi Sài Gòn nhập học, mình lại buồn. Nhìn cái võng nội hay nằm, cái xích đu mẹ hay ngồi, cái bàn cha ngồi ăn cơm mỗi ngày… - góc nhỏ nào cũng nhiều kỷ niệm. Nội khóc suốt khi hay tin mình sắp đi học xa; mẹ buồn thiu, cứ ngồi sắp xếp đồ cho mình dù mẹ đã xếp cả chục lần; cha thì về nhà sớm hơn… tự dưng mình không muốn rời nhà.

Đến giờ mình mới thấm, mới hiểu tại sao khi đi xa mình lại nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ bà nội nhiều đến vậy. Mình chỉ trông mau đến tết để được về nhà…”.

Nhật ký chị Chi vẫn đầy tâm trạng nhưng không còn sự bế tắc(**): “Khi con đi học xa, ngôi nhà trống vắng đến không chịu nổi, nhìn chỗ nào mẹ cũng thấy con. Mẹ nhận ra khi con ở nhà, dù chốt cửa ở trong phòng riêng cũng là hạnh phúc, may mắn của người làm cha mẹ bởi con vẫn đang bình an trong nhà và cha mẹ vẫn có thể được nhìn ngắm, trò chuyện, chăm sóc con.

Cha mẹ mong ngày mong đêm mau tới tết để con và gia đình anh Hai cùng về đón một cái tết sum họp, đủ đầy”. 

P.V

(*)và (**): Cảm ơn mẹ con chị Chi và Huân đã mở lòng để chúng tôi được tiếp cận những tâm sự sâu kín này.

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI