PNO - PNCN - Vợ mang bầu sáu tháng. Anh mơ hồ cảm thấy vợ đang phình tròn ra như một cái bình gốm trong quá trình tạo hình. Mỗi ngày tròn thêm một chút. Cái “bàn gốm thời gian” trong tâm trí anh càng lúc càng xoay nhanh, và vợ anh cứ thế mà...
Là chồng, anh tự đặt cho mình vai trò của một người thợ làm gốm, phải cực kỳ nâng niu vợ. Ba tháng đầu, cả hai ngây ngất trong niềm vui lớn, tuy ngoài kế hoạch, nhưng tin vợ mang thai là bất ngờ được mong đợi. Anh và vợ tích cực gom nhặt mọi thứ mà mình nghĩ ra để chuẩn bị cho hành trình thai sản. Sắm một món đồ cho con, mua một món ngon cho vợ bồi bổ, anh tưởng tượng mình đang trên đường rong ruổi đi tìm các loại đất sét từ các vùng miền. Trong mỗi thức mỗi món ấy là những hình dung của anh về một hình hài yêu dấu mang dấu ấn của anh, phải biết chăm bón, biết chờ đợi. Cả gia đình anh cùng tham gia vào cuộc mong ngóng hân hoan ấy.
Thế là bắt đầu có tranh cãi về phương pháp. Mẹ anh theo “trường phái” dân gian, yêu cầu con dâu tích cực ăn trứng ngỗng và giò heo, tích cực ở nhà để tránh gió máy, tránh xa cầu thang và các loại xe… nhìn chung là chỉ cần ăn và tránh. Chị gái anh, bác sĩ, theo “trường phái” khoa học tiên tiến, không ngừng tuyên truyền rằng bà bầu ăn nhiều chỉ tổ tăng cân thôi, thai nhi chỉ nhận được một phần tí xíu trong cái khẩu phần khổng lồ ấy; rằng bà bầu cũng phải năng động lên, phải tập thể dục, đừng ru rú ở nhà thế… Anh và vợ băn khoăn, gạn lọc, như quá trình anh lọc đất trước khi tạo hình gốm vậy. Mọi thứ lắng xuống trong sự bình tĩnh tiếp nhận và chờ đợi.
Trạng thái căng thẳng của vợ anh kéo dài mấy tháng liền. Anh lo lắng, càng nâng niu hơn. Anh biết cũng như khi mọi thứ nguyên liệu đã được tổng hợp thành chất đất mang sự sống và được đưa lên bàn xoay để tạo hình, thì chuyện còn khó khăn hơn. Một thứ chất dẻo sền sệt quay đều theo bàn tay người thợ gốm, hình dáng cái bình hiện dần ra, nhưng lúc nào cũng chực xoay bung, chực vỡ nếu không được chú tâm gìn giữ. Vợ anh cũng vậy. Hình dáng của vợ biến đổi theo hình dáng cái bình gốm mơ ước của anh, nhưng càng lúc hình dáng ấy càng căng mọng, lại càng dễ... căng thẳng. Trời nắng nóng, vợ gắt gỏng, trời lạnh, vợ ủ rũ. Có hôm đang chở vợ ngoài đường, kẹt xe chật cứng, thế mà vợ thủ thỉ: “Anh ơi em thèm sầu riêng!”. “Ừ, để qua chỗ kẹt xe này đã”. “Không, chỗ bán sầu riêng mình vừa đi qua năm phút thôi. Phía sau kìa!”. “Trời ơi, cứng ngắc thế này, làm sao anh quay lại!”. Thế là vợ tức tưởi òa lên khóc “anh không thương em!”… Anh chẳng hiểu làm sao vợ lại có những lúc trái khoáy như thế. Anh để ý xem vợ thường thèm đột xuất món nào để tích trữ sẵn trong nhà, phòng khi đêm hôm mà vợ gào lên “em thèm…” là anh phục vụ được ngay. Anh cũng phải an ủi, vì vợ hay tủi thân, lúc nào cũng nghĩ mình xấu, nghĩ chồng không yêu nữa. Mỗi ngày phát hiện thêm một vết rạn da là vợ lại khóc như mưa. Khổ quá, cứ như cái hình hài trơn tuột từ đất sét chực trôi qua tay anh, chệch hướng này chuồi hướng kia. Mà anh thì nhất định không được gắt, không được buông tay, cứ thật kiên trì điều chỉnh mọi thứ trở về trạng thái cân bằng.
Nhưng anh trân trọng cả những cơn làm mình làm mẩy của vợ. Những khi không hờn dỗi khó chịu, hình như vợ hiền dịu hơn. Mỗi lúc vợ êm đềm ngả đầu vào vai anh rồi cười, anh thường nghĩ đến ngày mai, khi bào thai trong bụng vợ đủ ngày đủ tháng, khi anh say sưa tráng lên cái bình gốm xinh đẹp lớp men rạng rỡ của chính mình, đứa con sẽ ra đời đẹp đẽ từ sự hài lòng của hai vợ chồng. Mỗi lời ân cần anh nói với vợ, mỗi cử chỉ chăm sóc tử tế của anh, mỗi cảm nhận nhỏ của anh ghi vào nhật ký, như một lớp men say sưa, làm dịu lại cái bình nóng bỏng của vợ.
Anh cảm thấy mọi thứ sắp đến lúc viên mãn. Lò nung sắp đỏ lửa, vợ chồng anh sẽ trông đợi đến phút cuối và trông cho cái lò ấy đều lửa trong thời khắc vượt cạn của vợ. Anh thương vợ hơn khi nghĩ đến sự tôi rèn khắc nghiệt của mỗi lò nung anh đã đốt lửa trong quá trình làm nghề, vã mồ hôi bên ngọn lửa sáng đêm, để sớm hôm sau anh được đón trên tay những bình gốm đẹp. Giờ đây, anh cũng đang chờ đợi giây phút được đón trên tay đứa con của mình - kết tinh của mọi tình yêu và chăm sóc, chờ đợi; đẹp hơn mọi thành quả anh đã có trong đời. Như nhiều đêm từng thức canh những lò nung, lần này anh sẽ thức cùng những cơn đau của vợ, thức cùng nỗi lo lắng và háo hức của mình. Đến bây giờ, qua bao năm làm nghề, dù nắm rõ mọi công đoạn tạo ra một bình gốm, nhưng mỗi đêm canh lò nung, anh vẫn không hiểu bên trong khối gạch nóng bỏng ấy đang diễn ra điều gì. Đứng bên ngoài lò nung, anh vẫn chỉ là kẻ chờ đợi và hy vọng: sáng hôm sau, có bình gốm đẹp đẽ láng mịn lăn trên tay anh, có bình rạn nứt xù xì. Anh mơ hồ cảm thấy giây phút cùng vợ vượt cạn cũng sẽ như thế. Đối diện cơn đau của vợ, anh sẽ chỉ có thể quan sát, nhưng không thể xâm nhập vào, không thể xoa dịu vợ. Anh sẽ là kẻ đứng bên ngoài và lo lắng, bất lực. Cuộc sinh nở cuối cùng là của người phụ nữ nhỏ bé đang ngồi bên cạnh anh. Còn anh, chỉ biết thầm cảm phục và hy vọng.
Sự liên tưởng thời gian vợ mang thai với nghề nghiệp - một người thợ gốm - dường như chỉ càng làm cho anh thấy rõ vợ và con là phần thiết thân thế nào trong đời sống của mình. Anh nhìn thời gian đặc biệt này bằng con mắt tưởng tượng từ đời sống hằng ngày, bay bổng nhưng thực tế.