Nhát kéo của cô giáo và nỗi ám ảnh 20 năm

25/11/2018 - 15:35

PNO - Có giáo viên sẽ cho học trò hơn 230 cái tát khi phạm sai lầm, nhưng cũng có người sẽ tìm một giải pháp khác để giáo dục học trò mắc lỗi. Điều đó tùy thuộc vào sự bao dung của người thầy.

Hôm qua, tôi đọc dòng tin về việc cậu học trò Long Nhật bị bạn cùng lớp tát hơn 231 cái vào mặt bởi sự chỉ đạo của cô giáo. Chỉ một tuần trước, vụ cô giáo ở Q.Tân Bình (TP.HCM) bắt học trò tự tát vào mặt mình mấy chục cái bị báo chí phanh phui... Đầy rẫy những hình phạt có tính chất man rợ trong môi trường học đường khiến người ta chỉ mới nghe qua đã giận run người.

Nhiều người lao vào chửi cô giáo: ác quỷ, thú đội lốt người... Ở góc độ cậu học trò từng bị thầy/cô bạo hành, tôi cho rằng họ là những giáo viên thiếu sự bao dung - một thứ rất cần với ngành sư phạm.

Thầy/cô áp lực với công việc và những đứa “quỷ” học trò, điều này ai cũng biết. Nhưng liệu kiểu bạo lực man rợ có khiến thầy/cô bớt áp lực hay chỉ giúp họ thỏa cơn tức giận nhất thời ?

Nhat keo cua co giao va noi am anh 20 nam
Sau khi hứng chịu 231 cái tát, cậu học sinh Long Nhật đã phải nhập viện

Năm lớp 4, trong giờ học, tôi vô tình nhặt được một cọng dây thun. Chẳng biết làm gì, tôi lấy dây thun buộc tóc mình lên kiểu sừng trâu cho vui. Ai ngờ, cái trò của tôi làm nhiều bạn trong lớp khoái chí, cười tủm tỉm. Cô chủ nhiệm phát hiện, mở cặp lấy chiếc kéo đi thẳng xuống chỗ tôi ngồi, một nhát cắt gọn chùm tóc. Cả lớp im phăng phắc, cô giáo quay lên bục giảng tiếp tục dạy, bỏ lại đứa học trò 10 tuổi ngồi ngơ ngác giữa lớp học chưa kịp định hình được tai họa khủng khiếp vừa ập xuống đầu mình.

Nhiều ngày sau đó, tôi đi học lúc nào cũng phải đội mũ trên đầu.

Khi mái tóc đã dài trở lại, tôi và mấy đứa bạn trong lớp vẫn không quên được cái đầu lỏm chõm tóc ngày hôm đó. Buổi học ấy vẫn còn ám ảnh tôi suốt gần 20 năm qua. Nhiều lần tôi tự dối lòng mình thôi quên đi, dù gì cô cũng là người từng dạy mình... Nhưng thú thật, tôi làm không được. Đến bây giờ tôi vẫn ghét cô vì buổi học hôm đó.

Nhat keo cua co giao va noi am anh 20 nam
Là giáo viên nên chọn cách giáo dục học trò cá biệt bằng... sự bao dung.

Năm học cấp hai, tôi ghét môn Toán và dốt Toán đến tận bây giờ. Chuyện đơn giản là có lần tôi nói chuyện, thầy dạy Toán bắt tôi vả vào miệng mình 3 cái rồi lên góc phải bảng đen quỳ cho đến hết giờ học. Thầy rất để ý tôi, cứ tôi mở miệng là lên bảng quỳ dù có lúc tôi chỉ quay xuống bàn dưới để mượn một cây thướt ê - ke.

Tôi ghét thầy, tôi không thể học được môn thầy dạy. Cứ đến giờ học của thầy, tôi lại mở vở ra vẽ một thứ gì đó không ra hình để 45 phút trôi qua thật mau. Năm cấp hai, tôi liên tục thi lại môn Toán. Thời điểm đó, môn Toán với tôi là cực hình, đến bây giờ vẫn vậy vì cứ nghe môn Toán tôi lại nhớ đến thời gian thầy đã ngược đãi tôi - một đứa học trò của thầy như kẻ thù của bục giảng. Tôi ghét thầy, đến bây giờ vẫn vậy.

Nhiều thầy/cô không những tước đoạt của họ trò mình niềm cảm hứng khi đến trường mà còn gieo rắc sự kỳ thị của bạn bè đối với đứa học trò mà thầy/cô cho rằng cá biệt. Có thầy/cô dạy cấp hai còn miệt thị rằng, tôi có vấn đề về thần kinh. Nhiều đứa bạn chung lớp nghe thầy/cô nói thế hùa theo trêu chọc tôi. Tôi khủng hoảng, chỉ muốn bỏ học. Và điều đó đã đến khi tôi không qua nổi lớp 9. Dù chỉ mấy năm trước đó, tôi vẫn được đánh giá là học sinh khá và là một đứa có tư duy, nhớ dai.

Nói đi cũng phải nói lại, tôi thấy mình thật sự may mắn khi những tháng ngày sau đó tôi gặp được những giáo viên giàu sự bao dung, lòng nhân ái. Những giáo viên ấy đã tạo động lực cho tôi đến lớp.

Cũng là lỗi lầm của một cậu học trò nhưng nhiều thầy/cô không cắt tóc tôi, không bắt tôi quỳ hay nhục mạ tôi. Họ cho tôi thấy mình vẫn có thể tiến bộ nếu chịu đi học đàng hoàng.

Năm lớp 11, một lần đi học về ngang qua lớp bên cạnh, tôi nghịch ngợm tung chân đá vỡ tấm kính cửa. Với bản năng của kẻ phạm sai lầm, tôi bỏ chạy ngay ra khỏi trường. Nhưng liền ngay sau đó, cô chủ nhiệm tôi biết chuyện liền gọi tôi xuống xin lỗi thầy Bí thư đoàn trường và hứa sẽ thay lại kính lớp học vào ngày mai.

Cô dặn tôi hãy nói với thầy là tôi không cố ý phá tài sản nhà trường mà chỉ vô tình trong lúc ngịch ngợm làm hư cửa kính. Ngày hôm sau đến lớp, tôi thấy cửa kính đã được thay mới và người gọi thợ vào thay là cô giáo chủ nhiệm của tôi.

Tôi thử đặt tình huống, nếu lúc đó cô chủ nhiệm không gọi điện mà mời phụ huynh đến thay rồi ra hình thức kỷ luật là đuổi học tôi: 1, 2, 3 tuần... thì tôi sẽ ra sao?

Cũng là lỗi lầm của cậu học trò nhưng tùy vào sự bao dung, lòng yêu nghề của mỗi giáo viên mà họ sẽ thể hiện thái độ khác nhau. Có người sẽ chọn cách cho học trò hơn 230 cái tát nhưng cũng có người sẽ tìm một giải pháp khác để giáo dục học trò của mình mà không cần bạo lực.

Khi những “thảm họa” học đường liên tiếp xảy ra, người ta hay quy nó về cái gốc của giáo dục. Nhưng tôi xin lấy thước đo là sự bao dung để đong đếm cho mỗi trường hợp cụ thể. Trong thước đo của sự bao dung sẽ có cả tính cách và đạo đức của mỗi giáo viên. Nếu mỗi giáo viên được gắn trong mình một cái chuông, cái chuông này sẽ reo lên báo hiệu khi sự bao dung xuống dưới cấp độ quy định... Tôi tin rằng sẽ không có những cái tát vào những đứa học trò vô tội hay những đầu tóc lỏm chõm của đứa học trò 10 tuổi gần 20 năm trước.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI