Nhật Bản tưởng niệm 12 năm thảm họa kép

11/03/2023 - 15:33

PNO - Ngày 11/3, Nhật Bản tưởng niệm 12 năm trận động đất và sóng thần tấn công vùng đông bắc nước này, cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người.

 

Người dân mặc niệm vào lúc 14g46, thời điểm xảy ra trận động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi bờ biển Nhật Bản vào ngày 11/3/2011, tại Rikuzentakata, tỉnh Iwate
Người dân mặc niệm vào lúc 14g46, thời điểm xảy ra trận động đất mạnh 9,0 độ Richter ngoài khơi bờ biển Nhật Bản vào ngày 11/3/2011, tại Rikuzentakata, tỉnh Iwate

Quá trình phục hồi sau trận động đất 9,0 độ Richter và cơn sóng thần tàn phá các tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate đã tiến triển trong những năm tiếp theo. Dù vậy tính đến tháng 11/2022, khoảng 31.000 người dân vẫn chưa thể quay về quê hương. Các kế hoạch dọn dẹp tại khu phức hợp hạt nhân Fukushima Daiichi cũng đang gây tranh cãi.

Hơn 10 năm sau thảm họa, chính phủ không còn tổ chức lễ tưởng niệm cấp quốc gia. Thay vào đó, các thành phố tại những khu vực bị ảnh hưởng tổ chức các sự kiện ở quy mô nhỏ hơn.

Thủ tướng Fumio Kishida đã tham dự một buổi lễ do chính quyền tỉnh Fukushima tổ chức, giữa lúc chính quyền của ông đang lên kế hoạch thay đổi chính sách năng lượng hạt nhân gây tranh cãi, bao gồm cả việc cho phép các lò phản ứng hoạt động vượt quá giới hạn 60 năm.

Số liệu mới nhất của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cho thấy số người chết vì thảm họa là 15.900 người, trong khi 2.523 người vẫn mất tích - lần đầu tiên sau 12 năm con số này được giữ ổn định.

Anh Hiroaki Sato (49 tuổi) đã cùng vợ và 2 con trai đến cầu nguyện cho người cha quá cố của mình ở Arahama, một khu vực ven biển ở Miyagi, nơi bị tàn phá trong thảm họa. Anh Sato nói: “Tôi muốn cho cha tôi thấy những đứa cháu của ông đã trưởng thành như thế nào”.

Theo cơ quan tái thiết, tính đến ngày 31/3/2022, số người chết gián tiếp do thảm họa - bao gồm cả những người bị bệnh hoặc tự tử do căng thẳng - là 3.789 người.

Bà Ayako Yanai (67 tuổi) sống ở Okuma, một trong những thị trấn ở Fukushima, nơi có nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động, đã lần lượt mất cha chồng và chồng vào năm 2016 và 2019 khi họ đi sơ tán trong tỉnh.

Nhưng cái chết của họ không được công nhận là có liên quan đến thảm họa vì thời gian đã trôi qua quá lâu. Không đồng ý với những đánh giá, bà Yanai nói: "Căng thẳng tích tụ khi phải di chuyển nhiều lần đến những nơi bạn chưa từng biết có thể sinh bệnh. Điều đó không liên quan gì đến việc thảm họa đã trải qua bao nhiêu năm".

Tranh cãi vẫn tiếp diễn về việc dọn dẹp hậu quả của thảm họa hạt nhân, bao gồm cả kế hoạch xả nước đã qua xử lý được lưu trữ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển vào mùa xuân hoặc mùa hè.

Nước sau khi được bơm vào các lò phản ứng để làm mát nhiên liệu nóng chảy đã tích tụ tại cơ sở và khối lượng ngày càng tăng do nước mưa và nước ngầm tại đây chảy vào. Hiện 96% các bể chứa nước được lấp đầy. Một đường hầm dài khoảng 1km dự kiến sẽ dẫn hơn 1,3 triệu tấn nước đã qua xử lý vào đại dương.

Sự phản đối đến từ nhiều nguồn, bao gồm cả người dân địa phương và các doanh nghiệp đánh cá, trong bối cảnh lo ngại rằng việc xả nước vào Thái Bình Dương sẽ gây ra thiệt hại về uy tín ngành thủy sản. Các nước láng giềng, bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng bày tỏ lo ngại.

Linh La (theo Kyodo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI