Nhật Bản - Trung Quốc: Thay đổi để ngăn những cái chết do làm việc quá tải

13/02/2022 - 14:28

PNO - Những cái chết do làm việc quá sức, liên quan đến điều kiện lao động ở hai nền kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc đang gây ra phản ứng dư luận ngày càng gay gắt. Thống kê ở Nhật Bản cho thấy năm 2020, số người tự tử vì công việc lên gần 2.000. Con số này lên đến mức kỷ lục vào năm 2011, với gần 2.700 nạn nhân.

Nhiều cái chết liên quan đến công việc

Người Nhật có hẳn thuật ngữ karojisatsu để chỉ tình trạng tự tử do căng thẳng nghề nghiệp và karoshi chỉ trường hợp tử vong đột ngột trong lúc làm việc. Văn phòng Thanh tra tiêu chuẩn lao động Nhật Bản từng có công bố chấn động về kết quả điều tra vụ cô Matsuri Takahashi (24 tuổi) nhảy từ tầng cao nhất tòa nhà Công ty Dentsu vào đêm Giáng sinh 2015.

 

Văn hóa làm việc “996” từ kỳ vọng là thái độ làm việc chuyên nghiệp đã trở thành đáng sợ sau cái chết của một nhân viên công nghệ ở Trung Quốc - ẢNH: AFP
Văn hóa làm việc “996” từ kỳ vọng là thái độ làm việc chuyên nghiệp đã trở thành đáng sợ sau cái chết của một nhân viên công nghệ ở Trung Quốc - Ảnh: AFP

Theo đó, cái chết của nữ nhân viên công ty quảng cáo uy tín nhất Nhật Bản thực chất không phải là tự tử, mà là karoshi - chết do làm việc quá sức. Vụ việc trở thành tâm điểm dư luận với những phản ứng dữ dội đối với áp lực làm việc kinh khủng tại nước này.

Các nhà điều tra cho biết Takahashi đã làm thêm 105 giờ trong tháng trước khi qua đời, vượt quá mức chính phủ cho phép là từ 80 - 100 giờ làm thêm. Với thời gian làm việc bình quân 8 giờ mỗi ngày, 100 giờ làm thêm có nghĩa phải thêm đến 12,5 ngày làm việc một tháng. Cái chết của Takahashi đã buộc chính phủ phải cải cách, thay đổi các quy định, điều kiện, thời gian làm việc từ tháng 9/2016.

Nhật Bản cũng đã báo cáo đầu tiên về những cái chết do làm việc quá sức. Qua đó cho thấy có đến 23% công ty lớn ở Nhật có khả năng lạm dụng buộc người lao động làm thêm trái quy định. Theo hãng tin AP, Chính phủ Nhật đã nhận gần 3.000 đơn khiếu nại về những cái chết do làm việc quá sức vào năm 2020, có 800 gia đình nạn nhân đã được nhận bồi thường.

Câu chuyện mới nhất là phán quyết của tòa hồi tháng 9/2021 về việc một nhân viên 40 tuổi của hãng Toyota tự tử năm 2010 là do chứng trầm cảm mà ông ta mắc phải khi đã làm việc quá sức, đồng thời, bị các giám sát viên nhà máy quấy rối. Nhà sản xuất xe hơi danh tiếng này cũng đã phải giải quyết một vụ kiện khác hồi năm ngoái về vụ tự tử xảy ra năm 2017 và phải thừa nhận hành vi quấy rối tương tự đã dẫn đến cái chết của một kỹ sư 28 tuổi.

Theo The Japan Times, tỷ lệ tự tử ở Nhật đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây nhờ những can thiệp từ chính phủ. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm người tự tử hằng năm vì các vấn đề liên quan đến công việc. Hiện điều kiện làm việc ở Nhật đã có cải thiện và nhiều công ty cũng đang giảm giờ lao động. Chính phủ cũng thông qua dự luật bắt buộc người lao động phải nghỉ phép tối thiểu năm ngày mỗi năm và đảm bảo người có thu nhập cao trong lĩnh vực tài chính được trả lương theo hiệu quả công việc thay vì theo giờ làm việc.

“Văn hóa 996” tại Trung Quốc

Cái chết mới đây liên quan đến công việc của một thanh niên 25 tuổi làm việc tại Công ty chia sẻ video trực tuyến Bilibili đã dấy lên tranh luận về “văn hóa 996” tồn tại từ lâu trong ngành công nghệ Trung Quốc. “Văn hóa 996” là phương thức hoạt động của các công ty đề cao cách làm việc từ 9g sáng đến 9g tối và 6 ngày/tuần. 

Sau cái chết của người nhân viên trẻ tại Bilibili, mạng xã hội Trung Quốc đã lập một danh sách đen gồm hơn 150 công ty mà cộng đồng cho rằng có xảy ra tình trạng nhân viên phải làm việc quá sức. Đồng thời, người trẻ bắt đầu nhận ra “996” là cung cách lao động đáng sợ được cổ vũ, kỳ vọng lớn trong quá khứ bởi những nhân vật như tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba.

“Ở Bilibili, dù bạn đã đủ điều kiện hưởng ngày nghỉ hằng năm nhưng họ sẽ không cho bạn nghỉ. Công ty cũng không trả tiền cho giờ làm thêm”, một người tố cáo trên Weibo. Một người khác cho biết thêm, thời gian làm việc ca đêm tại đây từ 21g đến 9g sáng hôm sau. Bilibili cũng yêu cầu nhân viên làm việc cả trong ngày lễ tết. Bilibili đã phủ nhận nhiều cáo buộc nhưng cho biết sẽ quan tâm hơn đến sức khỏe người lao động, đồng thời kêu gọi mọi người chú ý giữ gìn sức khỏe và sử dụng chế độ nghỉ có lương hoặc báo với giám sát nếu cảm thấy không khỏe. 

Dư luận cũng lên án Chính phủ Trung Quốc đã không giải quyết triệt để các vấn đề kể từ khi xảy ra một loạt trường hợp tử vong liên quan đến làm việc quá sức trong năm 2020. Họ cho rằng một khi chính phủ phớt lờ thì việc các công ty lớn buộc người lao động làm việc đến 12 giờ/ngày trở thành bình thường trong khi luật quy định doanh nghiệp không được để nhân viên làm việc quá 8 giờ/ngày hoặc 40 giờ/tuần và thời gian làm thêm giờ bị giới hạn ở mức 36 giờ/tháng. Một số công ty vẫn hoạt động theo phương thức “996” đang bị cộng đồng mạng chỉ rõ đó là hành vi phạm pháp. 

 Nam Anh (theo TDB, Newsweek, The Guardian)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI