Nhật Bản thiếu gạo, doanh nghiệp Việt vẫn khó xuất sang

24/09/2024 - 06:55

PNO - Nhật Bản đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ nhiều nguồn do nguồn cung trong nước hạn chế. Dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn chưa thể thâm nhập được thị trường này.

Chị Trần Ngọc Lê - du học sinh, sống ở tỉnh Aomori, Nhật Bản - kể, cuối tháng 8/2024, nghe tin người Nhật đổ xô đi mua gạo dự trữ, chị vội ghé siêu thị nhưng chỉ mua được 1 bịch 5kg với giá hơn 3.000 yên (trên 500.000 đồng). Mức giá này cao gấp đôi năm ngoái.

Chế biến gạo xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ)
Chế biến gạo xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ)

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lần đầu tiên kể từ năm 1999, Nhật Bản thiếu gạo do người dân đổ xô mua dự trữ vì lo lắng với tình hình động đất và nhiều cơn bão. Nguồn cung khan hiếm khiến giá gạo tăng mạnh. Dẫn thông tin từ báo chí Nhật Bản, VFA cho hay, tình hình hạn hán năm 2023 đã khiến sản lượng giảm, cộng với tình trạng người dân đổ xô mua tích trữ vào tháng 8/2024 khiến giá gạo ở Nhật Bản đang cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đã mua 66.000 tấn gạo từ Mỹ, Úc và Thái Lan với giá trung bình 118.801 yên (khoảng 820 USD) mỗi tấn, bao gồm thuế. Đến đầu tháng 9/2024, bộ này tiếp tục công bố mua 47.000 tấn gạo theo hình thức đấu thầu, thời gian giao hàng dự kiến từ ngày 30/10 - 15/12/2024.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, tổng lượng gạo nhập khẩu của Nhật Bản bình quân khoảng 770.000 tấn/năm, trong đó có 670.000 tấn nhập theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên theo ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch VFA - Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu gạo từ Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc và Úc, vẫn còn hạn chế nhập khẩu gạo Việt Nam do phần lớn sản phẩm gạo Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản về tiêu chuẩn chất lượng, độ an toàn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long là doanh nghiệp Việt hiếm hoi xuất khẩu được gạo ST25 vào Nhật Bản với thương hiệu A An. Để làm được điều này, sản phẩm phải đạt hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản. Tân Long đã bao tiêu vùng sản xuất, kiểm soát các khâu hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cách thức sản xuất… để có thể đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường này.

Sau Tân Long, một số doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tiếp cận thị trường này nhưng chưa có kết quả. Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, Chính phủ Nhật Bản có chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước, có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với gạo nên dù họ đang thiếu gạo, doanh nghiệp Việt vẫn khó xuất được gạo sang. Ông nói: “Theo ước tính của VFA, Việt Nam chỉ mới xuất qua Nhật chưa tới 20.000 tấn gạo/năm. Đây là con số quá ít so với tiềm năng của Việt Nam. Trung An xuất khẩu gạo qua nhiều thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc nhưng với thị trường Nhật Bản, công ty vẫn đang trong quá trình tiếp cận”.

Ông cho biết thêm, từ năm ngoái, một số doanh nghiệp nhập khẩu Nhật Bản đã tới Việt Nam khảo sát vùng trồng, làm việc với 4 doanh nghiệp, trong đó có Trung An. Sau khi trao đổi, lấy mẫu phân tích, đối tác đánh giá chất lượng gạo của Trung An cơ bản đạt yêu cầu, nhưng họ vẫn chưa quyết định ký hợp đồng nhập khẩu do phụ thuộc vào kế hoạch nhập khẩu gạo của Chính phủ Nhật Bản.

Ông Phan Văn Có - Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice - thông tin, cơ hội để gạo Việt Nam vào thị trường Nhật Bản rất lớn do nhu cầu tiêu dùng gạo cao, nhưng đây cũng là thị trường khó tính nhất thế giới. Đối tác Nhật Bản cần có hợp đồng theo tiêu chuẩn riêng và bên xuất khẩu phải có 6-9 tháng chuẩn bị, mới đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), bên cạnh các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang tích cực mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao là một lợi thế để thâm nhập các thị trường này.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI