Ngành công nghiệp phim ảnh Nhật Bản vốn khép kín, sản lượng phim thương mại hằng năm không nhiều, nhiều bộ phim độc lập được thực hiện với kinh phí thấp. Quốc gia này cũng ít có những dự án phim ảnh hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, Nhật Bản lại có 2 lợi thế được nhiều đoàn phim quốc tế chú ý. Thứ nhất, đồng yên đang ở mức thấp so với USD; sự ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền tảng trực tuyến đa quốc gia. Với dân số đông, đời sống cao, Nhật Bản là một trong những thị trường lớn nhất ở châu Á. Các nền tảng trực tuyến chẳng hạn như Netflix đã công bố kế hoạch tăng đầu tư cho các sản phẩm nội dung Nhật Bản. Họ cũng nhấn mạnh việc xuất khẩu một số thể loại nội dung Nhật Bản, đặc biệt là chương trình trò chơi và phim hoạt hình (anime).
Shogun - bộ phim có nhiều yếu tố hấp dẫn về văn hóa samurai, cổ phục Nhật Bản đã lập kỷ lục về số đề cử tại giải Emmy 2024 - Nguồn ảnh: IMDb
Gần đây, công nghiệp phim ảnh Nhật Bản cũng tạo nhiều tiếng vang. Loạt phim của đạo diễn Hayao Miyazaki góp mặt ở giải Oscar danh giá với 2 lần chiến thắng giải Phim hoạt hình hay nhất cho Spirited away (Vùng đất của những linh hồn, Oscar 2003) và Cậu bé và chim diệc (Oscar 2024). Drive my car (tạm dịch: Cầm lái cho tôi) bộ phim Nhật Bản đầu tiên nhận được đề cử Phim hay nhất tại Oscar và đã được trao tượng vàng hạng mục Phim truyện quốc tế hay nhất ở Oscar 2022. Năm 2024, Shogun (Đại tướng quân) - một trong những tác phẩm chọn Nhật Bản làm bối cảnh do FX và Disney sản xuất đã trở thành phim truyền hình không sử dụng tiếng Anh đầu tiên phá vỡ kỷ lục về số giải thưởng mà một bộ phim truyền hình có thể đạt được trong một mùa giải Emmy.
Với Hàn Quốc, không chỉ nổi tiếng với công nghiệp điện ảnh, truyền hình, quốc gia này đang trở thành điểm đến phổ biến cho các đoàn phim quốc tế. Ngày càng nhiều đoàn nước ngoài chọn Hàn Quốc làm bối cảnh chính. Loạt phim gốc nổi tiếng của Netflix: XO, Kitty phần 2, phát hành ngày 16/1, có bối cảnh chính là những địa danh quen thuộc ở Seoul như khu hipster Seongsu-dong, công viên Sông Hàn, những con phố nhộn nhịp của quận Jongno, Trường đại học Sangmyung tỉnh Chungcheong Nam… The recruit 2 (Luật sư CIA), phát trên Netflix ngày 30/1, cũng quay hầu hết cảnh chính ở Seoul, bao gồm tháp Lotte ở quận Songpa, các con phố ở Gangnam và các khu chợ truyền thống.
Theo thống kê của chính quyền Seoul, năm 2022, các đoàn phim với 632 tác phẩm điện ảnh và truyền hình quốc tế đã nộp đơn xin quay tại thành phố này. Hwang Seon-kwon - Giám đốc sản xuất của Nine Tailed Fox (một công ty chuyên hỗ trợ dịch vụ cho các đoàn phim quốc tế) - cho biết: “Thành công của Ký sinh trùng (2019), Khát vọng đổi đời (Minari - 2020) và Trò chơi con mực (2022) đã chứng minh tiềm năng của Hàn Quốc… Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phát triển và những chính sách hỗ trợ các đoàn phim quốc tế là những yếu tố giúp Hàn Quốc được nhiều đoàn phim quốc tế chú ý”.
Thái Lan từ lâu cũng đã là điểm đến hấp dẫn các nhà sản xuất phim quốc tế, đặc biệt là Hollywood, nhờ hệ thống di sản đa dạng và văn hóa địa phương đặc thù. Năm 2023, có 466 bộ phim của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi hình tại Thái Lan. 6 tháng đầu năm 2024 có 238 dự án. Theo Văn phòng Điện ảnh Thái Lan, doanh thu của Thái Lan từ sản xuất phim quốc tế đã vượt 6,6 tỉ baht (khoảng 198 triệu USD) vào năm 2023, tăng gần 2 tỉ baht (61 triệu USD) so với năm 2022.
Ưu đãi tài chính cao
Nhật bắt đầu thí điểm các chính sách thu hút đoàn phim quốc tế vào năm 2019. Đến tháng 3/2024, quốc gia này đã áp dụng chính sách hỗ trợ với mức hoàn trả lên tới 50% chi phí, tối đa là 1 tỉ yên (6,4 triệu USD). Chính sách này dành cho các dự án quốc tế có chi phí sản xuất trực tiếp tối thiểu tại Nhật là 3,2 triệu USD hoặc dự án sẽ được phân phối tại 10 quốc gia trở lên với chi phí sản xuất tại Nhật cao hơn 1,1 triệu USD. Các dự án cần đáp ứng một số tiêu chí, trong đó, quan trọng nhất vẫn là “mang lại lợi ích cho nền kinh tế và ngành công nghiệp điện ảnh Nhật Bản”.
The Recruit, loạt phim gốc của Netflix được quay tại Seoul. Ảnh: Netflix
Hàn Quốc hiện đang có chương trình hoàn trả tới 25% chi phí cho các dự án quay phim tại quốc gia này trong ít nhất 5 ngày và chi phí tối thiểu 400 triệu won (300.000 USD). Ngoài hỗ trợ chi phí, Hàn Quốc còn có các công ty dịch vụ, đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, giúp các đoàn phim quốc tế tìm kiếm địa điểm, hậu cần… Seoul cũng cung cấp nhiều phương tiện hỗ trợ như quay phim trên không, kiểm soát đường bộ…, hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị và các ưu đãi tài chính khác.
Từ năm 2017, Thái Lan đã có nhiều chính sách ưu đãi các đoàn phim nước ngoài. Đến đầu năm 2024, chương trình hoàn tiền mặt cho các đoàn phim nước ngoài đã tăng lên 20 - 30% (trước đó là 15 - 20%) với mức trần lên đến 150 triệu baht (4,6 triệu USD). Thái Lan đang nỗ lực đưa Pattaya trở thành Thành phố điện ảnh vào năm 2027, hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái bền vững cho ngành công nghiệp điện ảnh, tạo thêm sức hấp dẫn cho các đoàn phim quốc tế.
Từ kinh nghiệm khi tiếp xúc với nhiều đoàn phim quốc tế, Hwang Seon-kwon khẳng định: “Ưu đãi tài chính là yếu tố quan trọng nhất để thu hút đoàn phim quốc tế. Điều đầu tiên họ hỏi đến là các khoản hoàn trả chi phí theo quy định”.
Không chỉ mang lại lợi nhuận, các đoàn phim quốc tế còn mang lại cơ hội việc làm cho hàng chục ngàn lao động nước chủ nhà, quảng bá đất nước, văn hóa, con người… và giúp đưa tên tuổi của diễn viên trong nước đến với công chúng toàn cầu.
Việc đặt mục tiêu trở thành thành phố điện ảnh nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng mang theo nhiều kỳ vọng phát triển của TPHCM.