Nhật Bản sẽ chặn mọi máy bay chiến đấu Trung Quốc từ Phúc Kiến

19/07/2020 - 16:56

PNO - Nhật Bản sẽ cho tiêm kích chặn tất cả các máy bay quân sự Trung Quốc từ một căn cứ không quân ở tỉnh Phúc Kiến, khi căng thẳng tại biển Hoa Đông leo thang.

Các máy bay của lực lượng Phòng vệ Không quân Nhật Bản (ASDF) đảm trách tuần tra biển Hoa Đông từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mỗi ngày nhằm theo dõi động thái của các máy bay quân sự Trung Quốc.

Trước khi Nhật Bản thay đổi chính sách vào đầu năm 2019,  Tokyo chỉ cho máy bay chiến đấu đối mặt máy bay quân sự Trung Quốc phía trên không phận của mình.

Theo các nguồn tin, trước đây Trung Quốc thường điều máy bay chiến đấu từ tỉnh Chiết Giang tới gần quần đảo Senkaku - mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nhưng nay đã chuyển địa điểm cất cánh tới căn cứ không quân ở Phúc Kiến.

Khoảng cách giữa căn cứ không quân này và các đảo do Nhật Bản kiểm soát là khoảng 380km. Máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc có thể đến Senkaku/Điếu Ngư trong vòng 20 phút. Trong khi đó, khoảng cách giữa căn cứ của ASDF ở Okinawa đến quần đảo là khoảng 410km và máy bay chiến đấu F-15 cần thời gian di chuyển trung bình 25 phút.

Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 để tăng cường các hoạt động quấy rối ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 để tăng cường các hoạt động quấy rối ở biển Hoa Đông và Biển Đông

ASDF hiện cần phải đáp trả ngay lập tức khi các máy bay chiến đấu của Trung Quốc rời khỏi căn cứ không quân và ngăn không cho chúng xâm nhập không phận Nhật Bản.

Bằng cách kết hợp thông tin tình báo, ASDF đã thiết lập một tuyến phòng thủ ở vĩ độ 27 độ bắc để chặn đường tiếp cận của máy bay quân sự Trung Quốc gần các đảo nằm giữa vĩ độ 25 và 26 độ bắc.

ASDF thường triển khai 2 máy bay chiến đấu để ngăn chặn 1 máy bay quân sự Trung Quốc nhưng giờ đây, họ sẽ nâng con số này lên 4.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Nhật đã đưa máy bay chiến đấu đối đầu máy bay quân sự Trung Quốc 638 lần trong năm tài khóa 2018 và 675 lần trong năm tài khóa 2019.

Mặt khác, theo trang Eurasian Times, Nhật Bản cũng hoàn thiện tên lửa ASM-3 chống hạm, đề phòng trường hợp Bắc Kinh đưa tàu chiến tiến vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Được phát triển bởi Công ty Mitshitech, ASM-3 là phiên bản nâng cấp theo yêu cầu từ Tokyo, sau khi phiên bản trước không thỏa mong đợi của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Tên lửa di chuyển đến mục tiêu nhanh hơn năm lần so với tốc độ âm thanh, tự tăng cường định hướng, gần như không thể phát hiện và có khả năng mang theo đầu đạn tiêu diệt tàu chiến trên mặt nước và tàu sân bay.

ASM-3 có tầm bắn hơn 300km, gấp đôi thông số kỹ thuật ban đầu. Tên lửa sẽ dùng hệ thống GPS để tiến đến khu vực mục tiêu, trước khi chuyển sang radar để được hướng dẫn vị trí cuối cùng.

ASM-3 dự kiến được dùng cho tiêm kích F-2 Nhật Bản. Nó quá lớn so với khoang vũ khí của máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mà Tokyo đang tìm cách mua từ Mỹ.

Tấn Vĩ (theo Kyodo, Eurasian Time)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI