Người học là số 1
Chúng tôi ở homestay trong một khu dân cư thuộc tỉnh Chiba (ở phía Bắc, cách trung tâm Tokyo khoảng 1 giờ đi xe và hằng ngày được chứng kiến cảnh mới 7-8g, trời còn rét căm căm, nhưng nhiều người lớn tuổi vẫn mặc đồ chống rét, ra đường canh cho những đứa trẻ đi học.
Ở Nhật, trẻ em được học tính tự lập và các kỹ năng sinh tồn ngay từ nhỏ. Vào lớp Một, trẻ em chỉ học trường gần nhà và tự đi bộ đến trường; trường xa thì đi xe buýt. Lớn thêm một chút, trẻ tự đi bằng xe đạp. Không nhiều bố mẹ có thời gian để đưa đón con; nếu có thì họ cũng muốn con phải biết tự lo việc của mình. Tính trách nhiệm và độc lập được trui rèn từ bé. Mỗi đứa trẻ phải tự đeo ba-lô sách vở và mang thêm một túi đồ dùng cá nhân đến trường.
|
Cho đến lớp Bốn - 10 tuổi, học sinh Nhật chủ yếu được dạy để hình thành những quy chuẩn về hành vi và phát triển tính cách; học các kỹ năng sống; học tính can đảm, tự chủ và công bằng |
Thấy tôi có vẻ ái ngại với việc đó, người dân địa phương giải thích, họ không hề quẳng con em mình ra đường một cách không an toàn. Tất cả các tuyến đường, dù là đường hẻm trong khu dân cư hay đường cao tốc đều có camera giám sát. Mỗi ngã tư nhỏ trong khu dân cư lại có một vài người già đứng canh chừng xe và đề phòng kẻ xấu cho các em vào giờ đến lớp hay tan trường.
Họ làm việc này một cách tự nguyện, xem như trách nhiệm của bản thân với những mầm non tương lai. Ở những giao lộ nhỏ không có đèn giao thông thì chỉ cần thấy có học sinh (HS) đi ngang hoặc có xe buýt chở HS, các phương tiện khác sẽ tự động dừng lại nhường đường và HS cúi đầu cảm ơn. Ưu tiên cho trẻ em, hỗ trợ người già, người khuyết tật… là việc đã khắc sâu vào tiềm thức của người dân Nhật.
Chúng tôi được đến thăm Trường ĐH Aichi Gakuin tại TP. Nagoya thuộc tỉnh Aichi, quê hương của hãng Toyota nổi tiếng thế giới; một trường tư thục được xem là cái nôi đào tạo ra nhiều chủ tịch tập đoàn lớn nhất nước Nhật. Sinh viên của trường học trong một tòa nhà đại học thông minh 5 sao, "chuẩn" từ không gian cho đến công nghệ hỗ trợ tối ưu hóa việc học và nghiên cứu.
Trong khuôn viên trường, người ta còn tính toán đến cường độ ánh sáng, lưu lượng oxy tại mỗi giảng đường để người học cảm thấy thoải mái. Quan trọng nhất là tại ngôi trường lâu đời và giàu có này, sinh viên mới chính là "trung tâm" chứ không phải ông hiệu trưởng hay vị giáo sư nào.
Trong nền giáo dục (GD) Nhật Bản, người học là ưu tiên số một. Người Nhật quan niệm không để một trẻ em nào trong gia đình và không để một gia đình nào trong cộng đồng không được GD. Tỷ lệ người không biết chữ tại Nhật gần như bằng 0. 72,5% HS theo học lên đến bậc đại học, cao đẳng và trung cấp - một tỷ lệ tương đương với nước Mỹ và vượt qua cả một số nước châu Âu.
Anh Takeshi Okada, một người bạn đang sống tại Chiba, đã cho 2 con đi học khi chưa đầy tuổi tại một trường công lập gần nhà. Anh nói: "Hầu hết các trường công lập ở Nhật đều miễn học phí, gia đình có thể chỉ đóng tiền ăn hoặc một vài khoản phát sinh cho cá nhân. Sự an toàn của HS luôn đặt lên hàng đầu. Hầu hết các trường mẫu giáo, tiểu học ở Nhật đều có bảng cấm chụp hình. Nếu bạn muốn chụp hình HS đang đi trên đường, bạn phải hỏi ý các cháu".
Tư cách quan trọng hơn năng lực
Tại một đất nước mà mọi thứ đều được luật hóa như Nhật Bản, tác phong, tinh thần trách nhiệm và uy tín cá nhân là điều rất quan trọng. Trong quy chuẩn đánh giá người học, những tiêu chí này thậm chí còn vượt cả năng lực. Hà Thúc Minh Duy, một du HS Việt Nam đang học tại Trường Nhật ngữ Meiyuu, cho biết: "Vừa rồi, em và một bạn Việt Nam cùng trải qua đợt xét tuyển vào ĐH Ryutsu Keizai. Em đậu, bạn ấy trượt dù học tốt hơn và bài luận trước đó cũng tốt hơn em".
Thông thường, đầu vào của một trường ĐH ở Nhật sẽ xét kết quả và thư tiến cử ở bậc học dưới; bài thi đầu vào; phỏng vấn trực tiếp để xem tác phong, thái độ học tập và mục đích lựa chọn ngành học, trường học... Bạn của Duy rớt ở vòng phỏng vấn. "Trước khi đi phỏng vấn, cô giáo dạy tiếng Nhật đã nhắc nhiều lần là phải mặc đồ vest chỉn chu, đi giày Tây, trả lời trung thực và tuyệt đối không được đi trễ. Bạn em bị đánh rớt vì một lý do rất đơn giản là mặc đồ vest thắt cà vạt đen, mà không hiểu việc đó mang ý nghĩa tang tóc trong văn hóa Nhật. Đã thế, bạn ấy còn mang giày thời trang, tác phong chỉ thích hợp để đi chơi", Duy kể.
Theo bạn Nguyễn Phương Thảo, tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế quốc dân tại Việt Nam, đang theo học Trường Tokyo Kaike IT Senmon (một dạng trường trung cấp nghề) tại Tokyo, sự chuyên cần, nghiêm túc và trung thực là những đức tính được đề cao ở người học. Ở trường em, năm đầu tiên nếu đi học chuyên cần 95% và đạt trình độ N2 tiếng Nhật sẽ được giảm 50% học phí (khoảng 240 triệu đồng/năm).
Hầu hết các trường ở Nhật đều có chính sách học bổng dành cho người siêng năng. Thư tiến cử cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nó gần như là một sự đảm bảo cho uy tín của người học và được nơi viết thư tiến cử xem đó là danh dự của họ.
Ông Pan Bin, Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Meiyuu, cho biết: "Các trường ở Nhật không viết thư tiến cử một cách vô trách nhiệm. Học viên phải thực sự xứng đáng mới nhận được thư tiến cử của trường, vì khi đã tiến cử ai thì người đó là đại diện cho danh dự, chất lượng chung của cả một tập thể sư phạm của trường. Nếu người chúng tôi tiến cử có vấn đề thì lần sau thư tiến cử của chúng tôi sẽ không còn giá trị như trước nữa".
Dạy những điều căn bản nhất cho người học
Hệ thống GD Nhật Bản hiện hành bao gồm 9 năm GD bắt buộc (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở), tiếp theo là 3 năm trung học phổ thông không bắt buộc và 4 năm đại học. Sự chênh lệch giữa các trường ở Nhật gần như không đáng kể. Người Nhật xác định, GD ở bậc học nền tảng là dạy những điều căn bản nhất cho người học. Theo anh Takeshi Okada, những bài học đầu tiên ở trường là các kỹ năng sống như phân loại rác thải, kỹ năng đi đường, ứng phó với thiên tai, với người lạ… Tất cả đều được học qua thực tế. Ngay từ tuổi mầm non, trẻ em đã được các cô giáo dẫn ra đường để học cách đi đường và luật giao thông. HS chỉ làm những bài kiểm tra nhỏ trong lớp chứ không phải qua kỳ thi nào cho đến năm lớp Bốn - 10 tuổi.
Người Nhật quan niệm, mục tiêu của 3 năm học đầu tiên không phải là kiến thức của các em mà là hình thành cho trẻ những quy chuẩn về hành vi và phát triển tính cách. HS được dạy cách tôn trọng người khác, biết yêu thương và sống chan hòa với động vật, thiên nhiên, được học tính can đảm, tự chủ và công bằng. Phần lớn các trường ở Nhật đều không có người dọn dẹp vệ sinh, mà đề cao sự tự ý thức của mọi người. HS tự dọn lớp học, nhà ăn và cả nhà vệ sinh. Người Nhật tin rằng, yêu cầu HS làm vệ sinh trường lớp sẽ giúp các em học được cách làm việc nhóm, biết giúp đỡ và biết tôn trọng lao động của người khác.
|
Tiêu Hà