Nhật Bản nghiên cứu cách điều trị ung thư dựa trên liệu pháp miễn dịch

22/11/2024 - 21:30

PNO - Nhóm nghiên cứu từ đất nước mặt trời mọc đang phát triển phương pháp chữa ung thư, bằng cách ức chế tế bào T và kích thích hệ miễn dịch.

Liệu pháp miễn dịch được kỳ vọng mang lại một phương pháp điều trị ung thư mới, hiệu quả cao, lâu dài và ít độc tính — Ảnh: Getty Images
Liệu pháp miễn dịch được kỳ vọng mang lại phương pháp điều trị ung thư mới, hiệu quả cao, lâu dài và ít độc tính — Ảnh: Getty Images

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Osaka, thuộc tỉnh cùng tên của Nhật Bản, đang phát triển phương pháp mới để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, bằng cách kìm hãm các tế bào T, qua đó kích thích hoạt động của hệ miễn dịch, theo báo Japan Times đưa tin ngày 22/11.

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản, do nhà miễn dịch học Masahiro Yamamoto đứng đầu, đã thử nghiệm phương pháp điều trị mới trên chuột bạch. Thành quả nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí Science của Mỹ.

Giáo sư Yamamoto, thuộc Viện nghiên cứu bệnh vi khuẩn của Đại học Osaka, cho biết rằng con người hoàn toàn có thể đánh bại các tế bào ung thư và vi khuẩn có hại bằng chính hệ thống miễn dịch của mình. Nhưng hệ miễn dịch quá mạnh có thể gây ra phản ứng tự miễn dịch, hoặc thậm chí tấn công ngược lại vào các tế bào lành mạnh, có ích của chính cơ thể người bệnh.

Ông Yamamoto cho biết, liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại ung thư. Liệu pháp này có thể tăng cường hoặc thay đổi hệ thống miễn dịch, khuếch đại khả năng phát hiện và tấn công các tế bào ung thư, dựa trên các tế bào tác động hệ miễn dịch như tế bào lympho và lympho T, đại thực bào, tế bào đuôi gai... Có nhóm tế bào chuyên thúc đẩy miễn dịch và nhóm tế bào chuyên kìm hãm miễn dịch.

Nhóm nghiên cứu của Yamamoto phát hiện ra rằng, bên trong các mô ung thư ở chuột, một loại tế bào T chuyên ức chế miễn dịch, là Th1-Treg, tăng số lượng nhờ chất PF4. Bệnh nhân ung thư có nồng độ PF4 càng cao thì tỷ lệ sống sót càng thấp. Sử dụng kháng thể trung hòa để ức chế, làm giảm chất PF4, qua đó kìm hãm các tế bào Th1-Treg, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhóm tế bào thúc đẩy miễn dịch hoạt động mạnh hơn, hạn chế sự phát triển của ung thư.

Ông Yamamoto chia sẻ: “Đây là khởi điểm của liệu pháp miễn dịch mới không gây ra các bệnh tự miễn. Chúng tôi dự định mở rộng thử nghiệm lâm sàng kháng thể này với sự hỗ trợ của các công ty dược phẩm”.

Trường An (theo Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI