Nhật Bản làm du lịch từ nhà vệ sinh

26/03/2016 - 15:11

PNO - Vài năm gần đây, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản ngày càng tăng bởi sức hút của văn hóa Nhật, cả vật chất lẫn tinh thần.

Vừa cổ kính, vừa hiện đại, ẩm thực phong phú, khí hậu ôn đới… Nhưng ấn tượng nhất với tôi, và cũng là của các thành viên đoàn Famtrip Nhật Bản bằng tàu điện Kintetsu là nhà vệ sinh.

Dù đã đọc qua sách báo, nghe bạn bè kể, vẫn không thể hình dung. Vừa xuống sân bay Nagoya, một tỉnh nhỏ ở miền trung, đập vào mắt du khách là hệ thống nhà vệ sinh rất lạ. Sạch, thoáng, trang nhã, đa dạng về hình thức, kiểu dáng và nội dung thể hiện. Đa phần có hệ thống máy lạnh (mùa hè) và sưởi ấm bàn cầu (mùa đông), nước nóng điều chỉnh tự động xịt rửa và sấy khô, âm thanh và nhạc; các chức năng phụ như ghế giữ em bé, bàn thay tã lót, tay chống hỗ trợ người già yếu, ổ cắm điện, bàn hoặc móc treo túi xách… Nhiều nơi còn có cả bộ điểu chỉnh từ xa (remote).

Bên cạnh vẫn có những buồng vệ sinh mộc, chỉ trang bị bồn cầu bệt hoặc xổm. Mấy bạn Nhật cho biết, những bồn cầu này dành cho người hoài cổ hoặc khách các nước không quen sử dụng nhà vệ sinh hiện đại. Bồn rửa công cộng mà cứ như dịch vụ 4 - 5 sao, có thể uống nước trực tiếp từ các vòi.

Nhat Ban lam du lich tu nha ve sinh

Ở các tỉnh nhỏ và vùng nông thôn, nhà vệ sinh luôn biệt lập với bồn tắm. Vùng trung tâm thì thiết kế chung. Dù chung hay riêng đều tuân thủ nghiêm nhặt những nguyên tắc của nhà vệ sinh Nhật Bản, tiết kiệm và tận dụng từng tấc vuông diện tích một cách hợp lý nhất. Người Nhật ít sử dụng tiếng Anh, chỉ sử dụng Nhật ngữ; bù lại là các ký hiệu bằng hình ảnh rõ ràng, dễ hiểu. Dĩ nhiên, những ai lần đầu sử dụng cũng nên nhìn kỹ, không bấm lung tung để thử. Khách sạn Nhật Bản thường không có sẵn nước chai. Nửa đêm khát, cứ vào toilet uống thoải mái. Hoặc dậy đun nước pha cà phê hay bỏ tiền xu lấy nước lon ngoài hành lang.

Nhat Ban lam du lich tu nha ve sinh

Đến Nhật Bản, chẳng phải bận tâm tìm kiếm hoặc ngại ngùng mùi xú uế. Nhật Bản có lẽ là nước duy nhất có Hiệp hội các nhà vệ sinh (JTA - Japan Toilet Association). Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe còn tổ chức cả cuộc thi thiết kế nhà vệ sinh quốc gia và trao giải, vinh danh 28 công trình nhà vệ sinh sáng tạo một cách trang trọng.

Người Nhật quan niệm “Nhà vệ sinh là chốn riêng tư nhất, là nhu cầu quan trọng nhất nên cũng phải được ưu tiên nhất”. Thật vậy, phòng ngủ vẫn dùng chung hai - ba người, chứ nhà vệ sinh ở Nhật thì không thể. Các nhu cầu về ăn, uống, ở, vui chơi và cả yêu đương đều có thể nín nhịn, tạm hoãn trong thời gian nhất định, nhưng vệ sinh thì đành chịu. Nhà vệ sinh thiếu và bẩn là cách đuổi khách hiệu quả nhất.

Nhà vệ sinh Nhật Bản là một trong top năm lý do để du khách đến và trở lại Nhật Bản. Người Nhật khẳng định, hệ thống nhà vệ sinh tuyệt vời đã góp phần phần phát triển kinh tế, cải thiện giống nòi và tạo nên bản sắc đặc thù văn hóa Nhật Bản. Khắp đất nước Nhật Bản, nhà vệ sinh luôn luôn là RESTROOM đúng nghĩa nhất. Mỗi nhà vệ sinh là một công trình văn hóa và nghệ thuật.

Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI