Nhật Bản giảm 40% tỷ lệ tự sát trong 15 năm và bài học từ mạng lưới cộng đồng tại Akita

08/04/2019 - 16:00

PNO - “Giúp đỡ, lắng nghe, chăm sóc” là ba tiêu chí mà chính quyền, cộng đồng dân cư tại quận Akita đặt ra nhằm giảm số trường hợp tự sát từ mức cao nhất Nhật Bản xuống vị trí thứ 6.

Bà Taeko Watanabe thức dậy vào một đêm tháng ba lạnh lẽo năm 2008, sững sờ trước vệt máu trên hành lang và sự biến mất bí ẩn của người con trai, Yuki. Sau đó cảnh sát phát hiện một lá thư tuyệt mệnh trong phòng ngủ.

Bà Watanabe rơi nước mắt, nhớ lại: "Họ tìm thấy nó tại một con kênh bên cạnh ngôi đền. Sau khi khám nghiệm tử thi, Yuki trở về nhà trong chiếc quan tài. Tôi ngã quỵ".

Yuki, 29 tuổi, là một trong số nhiều người tự sát vào năm 2008 tại quận Akita, cách Tokyo 450 km về phía bắc. Trong gần hai thập kỷ, Akita là nơi có tỷ lệ tự sát cao nhất ở Nhật Bản.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi, bà Watanabe khẳng định: “Nếu con trai tôi đối mặt với tình huống tương tự vào lúc này, nó sẽ không bao giờ chết. Những người khác có thể ngăn chặn hành động dại dột của nó".

Nhat Ban giam 40% ty le tu sat trong 15 nam va bai hoc tu mang luoi cong dong tai Akita
Bà Watanabe bên bức di ảnh của con trai.

Bà Watanabe, từng muốn tự tử sau cái chết của Yuki, hiện dẫn đầu một nhóm vận động chống lại việc tự sát, một phần trong các nỗ lực quốc gia giúp Nhật Bản giảm gần 40% tỷ lệ tự sát trong 15 năm, vượt quá mục tiêu của chính phủ. Akita đang ở mức tự sát thấp nhất trong 40 năm.

Những nỗ lực này diễn ra trên toàn quốc từ năm 2007 với một kế hoạch ngăn chặn tự tử toàn diện, sau khi các học giả và các cơ quan chính phủ xác định những nhóm có nguy cơ. Năm 2016, các khu vực có nhiều tự do hơn để phát triển các kế hoạch phù hợp với đặc thù từng địa phương.

Sau nhiều vụ kiện liên quan đến việc nhân viên tự sát do áp lực công việc, nhiều tập đoàn chấp nhận thay đổi chính sách,giúp việc nghỉ phép dễ dàng hơn; kèm theo đó là hỗ trợ về tâm lý, và đạo luật giới hạn thời gian tăng ca.

Đồng thời, Chính phủ bắt buộc các công ty có hơn 50 nhân viên phải kiểm tra mức căng thẳng của người lao động hằng năm.

Tại Nhật Bản, tự tử là được xem như một cách để tránh sự xấu hổ hoặc mất thể diện, và việc tìm kiếm sự giúp đỡ về tâm lý bị cho là biểu hiện của yếu đuối. Nhưng khi các vụ tự tử lên đến mức đỉnh điểm 34.427 vào năm 2003  và thu hút sự chú ý của quốc tế, đó là chất xúc tác cho sự thay đổi ở Nhật Bản.

Nghèo khổ, già nua, đơn chiếc

Các vụ tự tử xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng Akita trở thành “hố trũng” vì vị trí địa lý xa xôi, thiếu việc làm, mùa đông kéo dài, một số lượng lớn người già bị cô lập và nợ nần.

Năm 1999, Akita là khu vực đầu tiên tại Nhật Bản lập ngân sách cho việc ngăn chặn tự tử. Với dân số chỉ 981.000, quận Akita hiện có một trong những mạng lưới trợ giúp công dân lớn nhất tại Nhật Bản.

Yutaka Motohashi, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Tự tử Nhật Bản, người làm việc tại Akita trong những năm 1990 cho biết: "Vì tự sát là vấn đề cá nhân, chính phủ không muốn sử dụng đến khoản kinh phí từ tiền thuế. Dù vậy, sự thay đổi mô hình bắt nguồn từ Akita; và phần còn lại của Nhật Bản đã làm theo".

Nhat Ban giam 40% ty le tu sat trong 15 nam va bai hoc tu mang luoi cong dong tai Akita
Thế hệ già nua ở Nhật Bản trở nên cô độc khi con cái rời nhà lên thành phố lớn.

Akita bắt đầu chương trình sàng lọc trầm cảm, và nhân viên y tế công cộng hỗ trợ kiểm tra sức khỏe tâm lý những người có nguy cơ. Ngoài ra còn có sự tham gia nhiệt tình của các tình nguyện viên như Hisao Sato, người đã chiến đấu với bệnh trầm cảm trong nhiều năm sau khi công việc kinh doanh của ông thất bại vào năm 2000.

Để giúp đỡ, năm 2002, ông Hisao Sato lập ra "Kumonoito", một mạng lưới các luật sư và chuyên gia tài chính cung cấp trợ giúp thiết thực. Khoảng 60% nguồn tài trợ của ông đến từ chính phủ Akita; phần còn lại do cộng đồng đóng góp.

Hiện Quốc hội Nhật Bản đang xây dựng luật để thành lập một tổ chức quốc gia tương tự như của Sato.

Những người gác cổng

Akita cũng có một mạng lưới "người gác cổng" ngày càng phát triển, họ được đào tạo để xác định những người có ý định tự tử và, đưa ra sự giúp đỡ nếu cần. Bất cứ ai cũng có thể trải qua vài giờ đào tạo từ nhân viên y tế công cộng Akita và tham gia vào mạng lưới.

Khoảng 3.000 người ở Akita hoàn thành khóa đào tạo từ năm 2017, và mục tiêu là 10.000, tương đương một tình nguyện viên cho mỗi 100 người vào năm 2022.

Akita cũng có những "thính giả" tình nguyện, chẳng hạn như bà Ume Ito, 79 tuổi, với nhiệm vụ trò chuyện cùng những người có nguy cơ, mà phần đông là người cao tuổi, hàng giờ liền.

Nhat Ban giam 40% ty le tu sat trong 15 nam va bai hoc tu mang luoi cong dong tai Akita
Văn hóa truyền thống Nhật Bản xem tự sát là cách giải thoát tốt nhất, giúp nạn nhân giữ được danh dự, thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bà Ume Ito kể: "Khoảng 70-80% những người tôi gặp nói rằng họ muốn chết, nhưng sau khi nói chuyện, họ ngừng suy nghĩ về việc tự tử và nói 'Tôi rất mong được gặp lại bạn'".

Một trong những “khách hàng” của cô là Sumiko, 73 tuổi, nằm liệt giường sau khi bi té. Bà Sumiko ở một mình cả ngày cho đến khi gia đình của cậu con trai trở về vào ban đêm: "Nếu cô ấy không đến thì thật là chán. Tôi không thể nói với gia đình mọi thứ trong trái tim tôi và bóng tối vẫn còn đó. Tôi thường nói với con trai rằng hãy cứu mẹ bằng cách lắng nghe".

Theo dữ liệu sơ bộ tỷ lệ tự tử của Akita đã giảm từ mức cao nhất Nhật Bản: 44,6 trên 100.000 người vào năm 2003 xuống còn 20,7 vào năm 2018. Dù vậy, địa phương vẫn đứng ở vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng tỵ lệ tự sát.

Các vụ tự tử tại Nhật Bản đã giảm từ mức đỉnh năm 2003 xuống còn 20.598, tương đương tỷ lệ giảm từ 27 trên 100.000 xuống còn 16.3. Chính phủ đặt mục tiêu 13 trên 100.000 vào năm 2027. Để so sánh, tỷ lệ tự tử ở Mỹ, với dân số gấp đôi Nhật Bản, là 14 trên 100.000 vào năm 2017.

Bóng tối vẫn tồn tại

Tuy số liệu có sự cải thiện, năm 2018 vẫn chứng kiến 543 vụ tự sát liên quan dến người dưới 19 tuổi, cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Ryusuke Hagiwara, chuyên viên về phòng chống tự tử tại Bộ Y tế cho biết các vụ tự tử ở thanh thiếu niên là trọng tâm trong kế hoạch ngăn ngừa tự tử từ năm 2017.

Thanh niên Nhật Bản thường bỏ các hoạt động cộng đồng và tập trung vào việc học tại trường, hạn chế khả năng tâm sự với người khác.

Yoshiaki Takahashi, một nhà nghiên cứu tự tử của Viện Hòa bình Nakasone cho biết: "Ngay tại thời điểm căng thẳng gia tăng đối với các học sinh, thế giới của chúng sẽ thu hẹp lại. Vì thế, chúng tôi cần phải mở rộng thứ".

Nhat Ban giam 40% ty le tu sat trong 15 nam va bai hoc tu mang luoi cong dong tai Akita
Dù tỷ lệ tự sát ở Nhật Bản đang trên đà giảm, tỷ lệ tự sát ở những người trẻ lại tăng lên, gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe tâm lý của thế hệ tương lai.

Cuốn sách nhỏ của Bộ Giáo dục nhắm vào học sinh tiểu học cho phép các em tìm thấy niềm vui thông qua truyện tranh, nhằm đánh giá cảm xúc, dạy các biện pháp giảm căng thẳng như hít thở sâu và khuyến khích các em tìm kiếm sự giúp đỡ.

Koseki, một phụ huynh tại Akita nói: "Nếu chúng tôi dạy trẻ em rằng việc nhờ đến sự giúp đỡ là cần thiết, chúng cũng sẽ cởi mở hơn với ý niệm đó khi trưởng thành, vànhờ vậy giảm các vụ tự tử trong tương lai".

Ngọc Hạ (Theo CNA, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI